30/07/2019 11:39 GMT+7

Chê con bơi như cá mập, mẹ cứng họng khi con 'phản đòn'

ĐẠI LÂM
ĐẠI LÂM

TTO - Con gái tôi biết bơi từ khi bắt đầu bước vào lớp 1. Đó là kết quả của hai mùa hè hai cha con vật lộn với nhau.

Chê con bơi như cá mập, mẹ cứng họng khi con phản đòn - Ảnh 1.

Đó cũng là thành quả ngọt ngào của nước mắt con - học trò và mồ hôi cha - thầy giáo.

Tâm lý chưa hài lòng của mẹ

Thực lòng tôi rất hãnh diện vì con đã biết bơi ở tuổi lên 6 bởi có khá nhiều bé con của đồng nghiệp tôi dù được học với giáo viên chuyên nghiệp vẫn không thể bơi được.

Dù vậy, mỗi khi nhìn con nhà người ta bơi cùng với con mình, tôi vẫn thấy chưa hài lòng nên chê con nhưng cách con phản ứng đã làm tôi phải thay đổi.

Hôm đó, tôi đưa con đi bơi vì cha cháu bận đi làm. Tôi không biết bơi nên chỉ ngồi trên bờ quan sát và chỉ đạo con phải bơi bao nhiêu vòng hồ, không được chơi ở hồ nhỏ quá lâu mà phải tập trung bơi ở hồ lớn để tiến bộ hơn.

Lúc đó có một bé gái khoảng hơn 10 tuổi được cha chở đến bơi. Con bé có dáng người rất hợp để trở thành vận động viên bơi lội: tay chân dài, người thon thả và bơi đẹp như một nàng tiên cá.

Tôi đứng nhìn con bé bơi rồi quay sang con mình và bất chợt tự so sánh. Con tôi hơi mập nên người tròn trùng trục, tay chân mũm mĩm và bơi như một con cá mập! Vì thầy giáo cha xiêu lòng bởi nước mắt con gái nên con biết bơi nhưng lại không đúng kỹ thuật lắm.

Tôi đã nhiều lần phàn nàn với chồng nhưng anh lại gạt đi: 6 tuổi, lại thân hình nặng nề nên con bơi được là tốt rồi, không đúng kỹ thuật cũng chẳng sao.

Phản ứng của con

Trong lúc tôi đang làm huấn luyện viên trên bờ cho con và thầm ao ước giá như con bơi đẹp như con người ta thì có một chị phụ huynh khác đứng bên cạnh khen: "Bé nhà chị bơi tốt vậy, học bơi lâu chưa?". "Trời ơi, bơi vầy mà tốt gì! Nó bơi như cá mập. Học hết hai mùa hè mới được vầy đó chị. Nhìn con bé kia bơi mới đẹp nè chị" - tôi vô tư trả lời.

Con gái tôi đang bơi tự dưng tiến lại chỗ tôi và cô phụ huynh kia nói trong ấm ức: "Mẹ con không biết bơi đâu cô ơi. Mẹ cứ chê con bơi như cá mập mà mẹ thì không bơi được". Tôi cứng họng, không biết nói gì nữa vì con nói đúng quá. Tôi cứ nghĩ con còn bé không để ý nhiều đến chuyện mẹ nói về mình với người khác nhưng hóa ra lại không như thế.

Thái độ ấm ức của con đã làm tôi phải suy nghĩ về cách hành xử chưa đúng của mình. Lẽ ra tôi phải khéo léo hơn, dù có chê con cũng không nên so sánh với con nhà người ta. Dù thế nào đi nữa thì con cũng đang làm được điều mà bản thân tôi không làm được.

Sau lần đó, mỗi khi đưa con đi bơi, tôi chỉ nhắc nhở con phải bơi bao nhiêu vòng hồ mỗi buổi chứ không dám chê con nữa. Thỉnh thoảng gặp giáo viên đang hướng dẫn học trò bơi, tôi chỉ nhẹ nhàng nói con: Nhìn thầy hướng dẫn bạn để bơi đẹp hơn nha con. Con vui vẻ hào hứng tập bơi theo người bạn mới rồi chủ động làm quen và rủ bạn bơi thi xem ai nhanh hơn.

Thế mới biết làm cha mẹ thật khó. Muốn chê con cũng phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.

Tuần qua, chuyên trang Cha mẹ và Con cái tiếp tục nhận được bài cộng tác của các tác giả: Nguyễn Minh (An Giang), Thùy Gương (Đồng Tháp), Thái Hoàng, Trần Văn Tám, Ngô Võ, Đỗ Tuân Sắc, Minh Huỳnh, Nguyễn Công Khanh (TP.HCM), Đại Lâm (Đắk Lắk), Thu Hiền (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Công (Đồng Nai), Hoàng Danh (Tiền Giang), Bùi Vũ Minh (Hà Nội), nhà biên kịch Tạ Tư Vũ, Hồng Nguyễn... Trân trọng cảm ơn sự cộng tác của các tác giả và rất mong nhận được thêm nhiều câu chuyện qua email chamevaconcai@tuoitre.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ. (TUỔI TRẺ)

Hè đừng bắt con học thêm cái này, cái nọ Hè đừng bắt con học thêm cái này, cái nọ

TTO - Chuyến tàu mang tên mùa hè đã lăn bánh hơn nửa tháng. Nhiều kế hoạch cho một mùa hè vừa an vừa lành tiếp tục được phụ huynh chia sẻ khi hỏi han nhau: mùa hè này anh/chị đưa con đi đâu, làm gì?

ĐẠI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên