Cao Hà chạy bộ buổi sáng tại bờ hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: N.Khánh |
Đó là chia sẻ của Cao Ngọc Hà - người VN đầu tiên đứng vị trí thứ 4 trong số các VĐV chạy địa hình xuất sắc nhất châu Á. Là phó giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp tại Hà Nội, từng có 2 năm làm việc tại Mỹ, Cao Hà được dân chạy đường dài VN gọi với biệt danh “dị nhân” trên đường chạy.
7h sáng tại hồ Hoàn Kiếm, Cao Hà đối thoại cùng Tuổi Trẻ sau một buổi chạy nhẹ 15km.
Không phải “hành xác”
* Công việc bận rộn, mỗi ngày phải di chuyển hơn 30km từ nội thành Hà Nội đến cơ quan ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm việc, anh dành thời gian nào để tập luyện?
- Những người chơi thể thao như tôi thường ngủ ít hơn người bình thường, mỗi ngày tôi chỉ ngủ 5-6 tiếng. Muốn đi chạy thì công việc cơ quan phải hoàn thành và việc gia đình cũng phải làm xong.
Bình thường tôi dậy lúc 4h-5h sáng và chạy đến khoảng 6h thì trở về nhà để 6h30 đi làm. Mỗi ngày tôi chạy trung bình 15km, xen giữa những buổi chạy nhẹ là những buổi tập nặng tôi có thể kết hợp cả chạy bộ và đạp xe.
Những ngày tập nặng tôi có thể chạy từ 2h-6h sáng và khi đi làm thay vì đi ôtô cơ quan tôi sẽ đạp xe từ Hà Nội lên Hòa Lạc hơn 30km (mất 1 giờ 30 phút).
* Theo dõi trên diễn đàn chạy đường dài tôi thấy có những buổi anh chạy 10 giờ liên tục không nghỉ.
- Đó là trước mỗi giải đấu lớn khoảng 2-3 tháng tôi thường tập với cường độ nặng hơn. Ví dụ trước giải Vietnam Moutain Marathon Sa Pa 2016 tôi thường chạy trung bình 15 giờ/tuần với chiều dài 130-160km. Sau ba tuần sẽ có một buổi cuối tuần tôi chạy liên tục 10 giờ từ 0h đêm hôm trước đến 10h trưa ngày hôm sau.
Bên cạnh đó, tôi bơi khoảng 2-3km/tuần, đạp xe thêm 3-4 buổi/tuần để tăng cường thể lực.
* Là VĐV nghiệp dư nhưng anh tập thậm chí còn hơn một VĐV chuyên nghiệp. Điều gì khiến anh đến với chạy bộ và đam mê nó vậy?
- Khi học phổ thông tôi có thi điền kinh ở Hội khỏe Phù Đổng và giành HCB cự ly 1.500m. Việc học tập lúc đó khá căng thẳng nên chạy bộ là cách giúp tôi giải tỏa mệt mỏi trong việc học hành. Sau này tôi học đại học rồi đi làm nên có rất ít thời gian chơi thể thao. Tháng 9-2013, tình cờ một số người bạn trên Facebook rủ tôi đi chạy bộ nên tôi tập trở lại cho đến nay.
Với tôi chạy không phải là việc gì ghê gớm, nó là lúc để tôi tận hưởng cuộc sống, giải tỏa stress và vượt qua những thử thách của bản thân. Tôi cũng không cho rằng việc tôi tham gia những cuộc thi khắc nghiệt, đưa ra những thử thách chạy 24 giờ liên tục là “hành xác”, nó đơn giản là cách trải nghiệm cuộc sống và thử thách của bản thân tôi. Tôi đưa ra mục tiêu và tìm mọi cách để đạt được mục tiêu đề ra dù rất khó khăn.
Thử thách trong cuộc sống là vô hạn
* Anh bắt đầu dự giải đấu lớn chính thức là Vietnam Moutain Marathon Sa Pa tháng 9-2016 nhưng sau chưa đầy một năm thành tích đã thăng tiến vượt bậc. Mục tiêu của anh có phải là thứ hạng tại các cuộc thi?
- Tôi không tham dự các cuộc thi chỉ để giành thứ hạng dù điều đó cũng có ý nghĩa. Mục tiêu của tôi là vượt qua được bản thân trong mỗi cuộc thi, đó mới là điều quan trọng.
* Chạy marathon 42km ở đường bằng đã là thách thức ít người thường có thể thực hiện được. Anh lại toàn dự những cuộc thi siêu marathon 70km, 100km ở trên địa hình đường mòn, núi rất nguy hiểm. Trở ngại lớn nhất khi tham dự các cuộc thi là gì?
- Theo tôi, đây là những thử thách về mặt tâm lý nhiều hơn là thử thách về mặt thể chất cơ thể. Có nhiều cuộc thi tôi bị chấn thương ở ngón chân hoặc gót chân nhưng không thể vì chấn thương mà bỏ cuộc được. Là người có kinh nghiệm chạy nên tôi thường thay đổi cách tiếp xúc của bàn chân với mặt đất, từ đó giảm cảm giác đau đớn để tiếp tục hoàn thành chặng đua.
Thử thách khi tham dự các giải đấu lớn 70km, 100km kinh khủng nhất vẫn là 20km cuối cùng bởi khi đó cơ thể đã kiệt sức, phải dùng ý chí và đôi khi cả tay để nâng từng bước chân. Bàn chân lúc đó đã phồng rộp, quần áo cọ xát khiến nhiều vị trí cơ thể bị xây xước, thậm chí chảy máu. Khi đã quá mệt mỏi tôi thường nghĩ đến quãng đường dài tôi đã vượt qua, không có cớ gì tôi lại không thể cố gắng ở những kilômet cuối cùng dù có khó khăn thế nào.
* Trong cuộc sống chắc hẳn chưa có thử thách nào khiến anh kiệt quệ về tinh thần, đau đớn về thể xác hơn là hoàn thành đoạn đường 100km hay chạy liên tục 24 giờ?
- Tôi không nghĩ vậy. Tôi đã trải qua những thời gian căng thẳng cực điểm khi làm việc tại Mỹ, xa nhà nhớ vợ con, khi con ốm mà mình không thể ở bên chăm sóc. Tôi cũng từng rơi vào cảm giác bất lực và rất stress khi tháng 4-2016 phải rời Mỹ về nước trước thời hạn để chăm sóc bố bị ung thư, sau 4 tháng bố tôi mất. Nếu như trên đường chạy, sự kiệt quệ, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần chỉ kéo dài vài tiếng thì những thử thách trong cuộc sống là vô tận.
Tiếp tục tìm giới hạn
* Sau 4 năm chạy bộ, điều được và mất của anh là gì?
- Tôi được rất nhiều thứ, quan trọng nhất là sức khỏe tốt lên nhiều. Tôi gần như không đau ốm gì trong suốt nhiều năm qua, các chỉ số cơ thể đều tốt. Tôi có thêm nhiều bạn bè chia sẻ với niềm đam mê của mình.
Quan trọng hơn, chạy giúp tôi bản lĩnh hơn trong cuộc sống và công việc. Khi công việc quá căng thẳng thì chạy bộ là liều thuốc tốt nhất để giải tỏa căng thẳng, làm mọi thứ tươi mới hơn. Khó khăn là điều hiển nhiên chúng ta phải đối mặt nhưng khi tôi đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt trên đường chạy thì những khó khăn trong công việc, cuộc sống vượt qua cũng đơn giản hơn.
Nhiều người xung quanh khi biết tôi đã tham dự những cuộc thi 100km hay chạy 24 giờ liên tục họ không thể tưởng tượng tôi có thể làm được. Tôi nghĩ mỗi người đều có một khả năng nhất định, tôi và bạn đều có thể làm việc đó nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác khả năng của cơ thể mình. Tôi chạy để vượt qua những thử thách do bản thân đặt ra, khám phá giới hạn cơ thể mình và giờ tôi vẫn đang tiếp tục tìm giới hạn đó.
Cách đây 4-5 năm, ở VN những người có khả năng hoàn thành cuộc đua marathon 42km có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng thời điểm này con số đó đã lên tới vài trăm. Như vậy rõ ràng không chỉ tôi mà rất nhiều người khác đều có khả năng, điều quan trọng là bạn có quyết tâm để thực hiện được hay không.
* Nhiều người tập thể thao coi tập luyện là công việc phải hoàn thành để có sức khỏe, vóc dáng, còn anh coi nó là sự tận hưởng cuộc sống?
- Đúng vậy, khi chạy tôi thường không nghĩ mình đang cố gắng hoàn thành bài tập mà thấy mình đang thư giãn. Tôi vừa chạy vừa ngắm cảnh, cảm nhận cuộc sống, cảm nhận sự biến đổi trong cơ thể mình. Trước đây không chạy tôi không biết quanh hồ Hoàn Kiếm lại nhiều chim đến vậy, thật thú vị khi buổi sáng sớm bạn vừa chạy lại được nghe tiếng chim hót líu lo.
* Ngoài chạy bộ, lúc rảnh rỗi anh làm gì?
- Tôi đọc rất nhiều sách, đây là niềm yêu thích của tôi.
Thử thách chạy liên tục 24 giờ Cao Hà (35 tuổi) là VĐV VN đầu tiên và duy nhất hiện đứng thứ 4 (1.425 điểm) trên bảng xếp hạng VĐV chạy địa hình (đường mòn, đường núi - trail) châu Á trên trang Asia Trail Master 2017. Một số giải đấu Cao Hà đã tham dự: về nhì tại giải Vietnam Moutain Marathon Sa Pa tháng 9- 2016 cự ly 100km với 15 giờ 36 phút; về nhất giới phong trào cự ly 42km tại Giải việt dã báo Tiền Phong tháng 3-2017 với 2 giờ 44 phút 26 giây; về nhất cự ly 70km với thời gian 8 giờ 22 phút 26 giây tại Vietnam Jungle Marathon tháng 5-2017 ở Pù Luông, Thanh Hóa... Trong 4 năm qua, Cao Hà đã 3 lần tự thực hiện thử thách chạy liên tục 24 giờ. Hai lần đầu anh hoàn thành mục tiêu, lần chạy dài nhất chạy được 174km trong 24 giờ. |
Nhà báo Nguyễn Đạt (thành viên Hội chạy đường dài VN):
Người truyền cảm hứng Cao Hà là VĐV chạy địa hình số 1 VN và là thần tượng của rất nhiều VĐV phong trào chúng tôi. Nhiều anh chị em khi biết Cao Hà tập và thi đấu ở đâu là chỉ thích ra đó chạy bởi được truyền cảm hứng. Cao Hà không chỉ có tố chất, có kiến thức mà còn bản lĩnh. Là người đàn ông có sự nghiệp thành đạt, trên đường chạy anh cũng là số 1. Cao Hà được mọi người yêu mến bởi kiến thức mênh mông nhưng khiêm tốn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận