Máy bay trực thăng tầm trung EC 125 do Pháp sản xuất trong một lần giới thiệu với doanh nghiệp Việt Nam tại sân bay Vũng Tàu - Ảnh: LÊ NAM
Nhiều nhà đầu tư đã từng có một số ý định đầu tư trực thăng dân dụng phục vụ y tế, chữa cháy, nhưng chưa có dự án nào trở thành hiện thực. Vì sao?
Muốn bay lên, phải xin phép
Trước tiên phải hiểu tất cả các phương tiện bay dân dụng, ngoại trừ các phương tiện vũ trụ, được phân ra hai lĩnh vực hàng không chính: vận tải hàng không công cộng gồm hành khách, hàng hóa (air transport) và các hoạt động hàng không chung: máy bay trực thăng, cứu hộ, chữa cháy, khinh khí cầu… (general aviation).
Hầu hết các hoạt động hàng không đang có ở Việt Nam thuộc lĩnh vực thứ nhất. Trong khi hoạt động hàng không chung gần như không có ở Việt Nam lại chiếm tỉ lệ vô cùng lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tính đến cuối năm 2016, hàng không chung cả thế giới có 416.000 phương tiện bay, trong đó hơn 210.000 chiếc ở Mỹ, 140.000 chiếc ở châu Âu.
Ở Mỹ, các hãng hàng không công cộng cộng chỉ hoạt động tại gần 400 sân bay công cộng, trong khi đó các nhà khai thác hàng không chung hoạt động tại hơn 5.000 sân bay công cộng, chưa kể khoảng 15.000 sân bay hàng không chung các loại.
Ở Việt Nam, mọi chuyến bay đều phải xin phép bay và phải được cấp phép bay trước khi cất cánh, với hành trình bay, mực bay cụ thể.
Làm sao nhà khai thác, công ty khai thác trực thăng biết được bệnh nhân sẽ ở đâu, hỏa hoạn sẽ ở chỗ nào để xin phép bay trước?
Hoặc như trường hợp cháy chung cư Carina vào lúc mọi người còn đang say ngủ, nếu có máy bay trực thăng cứu hộ đi chăng nữa thì chạy đâu để xin phép bay cấp cứu, cứu nạn, cứu hộ?
Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đều quản lý bầu trời giống nhau: trách nhiệm chính thuộc Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, về quản lý khai thác bầu trời và các hoạt động bay dân dụng, nhất là với hàng không chung, giữa Việt Nam với nhiều nước khác có sự khác nhau đáng kể, thậm chí ngược hẳn nhau.
Ở Việt Nam, quản lý khai thác bầu trời về cơ bản thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, ngoại trừ các đường bay (airways) và các vùng trời sân bay dân dụng được giao cho Bộ GTVT quản lý.
Trong khi ở các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và một số quốc gia khác, quản lý khai thác bầu trời được giao cho Bộ GTVT quản lý, ngoại trừ các vùng cấm bay và các khu vực bay quân sự thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng.
Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) chia bầu trời thành các loại "vùng trời không lưu" bao gồm:
- Các vùng trời không lưu có kiểm soát (Controlled Airspace), bao gồm các loại A, B, C, D, E chiếm khá nhỏ trong không gian bầu trời, là nơi các chuyến bay dân dụng bay theo phép bay (phải xin phép) và chịu sự điều hành của cá cơ quan không lưu.
- Các vùng trời không lưu không kiểm soát (Uncontrolled Airspace), bao gồm các loại F, G: chiếm phần lớn không gian bầu trời và là nơi các chuyến bay dân dụng được tự do bay.
Phi công, hãng quản lý phương tiện bay chỉ cần thông báo bay để các cơ quan không lưu theo dõi, trợ giúp, không cần xin phép bay.
Nhiều hoạt động bay hàng không chung với máy bay nhỏ và các phương tiện bay hàng không khác được thực hiện trong các vùng trời không kiểm soát.
Cách tổ chức quản lý bầu trời theo độ cao cho phép các hoạt động bay tầm thấp ngoài đường hàng không của các phương tiện bay như trực thăng, thủy phi cơ du lịch… được thoải mái bay ngay trong vùng trời sân bay (TMA).
Ở Việt Nam, vì không áp dụng cách tổ chức quản lý bầu trời theo cách trên nên các hoạt động bay trực thăng dân dụng phục vụ y tế, chữa cháy, du lịch… trên bầu trời các thành phố lớn như ở nước ngoài sẽ không thể thực hiện được vì bầu trời các thành phố lớn có sân bay thường nằm trong vùng trời sân bay (TMA).
Vướng luật
Về mặt lý thuyết, nghị định của Chính phủ năm 2015 quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay, việc phân loại các vùng trời không lưu hoàn toàn tương thích với các quy định của ICAO.
Nhưng trên thực tế, đến nay vẫn chưa có "vùng trời cho hoạt động hàng không chung" nào được thiết lập.
Các vùng trời không kiểm soát (loại F, loại G) chưa được thể hiện rõ trên các bản đồ không lưu và được công bố trong tập thông báo tin tức hàng không (AIP) Việt Nam, đồng thời các quy định hiện hành về hoạt động bay trong các "vùng trời không kiểm soát" là rất khó khăn đối với các nhà khai thác hàng không chung.
Thủy phi cơ của hãng hàng không Hải Âu, tại sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Hãng hàng không Hải Âu, dùng máy bay thủy phi cơ, phi công hoàn toàn có thể điều khiển máy bay theo phương thức bay bằng mắt (VRF) vì bay ở độ cao thấp, từng trình xin phê duyệt "vùng trời cho hoạt động hàng không chung" trên vịnh Hạ Long để có thể linh hoạt khai thác các chuyến bay ngắm cảnh du lịch bằng thủy phi cơ, nhưng đến nay vẫn chưa được đồng ý.
Các cơ quan quản lý đã biến các "vùng trời không kiểm soát" thành các "vùng trời có kiểm soát" và làm các hoạt động bay hàng không chung trở nên rất khó khăn về các thủ tục cấp phép.
Một bất cập lớn nữa là, theo quy định của ICAO và của cả Việt Nam, các vùng trời có kiểm soát (từ loại A đến E) đều có giới hạn độ cao tối thiểu và nằm dưới độ cao tối thiểu của các "vùng trời có kiểm soát" là các "vùng trời không kiểm soát" (loại F, loại G) đối với các hoạt động bay phù hợp.
Nhưng trên thực tế các hoạt động bay hàng không chung tầm thấp trong phạm vi vùng trời sân bay (TMA) ở Việt Nam gần như bất khả thi, đồng nghĩa với việc các hoạt động bay trực thăng ý tế, chữa cháy, ngắm cảnh du lịch… ở các thành phố có sân bay không thể thực hiện được.
Gỡ được không?
Theo các chuyên gia hàng không Việt Nam, phải sửa đổi, bổ sung Luật hàng không theo hướng giao Bộ GTVT quản lý một tỷ lệ đáng kể bầu trời theo các khu vực địa lý và độ cao, đồng thời giao Bộ GTVT quản lý quy hoạch, chủ trì thẩm định, phê duyệt các dự án xây dựng hạ tầng hàng không chung.
Đồng thời hoàn thiện quy hoạch chi tiết bầu trời theo các hạng vùng trời cho mọi khu vực địa lý và độ cao, bổ sung các vùng trời tầng thấp loại F, G để khép kín và phủ kín lãnh thổ Việt Nam, tổ chức quản lý mọi hoạt động bay hàng không dân dụng (kể cả các hoạt động bay tầm thấp hàng không chung) và cung cấp các dịch vụ không lưu tương ứng.
Thủy phi cơ trên vịnh Hạ Long - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Bên cạnh đó phải xây dựng, ban hành chiến lược, đề án phát triển hàng không chung trong 20 - 30 năm tới cho các loại phương tiện bay và hạ tầng hàng không chung.
Ban hành các quy định quản lý các hoạt động bay chi tiết phù hợp với các điều kiện đặc thù của các phương tiện bay hàng không chung (máy bay nhỏ và siêu nhẹ, thủy phi cơ, trực thăng, tàu lượn, dù lượn, khinh khí cầu…).
Áp dụng thủ tục thông báo bay (thay vì xin phép bay) cho các hoạt động bay hàng không chung tầm thấp trong các vùng trời loại F, G theo thông lệ quốc tế.
Áp dụng thủ tục xin và cấp phép bay đơn giản cho các máy bay cá nhân, máy bay doanh nghiệp phi kinh doanh sử dụng các đường bay hàng không dân dụng nội địa.
Trung Quốc không cấp phép bay dưới 3.000m
Trước đây các cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc cho phép các loại bay nhỏ bay tầm thấp từ 1.000m trở xuống không cần phải xin phép bay, nhưng gần đây họ đã nâng giới hạn độ cao không cần xin phép bay lên 3.000m.
Các loại trực thăng, thủy phi cơ, máy bay cánh quạt cỡ nhỏ phổ biến bay ở độ cao dưới 3.000 mét theo phương thức bay bằng mắt (VRF).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận