Bà Chau Smith tham dự giải VMM 2022 tại Sa Pa vào tháng 9-2022 - Ảnh: VMM NGUYỄN ĐẠT
Đôi lúc bà bỏ dép, để chân trần vì hai móng cái đau nhức, sắp sửa bật khỏi chân sau cuộc chạy marathon kéo dài hơn 16 tiếng liên tục tại Sa Pa.
Gặp lại bà Chau Smith (người Mỹ gốc Việt) sau ba năm thế giới điên đảo vì dịch COVID-19, vậy nhưng sức khỏe và tinh thần của bà dường như không thay đổi, thậm chí nhiều năng lượng hơn.
Ở tuổi 75, bà Chau Smith đã chạy hơn 120 cuộc thi marathon khắp nơi trên thế giới, chạy qua 50 tiểu bang của nước Mỹ và giờ vẫn tiếp tục chạy.
Nghị lực của người phụ nữ Việt Nam
Bà Chau Smith (tên Việt Nam là Trần Thị Châu) là một người Mỹ gốc Việt, năm nay đã 75 tuổi (tuổi trên giấy tờ thì mới 72).
Bà Châu sinh ra và lớn lên tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Chiến tranh vẫn còn hằn trong cơ thể bà với nhiều mảnh bom không thể lấy ra được vì nằm ở những vị trí quá sâu. Mỗi khi thời tiết thay đổi những mảnh bom vẫn khiến bà đau đớn, khó chịu, đồng thời cũng khiến bà nhớ về Tổ quốc.
Năm 1972 bà và hai con di cư sang Mỹ cùng chồng, ít lâu sau ông bà chia tay. Bà Châu khi đó sống tại bang Missouri với công việc chính là sửa quần áo vest, là, hấp quần áo, rồi có cơ duyên gặp ông Michael Smith, người làm việc trong một trường đại học.
Hai ông bà tái hôn cách đây 39 năm và cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui của cuộc sống, đặc biệt là niềm đam mê chạy bộ. Chính ông Michael Smith (79 tuổi) đã đưa vợ mình đến với chạy bộ.
Mỗi sáng, ông bà thường dậy lúc 4h để tập thể thao, trong khi ông Michael chạy marathon thì bà đạp xe theo sau chồng. Đạp xe mãi cũng chán, sau đó bà bắt đầu chạy theo ông những quãng đường ngắn.
Dù vậy với các bệnh về đường hô hấp, sau khi hoàn thành chạy 5km trong cuộc thi đầu tiên thì bà Châu bị ngất xỉu. Thấy vậy, ông Smith ngăn cản khi bà có ý định chạy 10km hay xa hơn nữa.
Bà Châu chia sẻ: "Phải đến năm 46 tuổi tôi mới tham dự cuộc thi marathon đầu tiên trong đời. Tôi nhớ trong giai đoạn đầu chạy, tôi từng bị chấn thương và bác sĩ nói cần phải tập luyện, hồi phục mới hy vọng chạy lại được.
Vì thế mỗi tối khi đi làm về, chồng có khi đã ngủ tôi vẫn xuống hồ bơi trong nhà để chạy dưới nước đến kiệt sức. Bài tập chạy dưới nước là một trong những bài tập vật lý trị liệu rất tuyệt vời đã giúp tôi hồi phục. Tôi thường chạy vào sáng sớm hoặc buổi tối, đêm muộn, bất cứ lúc nào có thời gian bởi hằng ngày còn bận làm việc kiếm sống".
Đã 75 tuổi nhưng bà Châu vẫn không ngại bôn ba các chặng đường gập ghềnh, khúc khuỷu - Ảnh: VMM Nguyễn Đạt
Chạy qua 50 tiểu bang nước Mỹ và 7 lục địa
Sau gần 30 năm chạy bộ, bà Châu cho biết đã chạy khoảng hơn 120 cuộc thi marathon khắp nơi trên thế giới.
Ước mơ chạy qua 50 tiểu bang khắp nước Mỹ của bà cũng đã được hoàn thành vào năm 2020 với cuộc chạy cuối cùng tại đảo Hawaii. Thậm chí có nhiều bang bà chạy nhiều cuộc marathon trong nhiều năm khác nhau.
Năm 2017, truyền thông quốc tế từng kinh ngạc khi bà Châu (khi đó 70 tuổi) là một trong tám VĐV hoàn thành bảy cuộc thi marathon (42,195km) trong bảy ngày trên bảy lục địa với địa hình, thời tiết khốc liệt. Cuộc thi có tên "Triple 7 Quest" (chinh phục ba số 7) do Công ty Marathon Adventures tổ chức. Là người cao tuổi nhất trong số tám VĐV hoàn thành cuộc đua, bà Châu đã chạy bảy giải marathon trong bảy ngày, lần lượt tại: Perth (Úc), Singapore, Cairo (Ai Cập), Amsterdam (Hà Lan), New York (Mỹ), Punta Arenas (Chile) và đảo Vua George (châu Nam Cực).
Ngoài ra, suốt ba thập kỷ qua, bà Châu và chồng đã hoàn thành không biết bao nhiêu cuộc chạy marathon khắp nơi trên thế giới ở khắp các châu lục như Hy Lạp, Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), Zambia, Chile, Nam Cực, Bắc Mỹ, New Zealand, Đức, Thái Lan, Myanmar, Malaysia...
Năm 2019, bà Châu từng về Việt Nam tham dự giải chạy địa hình tại Mộc Châu. Đầu tháng 9 vừa qua, bà Châu quay trở lại Hà Nội, sau đó lên Lào Cai dự giải marathon tại Sa Pa (VMM 2022). Dù chân đau không thể chạy theo vợ nhưng ông Michael đã kiên trì ngồi ở vạch đích suốt hơn chục tiếng đồng hồ để chờ đón bà.
Trên Facebook cá nhân, người đàn ông Mỹ chia sẻ trong lúc chờ vợ: "Sa Pa (Việt Nam) - vợ tôi đang chạy ở đâu đó trên những ngọn núi kia và trời sắp tối".
Sau 16 giờ 39 phút 56 giây, bà Châu đã cán đích thành công trước sự ngưỡng mộ của cộng đồng chạy bộ. Hôm bà chạy tại VMM trời mưa to, phải leo lên hàng chục ngọn núi cao, suối nước chảy, ruộng lầy bùn... khiến bà ngã rất nhiều lần.
Thế nhưng cũng như hàng trăm cuộc marathon khác mà bà từng tham dự, bà Châu vượt qua đêm tối, núi cao, vực sâu, đường trơn để về đích khi đã sắp nửa đêm trong vòng tay chồng. Khi về đến đích, hai móng chân cái của bà tím giập, chực bong ra, thế nhưng niềm hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt.
Bà Chau Smith và chồng - ông Michael Smith - Ảnh: VMM - Nguyễn Đạt
Chạy cho đến khi còn có thể
Ngày 25-9, bà Châu sẽ tham dự Berlin Marathon tại Đức - một trong sáu giải marathon danh giá nhất thế giới (World Marathon Majors, bao gồm: Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago, New York City).
Bà cho biết đã hoàn thành 4/6 giải Majors và Berlin, Tokyo là hai giải cuối cùng bà sẽ thực hiện trong năm 2022 và tháng 3-2023. Hoàn thành cả sáu giải Majors, bà Châu sẽ một lần nữa thiết lập kỷ lục chạy bộ mới cho bản thân và truyền cảm hứng đến những người đam mê chạy bộ toàn thế giới.
Ngồi tại phố cổ Hà Nội giữa đêm thu tháng 9 trước khi bay sang Đức, ông Michael nhìn vợ say sưa nói về chạy bộ và mỉm cười hạnh phúc: "Em nói nhiều thế". Ở tuổi 75 và sau gần 30 năm chạy bộ liên tục với hàng trăm giải đấu, đôi chân bà Châu vẫn rất ổn. Bà cho biết không gặp vấn đề gì về sức khỏe và sẽ còn tiếp tục chinh phục thêm nhiều mục tiêu mới. "Là phụ nữ, hãy làm tất cả những việc mình muốn và chưa bao giờ là muộn", bà Châu chia sẻ.
Kết thúc Berlin Marathon, bà Châu sẽ trở lại Mỹ còn ông Michael về TP.HCM. Ông nói mình rất yêu Việt Nam, những món ăn, thời tiết ấm áp ở đất nước tuyệt vời này.
Mùa đông ở Missouri (Mỹ) rất lạnh, vì thế ông thường về TP.HCM để sống tại ngôi nhà mà gia đình vợ còn giữ lại và chờ vợ đi chạy đâu đó. Với bà Châu, hành trình chạy bộ sẽ không bao giờ dừng lại khi đôi chân bà còn có thể tiếp tục.
Dành tiền chạy bộ thay vì chữa bệnh
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Châu nói: "Chúng tôi không đi đến bất cứ miền đất nào trên thế giới chỉ để du lịch mà luôn tham dự một giải chạy nào đó. Nhiều người hỏi tôi sao phải chạy nhiều đến vậy?
Câu trả lời là suốt mấy chục năm qua tôi chưa phải uống viên thuốc nào. Những người ở tuổi tôi dành tiền để đi chữa bệnh, còn tôi dành tiền để đi khắp nơi trên thế giới chạy bộ.
Nhưng năm gần đây chồng tôi chân đã yếu nên không thể chạy cùng tôi, ông vì thế đi theo động viên vợ. Có những khi tôi bay đến một nước nào đó chạy một mình còn Michael lại bay về nhà ở Mỹ hoặc nhà của tôi tại TP.HCM nghỉ vài tháng.
Chồng tôi thường nói rằng đối với phụ nữ Mỹ, khi chồng họ đi nghỉ ở đâu đó thì họ sẽ đi mua xe hơi, shopping, còn tôi khi chồng đi nghỉ thì tôi xách hành lý để đi chạy bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận