Khuôn viên đất của bà Phiến được vây rào, bao bọc - Ảnh: T.AN
Đó là trường hợp của bà Hồ Thị Phiến (65 tuổi, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Chuyên gia pháp luật cho rằng có dấu hiệu của việc lợi dụng hợp đồng giả cách để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thế chấp đất bằng hợp đồng giả cách
Theo hồ sơ, vào năm 2011, vợ chồng bà Phiến có vay 12 tỉ đồng từ ông Bùi Quốc Cường (ngụ huyện Bình Tân). Để bảo đảm khoản vay, vợ chồng bà Phiến thế chấp 7 thửa đất (6 thửa ở huyện Bình Chánh, 1 thửa ở huyện Hóc Môn) cho ông Cường.
Giấy cam kết vay tiền giữa vợ chồng bà Phiến với ông Cường có thỏa thuận hai bên sẽ ra phòng công chứng ký hợp đồng mua bán giả cách đối với 7 thửa đất. Khi nào bà Phiến trả đủ tiền (gốc và lãi) thì hai bên sẽ ra phòng công chứng xóa hợp đồng mua bán.
Thực hiện cam kết, hai bên đã ra phòng công chứng ký hợp đồng (giả cách) mua bán. Bà Phiến cũng đưa 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Cường giữ làm tin và sẽ trả lại sau cho bà Phiến.
Khoảng giữa năm 2017, ông Cường cần vốn làm ăn nên có đề nghị bà Phiến trả nợ. Bà Phiến dẫn vợ chồng người cháu ruột là bà H.T.T.T. và giới thiệu bà T. sẽ lo tiền trả ông Cường 16 tỉ đồng (cả lãi và gốc) để chuộc lại 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến đầu năm 2018, vợ chồng bà T. đến đưa cho ông Cường 16 tỉ đồng và đề nghị ông làm các hợp đồng ủy quyền và chuyển nhượng lại 7 thửa đất của bà Phiến cho 2 người khác là ông V.H.M. và P.X.T.. Nhận đủ tiền, ông Cường thực hiện theo đề nghị trên.
Ngay sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, phần đất của bà Phiến đã bị ông V.H.M. và P.X.T. phân lô bán cho các cá nhân khác.
Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá Đồng Nai lập vào tháng 6-2021 (thẩm định giá theo yêu cầu của tòa án), chỉ riêng 6 thửa đất tại xã Vĩnh Lộc A có tổng diện tích hơn 11.500 m2 có giá gần 40 tỉ đồng. Còn nhà cửa, cây xanh trên đất của bà Phiến có giá gần 5 tỉ đồng.
Về phần mình, ông Cường cũng làm giấy xác nhận gửi đến các cơ quan chức năng, tòa án về việc vợ chồng bà T. và các ông V.H.M., P.X.T. lừa dối để ông Cường chuyển nhượng, ủy quyền lại 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phiến.
"Lúc họ chuộc lại đất tôi đã yêu cầu phải có bà Phiến hoặc điện thoại cho bà để xác nhận. Nhưng họ nói chuyện nội bộ gia đình họ, để tự họ giải quyết. Tôi cũng xuôi theo và thực hiện theo đề nghị của họ. Tôi chỉ lấy lại đúng 16 tỉ đồng, là tiền chuộc đã thỏa thuận chứ đất của bà Phiến giá thị trường lớn gấp nhiều lần số tiền trả tôi...", ông Cường khẳng định.
Có dấu hiệu lừa dối, giả tạo
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bà Phiến đã gửi đơn tố cáo hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và hành vi "xâm phạm chỗ ở" đối với vợ chồng người cháu (bà H.T.T.T.) và ông V.H.M., ông P.X.T. đến các cơ quan chức năng.
Đồng thời bà Phiến cũng khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa án hủy các hợp đồng công chứng chuyển chủ quyền đất từ ông Cường sang cho 2 ông V.H.M., P.X.T. vì giả tạo, lừa đối.
Bên cạnh đó, bà Phiến cũng đề nghị tòa buộc vợ chồng người cháu và 2 ông V.H.M., P.X.T. bồi thường gần 5,5 tỉ đồng tiền vì gây thiệt hại nhà cửa, công trình trên đất, đồ nội thất, cây kiểng giá trị lớn...
"Sau khi chiếm đất, vợ chồng người cháu cũng cho người đến nhà khóa, chở hết tài sản, đồ nội thất trong nhà tôi và tháo dỡ công trình cảnh quan bên ngoài, bứng nhiều cây cảnh, cây kiểng cổ thụ trong vườn có giá trị...
Nhiều năm nay vợ chồng tôi tu tại gia, cư trú căn nhà nhỏ ở bìa rừng tại Đà Lạt, thỉnh thoảng mới về nhà. Nhà đất ở Vĩnh Lộc A tôi nhờ người chú ở, chăm sóc. Vì vậy mà cháu tôi mới tự tung tự tác. Khi được người chú giữ nhà báo về sự việc, tôi tức tốc từ Đà Lạt về lại nhà thì mới tá hỏa...", bà Phiến trần tình.
Hiện, vụ kiện của bà Phiến đang được TAND huyện Bình Chánh giải quyết, sắp hoàn tất thủ tục hòa giải để đưa ra xét xử.
Còn Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM và Công an huyện Bình Chánh thì hướng dẫn bà giải quyết vụ tranh chấp này ở tòa án. Không đồng tình với quan điểm xử lý của cơ quan công an, bà Phiến vẫn tiếp tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Nhận định về vụ việc, công chứng viên Hoàng Mạnh Thắng cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bởi lẽ, bản chất ông Cường nhận thế chấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phiến để bảo đảm cho khoản vay dù được thể hiện bằng các hợp đồng mua bán (giả cách) được công chứng.
Việc vợ chồng người cháu và 2 ông V.H.M., P.X.T. trả 16 tỉ đồng tiền vay theo đúng thỏa thuận trước đó giữa bà Phiến và ông Cường, khiến ông Cường tin rằng họ giúp bà Phiến chuộc lại đất. Giữa ông Cường và nhóm người trên không có quan hệ mua bán.
Vì nếu ông Cường thực sự bán số đất trên thì không thể chỉ có giá 16 tỉ đồng. Nhóm người trên đã lợi dụng việc thế chấp, gian dối vừa với ông Cường vừa gian dối với bà Phiến để chuộc và chiếm đoạt đất của bà Phiến. Hành vi của nhóm người có dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Xử lý công trình xây dựng trên đất tranh chấp
Từ đất của bà Phiến (vẫn là đất nông nghiệp) được phân lô, bán nền, năm 2019 bà Phạm Thị Hồng Thắm xây nhà kiên cố (một trệt, một lầu) trên đất. Tháng 9-2019 UBND xã Vĩnh Lộc A đã ra quyết định xử phạt và cưỡng chế tháo dỡ.
Tuy nhiên, sau đó công trình chỉ được tháo dỡ một phần lầu. Hiện tại, theo ghi nhận căn nhà của bà Thắm vẫn tồn tại, kiên cố và được sử dụng ổn định. Ngoài ra, khuôn viên đất của bà Phiến được vây rào, bao bọc.
Mới đây, bà Phiến đã đề nghị xã Vĩnh Lộc A xem xét thực hiện nghiêm việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp và đang tranh chấp của bà. "Xã đã tiếp nhận phản ánh và sẽ xem xét...", lãnh đạo xã Vĩnh Lộc A cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận