14/04/2022 14:22 GMT+7

Châu Âu ngừng hợp tác với Nga trong các sứ mệnh Mặt trăng và sao Hỏa

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 13-4 thông báo sẽ 'ngừng hợp tác' với Nga trong ba sứ mệnh lên Mặt trăng và sứ mệnh khám phá sao Hỏa ExoMars đã lên kế hoạch trước đó.

Châu Âu ngừng hợp tác với Nga trong các sứ mệnh Mặt trăng và sao Hỏa - Ảnh 1.

Một phần của sứ mệnh Luna-25 - Ảnh: TASS

ESA sẽ "ngừng các hoạt động hợp tác" với Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) trong các sứ mệnh Luna-25, Luna-26, Luna-27 và ExoMars. Theo Đài RT, lý do là vì các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Nga để phản đối chiến dịch quân sự của Matxcơva tại Ukraine. 

ESA cho biết cơ quan này đang tìm cách hợp tác với NASA và các công ty tư nhân để cứu vãn một số nghiên cứu khoa học liên quan đến các sứ mệnh này. 

Theo đó, họ đang đàm phán với "một nhà cung cấp dịch vụ" cho chuyến bay thử nghiệm camera định vị PILOT-D, vốn dự kiến sẽ thử nghiệm với tàu thăm dò Luna-25. ESA cũng đã chuyển hạng mục khoan và phân tích biến động của Mặt trăng, được lên kế hoạch cho Luna-27, hợp tác cùng NASA.

ESA xác nhận việc ngừng hợp tác với Roscosmos cũng có nghĩa là sứ mệnh ExoMars sẽ không diễn ra vào tháng 9 năm nay. Sứ mệnh này nhằm triển khai một chiếc xe tự hành trên bề mặt sao Hỏa và khoan vào bề mặt của hành tinh này để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.

Theo ESA, bệ phóng, mô đun tàu sân bay, mô đun hạ độ cao và chiếc xe tự hành Rosalind Franklin dự định sử dụng trong sứ mệnh ExoMars đều đã vượt qua các bài đánh giá về hoạt động.

Công ty Thales Alenia Space của Ý đang tiến hành "đánh giá nhanh" các lựa chọn thay thế khả thi trước mắt.

Thông báo của ESA đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin xác nhận Nga sẽ phóng tàu thăm dò Mặt trăng Luna-25 vào tháng 8-2022 dù đối mặt với các lệnh trừng phạt và áp lực của phương Tây.

Sau sứ mệnh của Luna-25, Nga có kế hoạch phóng tàu Luna-26 và Luna-27 lần lượt trong năm 2024 và 2025.

Theo Hãng tin TASS, cũng trong ngày 13-4, Cơ quan Năng lượng nguyên tử (NEA) thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết sẽ đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại cơ quan này từ ngày 11-5 tới.

Thông báo của NEA nêu rõ: "Cơ quan có thẩm quyền của OECD đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại NEA vào ngày 11-4. Nga đã được thông báo về quyết định này và lệnh đình chỉ sẽ có hiệu lực từ ngày 11-5 tới".

Nga đã tham gia NEA từ năm 2013.

Trạm vũ trụ sẽ ra sao nếu vắng Nga? Trạm vũ trụ sẽ ra sao nếu vắng Nga?

TTO - Trong suốt nhiều tuần kể từ sau chiến sự Ukraine, Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) được xem như biểu tượng của hợp tác vì khoa học và phi chính trị. Song những tuyên bố như "khoa học không bị ảnh hưởng bởi chính trị" dường như chỉ là lời nói suông.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên