13/07/2015 17:13 GMT+7

​Châu Âu đồng ý giải cứu Hi Lạp lần thứ ba

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 13-7, sau 17 giờ đàm phán căng thẳng, Hi Lạp đã đạt một thỏa thuận cứu trợ từ châu Âu, nhưng cái mà Athens phải trả là rất lớn.

Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đã kiếm được môt thỏa thuận với cái giá cực đắt Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đồng ý chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng cực kỳ hà khắc mà khối đồng euro ép nước này thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (96 tỷ USD).

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thông báo: “Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đã đạt được thỏa thuận. Tất cả đã sẵn sàng để quỹ cứu trợ ESM hỗ trợ tài chính Hi Lạp và nước này thực hiện các biện pháp cải tổ nghiêm túc”.

Thoát nguy cơ Grexit

Đây là gói cứu trợ thứ ba Hi Lạp nhận từ châu Âu kể từ năm 2010. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố: “Nguy cơ Grexit (Hi Lạp rời khối đồng euro) đã tan biến”. Thủ tướng Tsipras mô tả thỏa thuận này có lợi cho Hi Lạp bất chấp việc người dân nước này bỏ phiếu bản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng cùng khổ trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua.

Dù vậy, ông Tsipras tin tưởng đa số người dân Hi Lạp sẽ ủng hộ thỏa thuận với châu Âu. “Chúng tôi đã chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa từ đầu đến cuối” - ông Tsipras nhấn mạnh. Thị trường chứng khoán các nước châu Á tăng mạnh trở lại sau khi có thông tin này.

Theo Reuters, các quan chức châu Âu cho biết ông Tsipras chấp nhận yêu cầu của Đức là Athens bán 50 tỷ euro tài sản quốc gia. Ông Tsipras cũng nhượng bộ việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quản lý chặt chẽ việc thực thi gói cứu trợ 86 tỷ euro, đồng nghĩa với việc chính quyền Athens đánh mất quyền tự chủ.

Ngoài ra Hi Lạp cũng sẽ phải thực hiện các cải tổ đau đớn về luật lao động, lương hưu, thuế, các quy định tư nhân hóa… Athens sẽ phải thông qua các luật cải tổ ngay trong tuần này. Một số thành viên Đảng Syriza cầm quyền tại Hi Lạp đã bày tỏ sự bức xúc với những nhượng bộ mà ông Tsipras buộc phải chấp nhận.

Bộ trưởng Lao động Panos Skourletis mô tả các điều kiện trên là cực kỳ bất công và chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc bầu cử sớm tại Hi Lạp trong năm nay. Trước mắt, ông Tsipras sẽ phải thuyết phục các nghị sĩ Tsipras thông qua gói cải cách cùng khổ này ở Quốc hội trong tuần này.

Đức cứng rắn

Dù các bên đã đạt được một thỏa thuận, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn cảnh báo tình hình của Hi Lạp vẫn cực kỳ khó khăn. “Con đường phía trước sẽ rất dài và rất khó khăn” - bà Merkel đánh giá. Trước hết, quốc hội của nhiều quốc gia khối đồng euro sẽ phải thông qua gói cứu trợ này. Mà người dân nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức, đã nhiều lân phản đối việc cứu trợ thêm Hi Lạp.

Các quan chức châu Âu cho biết bà Merkel là người tỏ ra cứng rắn nhất với Hi Lạp trong cuộc đàm phán. Điều kiện ngặt nghèo nhất mà bà đưa ra chính là việc chính quyền Athens phải đưa khối tài sản quốc gia trị giá 50 tỷ euro vào một quỹ ủy thác để được bán dần.

Phía Đức muốn sử dụng một quỹ ở Luxemboug do Ngân hàng Phát triển quốc gia Đức quản lý để bán khối tài sản này. Một nhà ngoại giao mô tả đây là yêu sách vi phạm chủ quyền của Hi Lạp. Nhưng mà Merkel nhấn mạnh đó là điều kiện không thể thương lượng.

Một số nhà ngoại giao đặt câu hỏi Thủ tướng Tsipras sẽ làm thế nào để Quốc hội thông qua gói cải cách cùng khổ mới chỉ trong vỏn vẹn ba ngày tới. Một số nguồn tin cho biết ông sẽ sa thải các bộ trưởng không ủng hộ ông và buộc các nghị sĩ Syriza chống đối phải từ chức.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên