06/07/2015 10:51 GMT+7

Hi Lạp "đốt cầu nối châu Âu", chứng khoán toàn cầu chao đảo

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Ngày 6-7, thị trường chứng khoán toàn cầu lao đao trước sự kiện người dân Hi Lạp chống đối gói cứu trợ với những điều kiện ngặt nghèo của châu Âu. Khối đồng euro cuống cuồng họp khẩn.

Người dân Hi Lạp ăn mừng kết quả trưng cầu ý dân - Ảnh: Reuters

Theo AFP, giá chứng khoán trên thị trường Mỹ sụt giảm 1,2%, chỉ số Nikkei của Nhật cũng sụt 1,4%, các thị trường Seoul (Hàn Quốc) hạ 0,74%, Sydney (Úc) 1,33%, Hong Kong 3,17%... Duy chỉ có giá cổ phiếu tại thị trường Thượng Hải tăng nhờ Chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp can thiệp.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Hi Lạp, khoảng 61,31% người dân nước này đã bỏ phiếu chống lại yêu sách thắt lưng buộc bụng cùng khổ mà châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ép Athens phải thực hiện để nhận cứu trợ. Chỉ 38,69% cử tri bỏ phiếu thuận.

Dù vậy, các chuyên gia tài chính nhận định chưa có dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính toàn cầu chao đảo, và phần lớn dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ can thiệp để hỗ trợ Hi Lạp. Chính phủ Nhật tuyên bố sẵn sàng phản ứng với các diễn biến thị trường nếu cần thiết.

Cơn ác mộng của các kiến trúc sư  

Các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra hết sức bức xúc trước kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Hi Lạp. Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel tuyên bố Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đã “phá vỡ cây cầu” nối Hi Lạp và châu Âu. Ông nhấn mạnh đàm phán cứu trợ giữa Athens và châu Âu giờ sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker mô tả việc người Hi Lạp nói “không” là “nói không với châu Âu”. Người đứng đầu nhóm bộ trưởng tài chính khối đồng euro Jeroen Dijsselbloem chỉ trích kết quả trưng cầu “là rất đáng tiếc đối với tương lai Hi Lạp”.

Bộ trưởng Tài chính Slovakia Peter Kazimir cho rằng Hi Lạp đang tiến gần đến việc rời khối đồng euro hơn bao giờ hết.

“Cơn ác mộng của các nhà kiến trúc sư châu Âu rằng một đất nước sẽ rời khối đã trở thành kịch bản hoàn toàn hiện thực” - ông Kazimir gửi tin nhắn lên mạng xã hội Twitter. Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite mô tả kết quả trưng cầu ý dân khiến tình hình Hi Lạp càng thêm phức tạp.

Thủ tướng Estonia Taavi Roivas dự báo: “Tương lai người dân Hi Lạp rõ ràng là không khả quan”. Dù vậy, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng châu Âu cần phải tôn trọng ý nguyện của người dân Hi Lạp. Ông Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi EU mở cuộc họp khẩn để thảo luận bước đi kế tiếp.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hi Lạp Tsipras cho rằng kết quả trưng cầu ý dân không đồng nghĩa với việc Athens muốn rời bỏ khối đồng euro, mà là cơ hội để nước này bước vào bàn đàm phán với châu Âu một cách tự tin hơn, hi vọng đạt một thỏa thuận tốt hơn.

Ông Tsipras cho rằng đã đến lúc các chủ nợ ECB, EC và IMF cần tính đến chuyện giảm, xóa phần nào khối nợ khổng lồ 240 tỉ euro (267 tỉ USD) cho Hi Lạp.

Tương lai bất định

Ngày mai 7-7, các nước khối đồng euro sẽ họp khẩn tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về kết quả cuộc trưng cầu ý dân Hi Lạp. Ông Juncker cũng sẽ thảo luận với Chủ tịch ECB Mario Draghi và ông Dijsselbloem, bên cạnh tham khảo ý kiến của nguyên thủ 18 quốc gia khối đồng euro.

Kết quả trưng cầu ý dân cho thấy quan điểm của chính phủ và người dân Hi Lạp là rất rõ ràng. Đó là nước này không thể tiếp tục các chính sách thắt lưng buộc bụng cùng khổ đã khiến nền kinh tế lún sâu vào suy thoái trong suốt năm năm qua. Châu Âu cần phải đưa ra một đề nghị rộng rãi hơn cho Hi Lạp để nước này có cơ hội quay trở lại với tăng trưởng, qua đó có khả năng trả nợ.

Theo báo New York Times, một số chuyên gia tài chính nhận định vấn đề là các nhà lãnh đạo châu Âu có muốn quyết ép Hi Lạp để “giết gà dọa khỉ” hay không. Bởi ngoài Hi Lạp, các nước khác trong khối đồng euro như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý cũng đang chật vật với khủng hoảng nợ.

Nếu châu Âu nương tay với Hi Lạp, rất có thể các nước đang gặp khó khăn khác cũng vùng lên đòi chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo. Chỉ cần cử tri các nước này “quậy” giống như Hi Lạp là có thể họ sẽ giành được một thỏa thuận rộng rãi hơn từ châu Âu. Đó là nguy cơ các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và châu Âu tối kỵ.

Ngược lại, rất nhiều chuyên gia cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu cần tin tưởng vào mục tiêu duy trì sự thống nhất của châu Âu, đề nghị một thỏa thuận giúp Hi Lạp xóa một phần nợ, kích thích tăng trưởng kinh tế. Rất nhiều nhà kinh tế nổi tiếng nhận định đó là giải pháp tốt nhất mà châu Âu cần phải thực hiện.

Trước mắt ECB sẽ phải quyết định có tiếp tục duy trì gói cứu trợ khẩn cấp ELA cho Hi Lạp hay không. Gói hỗ trợ này có giá trị vào khoảng 90 tỉ euro.  Trước đó ECB không chịu tăng gói cứu trợ ELA khiến hệ thống tài chính Hi Lạp gặp nhất nhiều khó khăn.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên