20/02/2011 07:16 GMT+7

Châu Á rùng rùng sắm vũ khí

TRẦN PHƯƠNG tổng hợp
TRẦN PHƯƠNG tổng hợp

TT - Với việc Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng như đang tăng cường tiềm lực quân sự, các quốc gia khác trong khu vực đã nhận thấy điều đó và đang bước vào cuộc đua nâng cấp kho vũ khí của mình.

FNiTfVB4.jpgPhóng to

Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Malaysia - Ảnh: AFP

Tại bến tàu Mazagon gần điểm cực nam của Mumbai, phía sau những bức tường bêtông cao, hàng trăm công nhân Ấn Độ thực hiện những thao tác cuối cùng trên thân hai tàu ngầm chiến đấu dòng Scorpène dài 66m - những chiếc đầu tiên trong đội tàu sáu chiếc đóng trong vài năm tới. Gần đó là những tàu khu trục do thám và tàu khu trục mang tên lửa đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Lý do chính khiến Ấn Độ tăng cường kho vũ khí là Trung Quốc. “Có thể hiểu Ấn Độ thật sự lo lắng về sự gia tăng sức mạnh chiến lược của Trung Quốc, bao gồm sức mạnh kinh tế và quân sự. Nhưng Ấn Độ vẫn âm thầm thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ hiệu quả toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia” - Ashwani Kumar, thành viên quốc hội thuộc Đảng Quốc đại, nhận xét.

Không thiếu những nước nhỏ

Tổ chức uy tín Kokoda của Úc, chuyên về quốc phòng, tuần trước đã cảnh báo Canberra không nên xem thường sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương.

Và Washington mới đây cũng tuyên bố “các lợi ích và ưu tiên chiến lược” của Mỹ ngày càng gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh tại khu vực.

Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), không chỉ có Ấn Độ, từ vùng biển Ả Rập đến Thái Bình Dương, các quốc gia đang bước vào cuộc đua vũ khí mới trước lo ngại về sự lớn mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, và rằng sẽ ít có khả năng Mỹ can thiệp vào khu vực này.

WSJ nhận định cuộc đua quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ở một quy mô và tốc độ chưa từng thấy kể từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh, trong bối cảnh cân bằng quân sự thế giới đang dịch chuyển cùng lúc với cân bằng kinh tế.

Tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản đã thay đổi đường lối quân sự, bao gồm đề ra kế hoạch mua thêm 5 tàu ngầm, 3 tàu khu trục, 12 máy bay chiến đấu, 10 máy bay tuần tra và 39 trực thăng. Kế hoạch dự chi đến 284 tỉ USD trong năm năm tới.

Hàn Quốc đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá 550 tỉ USD từ năm 2006, và dự kiến chi thêm cho vũ khí sau những căng thẳng liên Triều thời gian qua.

Ở Đông Nam Á, trong khi Malaysia tăng cường nhập vũ khí thì Singapore hiện là một trong 10 nước mua vũ khí nhiều nhất thế giới, chuẩn bị đón thêm hai chiếc tàu ngầm. Còn Úc dự kiến chi đến 279 tỉ USD trong 20 năm tới cho đợt nâng cấp quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Làn sóng đổ xô mua tàu ngầm trên toàn khu vực cũng cho thấy cuộc đua đang có sự tham gia của cả những nước nhỏ. Bởi tàu ngầm có giá thấp hơn nhiều so với tàu sân bay và các tàu lớn khác nhưng cũng là vũ khí hiệu quả nhất cho việc tuần tra trên biển và đối phó các loại tàu ngầm khác.

Nhiều nước lên kế hoạch sở hữu thêm 6 - 15 tàu ngầm trong vài thập kỷ tới. Tổ chức Nghiên cứu quốc tế AMI dự đoán các nước châu Á sẽ mua đến 111 tàu ngầm trong vòng 20 năm nữa.

Sức nóng của cuộc đua cũng gây lo ngại có thể dễ dẫn đến xung đột trong những tranh chấp lãnh thổ, đe dọa sự bình ổn của khu vực sở hữu vùng biển trọng yếu trong tuyến vận chuyển hàng hóa và dầu mỏ của thế giới.

Điểm nhấn Trung Quốc, Ấn Độ

Một trong những gã khổng lồ đáng chú ý của châu Á đang tham gia cuộc đua chính là Ấn Độ. Ngân sách quốc phòng của nước này cho tài khóa kết thúc ngày 31-3-2011 vào khoảng 32 tỉ USD, tăng 151% so với thập niên trước, dự kiến tăng 8,3% mỗi năm trong thời gian tới.

Khoản trang bị tàu ngầm được Ấn Độ thực hiện khá mạnh tay với đội tàu Scorpène, có thể lặn trong một tuần, trị giá 4,6 tỉ USD đang được hoàn thiện. Ngoài ra, năm 2009 New Delhi cũng mua tám máy bay trinh sát hàng hải và chống tàu ngầm của Boeing với giá 2,1 tỉ USD và chuẩn bị nhập thêm bốn chiếc nữa.

Ngoài tranh chấp biên giới với Bắc Kinh tại dãy Himalaya, Ấn Độ cũng đang lo ngại về sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên vùng biển Ấn Độ Dương. Cụ thể, Bắc Kinh đang đầu tư và xây dựng nhiều cảng tại Pakistan, Sri Lanka hay Bangladesh, tạo nên “chuỗi ngọc trai” một phần nhằm đảm bảo tuyến vận chuyển năng lượng từ Trung Đông và châu Phi.

Điều đó làm New Delhi cảm thấy bị đe dọa và tạo đối trọng bằng việc tăng cường hoạt động quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar phía đông nam, thuộc vịnh Bengal.

Tuy nhiên Trung Quốc, nước có GDP gấp ba lần Ấn Độ, mới đáng gờm trong việc nâng cấp quân sự. Tổng chi phí quốc phòng của Bắc Kinh năm 2010 vào khoảng 78 tỉ USD, gấp nhiều lần so với 17 tỉ USD đầu thập niên trước.

Tuy nhiên nguồn tin phương Tây và Mỹ ước đoán con số thực có thể nhiều gấp đôi. Phương Tây cũng cho biết chi phí sắm sửa vũ khí của Trung Quốc thập niên trước xấp xỉ 150 tỉ USD.

Trên thực tế, dù Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp uy thế quân sự toàn cầu của Mỹ và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Washington tháng trước cũng khẳng định Bắc Kinh “không cổ vũ chạy đua vũ trang và quân đội nước này không phải là mối đe dọa cho bất cứ nước nào”, thì những hành động gần đây của Bắc Kinh khiến nhiều nước sợ sẽ sớm có sự thay đổi.

Đó là sự xuất hiện của chiến đấu cơ tàng hình J-20, đối trọng với chiếc F-22 đình đám của Mỹ, và việc Bắc Kinh chuẩn bị trình làng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên trong năm nay hoặc năm tới. Hay mới đây, ngày 18-2, tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin nước này đang nghiên cứu một kỹ thuật sản xuất tên lửa mới có tầm hoạt động 4.000km và sẽ xuất xưởng trong năm năm tới.

TRẦN PHƯƠNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên