"Tạo ra các đoạn văn bản ngay lập tức"
Ngày 21-3, Google - công ty con của Tập đoàn Alphabet - đã ra mắt công cụ trò chuyện (chatbot) Bard tại Anh và Mỹ, trong nỗ lực cạnh tranh với các đối thủ như Microsoft về công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Theo CNBC News, Google chính thức cho phép mọi người ở Anh và Mỹ đăng ký dùng chatbot của mình tại bard.google.com. Công ty sẽ mở rộng đối tượng đăng ký ở nhiều quốc gia và bằng nhiều ngôn ngữ hơn trong thời gian tới.
Trong bài đăng có tiêu đề "Hãy thử Bard và chia sẻ phản hồi của bạn", Sissie Hsiao - phó chủ tịch sản phẩm của Google và Eli Collins - phó chủ tịch nghiên cứu - viết: "Bạn có thể sử dụng Bard để tăng năng suất, thúc đẩy ý tưởng và khơi dậy sự tò mò.
Bạn có thể yêu cầu Bard cung cấp các mẹo để bạn đạt mục tiêu đọc nhiều sách hơn trong năm nay, giải thích vật lý lượng tử bằng các thuật ngữ đơn giản hoặc khơi dậy khả năng sáng tạo của bạn bằng cách phác thảo một bài đăng trên blog".
Giám đốc phát triển Bard, ông Jack Krawczyk, cho biết chương trình có thể tạo ra các đoạn văn bản ngay lập tức, khác với cách ChatGPT gõ câu trả lời từng từ một. Nó cũng bao gồm tính năng hiển thị 3 phiên bản cho mỗi câu trả lời, và có nút tìm kiếm bằng Google nếu người dùng muốn tìm kiếm câu trả lời trên các trang web.
Google đảm bảo 'không vượt tầm kiểm soát'
Dù vậy, Google cũng lưu ý Bard không phải lúc nào cũng có câu trả lời chính xác: "Bard có thể hiển thị thông tin không chính xác hoặc xúc phạm. Những thông tin này không đại diện cho quan điểm của Google".
Họ cũng đang thiết lập một số biện pháp bảo vệ để đảm bảo rằng các cuộc trò chuyện giữa người dùng và AI không vượt khỏi tầm kiểm soát, bằng cách giới hạn số lượng trao đổi trong một cuộc đối thoại "để cố gắng duy trì các tương tác hữu ích và đúng chủ đề".
Tuy nhiên họ sẽ không giới hạn số lượng cuộc trò chuyện hằng ngày, một phát ngôn viên Google cho biết.
Trước đó, ngày 7-2, Google giới thiệu Bard ngay sau khi OpenAI tạo nên cơn sốt toàn cầu với chatbot ChatGPT (được Microsoft hỗ trợ khoảng 10 tỉ USD). Tuy nhiên họ nhận "quả đắng" khi chatbot mắc sai lầm "ngớ ngẩn".
Theo đó, khi được hỏi nên nói thế nào với một đứa trẻ 9 tuổi về những khám phá của kính viễn vọng không gian James Webb, Bard trả lời: "Đây là kính viễn vọng đầu tiên ghi lại hình ảnh một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời của Trái đất". Nhiều người theo dõi ngay lập tức phản hồi rằng câu trả lời sai, do kính viễn vọng cực lớn của châu Âu mới là công cụ làm được điều này đầu tiên.
"Lỗ hổng kiến thức" của Bard đã khiến công ty mẹ của Google mất 100 tỉ USD giá trị thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận