30/06/2023 07:10 GMT+7

Chất xơ tưởng mềm không nhai kỹ vẫn gây tắc ruột

Nhiều người thập tử nhất sinh vì tắc ruột do thức ăn. Nguyên nhân chính của các u bã thức ăn này chính là do người bệnh không biết cách ăn uống. Vậy làm cách gì để tránh?

Khối bã thức ăn trên phim chụp của bệnh nhân ở Phú Thọ - Ảnh: BVCC

Khối bã thức ăn trên phim chụp của bệnh nhân ở Phú Thọ - Ảnh: BVCC

20% cấp cứu bụng vì tắc ruột do bã thức ăn

Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vừa phẫu thuật lấy khối bã thức ăn chèn cứng ruột non cho người phụ nữ 40 tuổi. Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau quặn, bụng chướng, buồn nôn. Qua thăm khám và kết quả chụp CT ổ bụng xác định chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn và món mít là nguyên nhân.

Trong tháng 6, khoa nội soi tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn, trong đó có 2 ca điển hình.

Bệnh nhân nam, 91 tuổi, vào viện vì nuốt nghẹn khó, đau rát vùng ngực một ngày sau khi ăn măng. Bệnh nhân được chẩn đoán dị vật thức ăn thực quản. 

Kết quả nội soi cắt nhỏ và lấy hoàn toàn khối bã thức ăn lớn (kích thước 8cm có cả tăm cứng) ra khỏi thực quản. May mắn vì bệnh nhân được phát hiện sớm nên khối dị vật chưa gây tổn thương loét hay thủng thực quản.

Đặc biệt là bệnh nhân H.T. (63 tuổi, Hòa Bình), bị đầy bụng kém ăn, gầy sút cân (6kg/3 tháng); không có biểu hiện đau bụng, không buồn nôn, không nôn, không sốt, đại tiện bình thường, không có u cục. Kết quả nội soi thấy có dị vật dạng thức ăn hình khối, đóng khuôn gần giống chữ nhật, nằm trong tá tràng, màu đen nâu.

Qua nội soi, khối được cắt và gắp ra ngoài thành hai mảnh to và ít mảnh nhỏ. Miếng dị vật có kích thước 3x6cm. Khi đưa ra ngoài, dị vật được xác định là một miếng măng tính chất khá mềm nhưng dai và tước xơ, phía trong đã chuyển màu nâu sẫm. Bệnh nhân cho biết đã ăn măng từ Tết.

Hằng năm khoa nội soi tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gặp 80-100 ca dị vật ống tiêu hóa các loại. Vào mùa hồng, có lúc trong nửa tháng, Bệnh viện E phẫu thuật cho ba bệnh nhân tắc ruột vì ăn quả hồng ngâm...

Thống kê cho thấy tắc ruột do đọng bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp, chiếm gần 20% các cấp cứu bụng. Đây là một bệnh nguy hiểm, nếu tắc ruột không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng như thủng ruột, giãn ruột, ruột hoại tử, viêm phúc mạc và xuất huyết...

Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết tắc ruột do bã thức ăn nếu không được phát hiện và để lâu quá 24 tiếng đồng hồ, nạn nhân có thể bị vỡ ruột, hoại tử mô ruột, vùng nhiễm trùng lan rộng ra các bộ phận khác, gây ra sốc nhiễm trùng, nhiễm độc diễn tiến nguy hiểm tính mạng.

Khối bã thức ăn được lấy ra của bệnh nhân Phú Thọ - Ảnh: BVCC

Khối bã thức ăn được lấy ra của bệnh nhân Phú Thọ - Ảnh: BVCC

Món ăn nào dễ gây tắc?

TS.BS Đặng Quốc Ái, khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện E, cho biết u bã thức ăn là một khối thức ăn không tiêu, tùy theo thành phần của nó, người ta chia thành nhiều loại như: khối bã thức ăn thực vật (phytobezoars), khối bã thức ăn động vật (lactobezoars), khối lông tóc (trichobezoars) hoặc khối hỗn hợp nhiều loại.

Loại thường gặp nhất là khối bã thức ăn thực vật, được hình thành ở dạ dày gây loét dạ dày và di chuyển xuống ruột non khi dạ dày không còn toàn vẹn sau nhiều phẫu thuật khác nhau như cắt dạ dày, cắt dây X, nối vị tràng…

Tắc ruột do u bã thức ăn rất thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Cơ chế hình thành u bã thức ăn liên quan đến vai trò của chất xơ và các yếu tố cơ hội. Thời điểm ăn, loại thực phẩm và thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ chất xơ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.

U bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng xiêm, hồng ngâm, sung, ổi và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, cam, bưởi, quýt, mít, ngô...

Đặc biệt, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều pectin và nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc.

Thông thường bã thức ăn hình thành ở dạ dày. Trong quá trình di chuyển xuống phía dưới, nó có thể gây tắc ở vị trí nào đó của ống tiêu hóa. Những dấu hiệu sớm của việc bã thức ăn lưu lại dạ dày khiến người bệnh khó chịu, đau thượng vị, buồn nôn, nôn, đầy bụng, chán ăn, sút cân, hơi thở hôi.

Bệnh nếu không được xử lý phẫu thuật kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nặng như vỡ - thủng, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, xuất huyết, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân... 

Bác sĩ cũng chia sẻ sử dụng nhiều chất xơ để tránh táo bón, tốt cho sức khỏe nhưng cần lưu ý chất xơ thực phẩm không phải là một dưỡng chất. Nó chỉ cần thiết cho sự tiêu hóa, là chất điều hòa nhu động ruột phòng chống táo bón, nhưng sự lên men chất xơ của các vi khuẩn có thể phát sinh một số rối loạn. 

Để tránh tắc ruột, táo bón giúp hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu, thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, không ăn chất xơ già. Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng, thức ăn không quá nhiều rau quả có tanin và hàm lượng chất xơ cao, nhất là những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột...

Uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt...

Nguy cơ tắc ruột ở trẻ em do cùi dừa trong trứng vịt lộnNguy cơ tắc ruột ở trẻ em do cùi dừa trong trứng vịt lộn

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị tắc ruột bởi nguyên nhân tương đối ít gặp là ăn cùi dừa trong trứng vịt lộn, rau quả nhiều chất xơ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên