17/11/2015 09:32 GMT+7

Chất vấn gì đáp nấy, mong hỏi giùm chuyện dầu sôi lửa bỏng

MAI HƯƠNG - MAI HOA ghi
MAI HƯƠNG - MAI HOA ghi

TTO - Cử tri cho rằng các đại biểu chưa quyết liệt chất vấn lại những điều các bộ trưởng đã hứa và mong những cuộc tranh luận thật sự tại nghị trường để bật ra vấn đề.

* Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Đại biểu hãy hỏi giùm dân những vấn đề “nước sôi lửa bỏng”

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu 

Tôi đánh giá với cách tổ chức các phiên chất vấn như lần này, Quốc hội đã mở màn cho sự thay đổi rất đáng hoan nghênh: chất vấn lại những gì đã chất vấn và xem xét lại việc thực hiện lời hứa.

Chất vấn kiểu cũ thì cứ xoay tua, ai kỳ này trả lời rồi thì kỳ sau nghỉ xả hơi.

Còn cách làm này khiến cho các thành viên Chính phủ, tất cả các bộ trưởng đều phải tham dự phiên chất vấn và sẵn sàng trong tâm thế trả lời bất cứ điều gì đại biểu hỏi. Chủ đề chất vấn và trả lời chất vấn không còn ranh giới.

Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo, các đại biểu chất vấn rất có lý nhưng bộ trưởng trả lời còn lúng túng, không đi vào trọng tâm khiến Chủ tịch Quốc hội phải nhắc nhiều lần. Cái này rất không hay.

Riêng chuyện bỏ môn lịch sử để đem tích hợp vào môn khác, khi bộ trưởng trả lời, tôi thấy qua màn hình nhiều đại biểu cười. 

Dân ta phải biết sử ta - thế nhưng đã có những thí sinh đi thi môn sử được 0 điểm. Điều này tôi tin đại biểu nhớ, người dân nhớ, không lẽ bộ trưởng lại quên? Vấn đề này, theo tôi, nên tiếp tục tranh luận tới cùng cho ra lẽ.

Theo dõi phiên chất vấn, tôi lấy làm tiếc vì các đại biểu chưa quyết liệt nhắc lại, chất vấn lại những điều các bộ trưởng đã hứa. Chẳng hạn như những kỳ họp trước, cử tri còn nhớ Bộ trưởng Bộ y tế đã rất tâm huyết với vấn đề giảm tải bệnh viện, đã đề ra giải pháp và hứa hẹn rất nhiều.

Tại sao đại biểu không chất vấn xem chuyện này làm tới đâu? Có còn cảnh bệnh nhân lóp ngóp chui từ gầm giường ra đón bộ trưởng nữa hay không?

Họp lần nào cũng thấy đại biểu chất vấn về nạn tham nhũng, nhân dân thì đau xót trước cái gọi là “quốc nạn”, Chính phủ thì lần nào cũng có giải trình, giải pháp, quyết tâm nhưng thực tế tham nhũng ngày càng tinh vi, trơ trẽn hơn. Sao chưa thấy đại biểu chất vấn lại lời hứa đó của Chính phủ?

Trong khi Quốc hội thì hô hào tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng thì đâu đó ở các tỉnh thành vẫn thấy tổ chức kỷ niệm bao nhiêu năm ngày giải phóng tỉnh nhà.

Nói thật, chẳng lẽ cả đất nước Việt Nam đã giải phóng rồi mà các tỉnh chưa được giải phóng hay sao mà từng nơi cứ lần lượt kỷ niệm ngày giải phóng? Tổ chức rình rang, mời quan chức các nơi về dự, xe công đi rần rần. Thực tế đó có phải đang thách thức Quốc hội?

Quốc hội kêu nợ công đang tăng lên thì ngay trong kỳ họp Quốc hội, đọc báo vẫn thấy nơi này nơi khác đề xuất xây trụ sở hoành tráng. Như vậy vai trò của đại biểu Quốc hội ở địa phương ấy ở chỗ nào khi chỉ thấy nói chuyện đâu đâu chứ không thấy được nghịch lý ở địa phương mình?

Hàng loạt vấn đề đang thách thức chủ trương của Đảng, pháp luật của Quốc hội mà chưa thấy quan chức hay người có trách nhiệm nào bị “hỏi thăm sức khỏe”. Những chuyện này sao chưa thấy đại biểu lên tiếng?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu

Tôi tha thiết mong các đại biểu hãy hỏi giùm dân những vấn đề “nước sôi lửa bỏng” đang đe dọa cuộc sống và yêu cầu Chính phủ phải ra tay hành động ngay. Chẳng hạn như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm: Hãy hỏi thái độ của Chính phủ đối với những đàn heo ăn chất cấm? Biện pháp nào để có được thực phẩm an toàn?

Chúng ta xót xa trước tai nạn giao thông và thắp nến cho những nạn nhân xấu số. Vậy sao ta không xót thương cho người dân khi phải chịu cảnh ăn cũng chết mà không ăn cũng chết? Có người nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa bây giờ đã gần lắm rồi. Vì cuộc sống của dân, Quốc hội hãy yêu cầu Chính phủ trả lời giùm bức xúc này.

Chất vấn hiệu quả là chất vấn phải ra được lối thoát, bật ra giải pháp. Chất vấn theo kiểu “không cho chúng nó thoát” để rồi đi vào ngõ cụt thì không  nên.

* Cử tri Nguyễn Tố (quận 1):

Bộ trưởng trả lời còn lòng vòng quá

Ông Nguyễn Tố - Ảnh: Quang Định

Với cách tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn lần này, tôi thấy nhiều vấn đề cùng được khơi ra tại diễn đàn Quốc hội chứ không giới hạn theo chủ đề như những lần trước.

Cách làm này cũng có cái hay là đại biểu có thể chọn ra vấn đề gì nóng bỏng nhất đang nổi lên trong cuộc sống để chất vấn tìm lời giải đáp.

Đánh giá về phiên chất vấn đầu tiên, tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ giáo dục - đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn trả lời chưa tốt, còn lòng vòng quá, chưa đi vào cụ thể.

Chuyện bỏ môn lịch sử, đại biểu và cử tri đều không đồng tình nhưng cách trả lời của bộ trưởng lại chưa thuyết phục. 

* Ông Nguyễn Văn Nam (41 tuổi, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM):

Hỏi trúng nhưng trả lời chưa thuyết phục

Tôi thấy các đại biểu Quốc hội chất vấn khá trúng những vấn đề mà người dân đang quan tâm, như chuyện quản lý thuốc bảo vệ thực vật, về rừng bị chiếm đất làm thủy điện... Cách đặt vấn đề cũng rất hay khi có đại biểu đã nói đúng tâm trạng người dân: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày ra nghĩa địa lại ngắn và dễ dàng như thế”.

Nhưng về phía các bộ trưởng, người đứng đầu ngành công thương chưa trả lời thuyết phục về số dự án trồng bù rừng, đã xử lý bao nhiêu đơn vị chây ì không trồng rừng thay thế…

Rồi mỗi bộ báo cáo mỗi kiểu về diện tích rừng bị tàn phá làm thủy điện. Số liệu có lệch vài chục hoặc vài trăm hecta còn chấp nhận được, đằng này số liệu chênh lệch nhau đến 3.000ha là điều rất khó chấp nhận. Nếu không phải là phiên chất vấn toàn bộ các bộ trưởng thì có khi số chênh lệch này còn chưa bị “tòi” ra đâu.

* Ông Trần Văn Thanh (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM):

Giá như báo cáo ít hơn

Theo dõi qua truyền hình tôi thấy điều bất hợp lý là tại sao ra đến hội trường rồi mà còn dành nhiều thời gian đọc báo cáo vậy? Lẽ ra các bộ ngành phải gửi báo cáo cho đại biểu nghiên cứu trước, còn thời gian ở Quốc hội nên để dành cho việc chất vấn nhiều hơn.

Hôm trước, tôi nghe phó chủ tịch Quốc hội có nói là Quốc hội làm hết việc chứ không hết giờ. Nhưng trong các phiên chất vấn thì dường như điều đó không đúng, bởi luôn nói là “thời gian không cho phép”.

Chất vấn là hoạt động được người dân quan tâm nhất trong mỗi kỳ họp. Giá như ít đọc báo cáo đi, dành nhiều thời gian chất vấn thì hay hơn.

Thật ra, tôi chờ đợi những cuộc tranh luận nảy lửa tại nghị trường hơn là những cuộc hỏi - trả lời rồi thôi. Tại sao đại biểu không truy hỏi tiếp khi các bộ trưởng nói rằng báo cáo diện tích phá rừng chênh nhau tới 3.000ha nhưng không có tiêu cực?

MAI HƯƠNG - MAI HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên