Các đối tượng chặt phá rừng thường hoạt động vào ban đêm, sử dụng công cụ cơ giới; lấn chiếm đất rừng bằng hình thức ken cây cho chết hoặc chặt từng đám nhỏ sau đó trồng xen cây lương thực, cây ăn quả trên đất lấn chiếm…
Đây là nhận định của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) về tình trạng chặt phá rừng trong năm 2014.
Rừng bị phá trái phép vẫn diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đặc biệt các dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hoặc cải tạo rừng.
Đại diện Cục Kiểm Lâm cho biết, đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người dân tại chỗ, dân di cư tự do, thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn.
Ngoài ra, có một số đối tượng bao chiếm, buôn bán đất nên thuê đồng bào phá rừng, tuy nhiên kẻ thuê đồng bào phá rừng khó nhận diện và cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng.
Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được đầu nậu thuê người phá rừng trái pháp luật.
Năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 2.000 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 5% so với năm 2013 với tổng diện tích hơn 700ha (giảm 11%).
Sang năm 2015, ngành kiểm lâm sẽ tăng cường lực lượng tổ chức chốt trạm ở cửa rừng và thường trực tại khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao và điểm nóng về phá rừng để kiểm soát người vào rừng; tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không cho những đối tượng không có phận sự vào rừng trong thời kỳ cao điểm của mùa khô.
Cùng với đó, kiên quyết tham mưu thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng dự án được phê duyệt, đặc biệt là mục tiêu thu hút người dân tại chỗ tham gia vào các hoạt động của dự án để tăng thu nhập, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo để trục lợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận