Võ Thanh Hòa được xem là đạo diễn trẻ tài năng của điện ảnh Việt khi sở hữu những tác phẩm "trăm tỉ"
Dân số Việt Nam hiện nay khoảng 100 triệu người. Nếu chúng ta có 50 triệu đăng ký thuê bao thì OTT Việt Nam phát triển là khả thi. Nhưng làm sao đạt 50 triệu thuê bao ấy lại là chặng đường dài và khó khăn.
Với OTT, nội dung là vua, quan trọng nhất và dù làm sản phẩm gì đi nữa cũng phải tạo sự khác biệt. Điều này buộc những nhà kinh doanh OTT liên kết, đặt hàng những nhà làm phim Việt Nam tạo những sản phẩm ngày càng chất lượng hơn và mang yếu tố độc quyền trên kênh của họ.
Họ phải chấp nhận đầu tư đích đáng để cho ra sản phẩm đặc biệt trên kênh của mình, từ đó phát triển lượng thuê bao lớn hơn và trung thành hơn. Ngoài ra không chỉ vài sản phẩm độc quyền mà OTT Việt rất cần chiến lược dài hơi, liên tiếp để tạo những sản phẩm mới.
Chúng ta đang tiến vào thời kỳ cần mạo hiểm để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Đã đến lúc chúng ta không chạy theo những số liệu ảo trên mạng xã hội như YouTube, Facebook.
Có thể chúng ta sẽ thu được lợi nhuận cao trong một thời điểm nào đó, nhưng hướng đi mang lại giá trị bền vững cho nhà làm phim vẫn là phim chiếu rạp, những bộ phim OTT độc quyền, chứ không phải những bộ phim trên YouTube tạo trend nhưng đôi khi giá trị thật không có.
YouTube lâu nay cũng chỉ có 3 đề tài có thể thu hút đó là giang hồ, học đường, hài. Bộ phận người xem trên YouTube thích xem cái đó và người làm nghề có đầu tư chất lượng tới đâu đi nữa cũng chưa bắt đúng thị hiếu người xem.
Lực lượng đông đảo và đóng góp cho OTT sắp tới là những người sản xuất phim truyền hình. Nhưng bản chất lực lượng phim truyền hình có hạn chế riêng bởi có "vùng an toàn" về kinh phí, thường mỗi đạo diễn mời những diễn viên quen của họ và xào tới xào lui nhiêu đó tạo nên sự nhàm chán.
Và một vấn đề nữa đó là họ quen tiết kiệm, những điều này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nếu muốn có lực lượng sản xuất phim OTT, đạo diễn phim truyền hình cần có sự thay đổi để phù hợp với sản phẩm phát trên OTT. Trong ba năm tới, nguồn đạo diễn phim truyền hình vẫn rất cần cho OTT phát triển.
Tương tự, các đạo diễn phim điện ảnh có nhiều cơ hội tham gia sân chơi OTT, nhưng họ cũng có thể gặp nhiều bất cập về phong cách, lương bổng... Và điều quan trọng, theo tôi, các nhà làm dịch vụ OTT phải mạo hiểm hơn, đầu tư nhiều tạo sản phẩm tỏa sáng, thu hút người xem.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt"
Loạt bài về OTT nội địa trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng OTT xuyên biên giới đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Làm sao để các nền tảng giải trí trực tuyến của Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực phim ảnh, có thể phát triển bền vững hơn, thu hút thêm khán giả là câu hỏi cần rất nhiều sự đóng góp ý kiến từ cả giới chuyên môn lẫn người xem. Vì thế Tuổi Trẻ tiếp tục mở ra diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt".
Tham gia diễn đàn, ngoài những hiến kế, góp ý, bạn đọc có thể chia sẻ thêm những vấn đề còn băn khoăn, cần giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các sản phẩm giải trí, phim ảnh chiếu trên các nền tảng OTT...
Bài diễn đàn bạn đọc gửi về email: vhvn@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận