Một số địa phương nhìn thấy mối nguy hại, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu du lịch của mình nên đã quyết liệt ngăn chặn, giải quyết triệt để nhưng không duy trì được lâu, sau một thời gian thì “đâu lại vào đấy”.
Tổng cục Du lịch, ngành du lịch địa phương đã phối hợp tổ chức rất nhiều hội thảo tìm nguyên nhân, bàn giải pháp để giải quyết vấn nạn này nhưng dường như các liều thuốc vẫn chưa có hiệu quả.
Lực lượng “chặt chém” du khách phần lớn là người địa phương, chẳng lẽ người dân biết mà chính quyền sở tại không biết để xử lý. Hơn nữa nếu không làm thường xuyên, đồng loạt thì cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, siết chỗ này lại chạy chỗ khác. Có một thời gian ở Hội An, chính quyền địa phương làm rất tốt chuyện này, kiểm soát không hề có đeo bám, “chặt chém” làm du khách đến đây rất an tâm, vui vẻ. Nhưng sau một thời gian lơi lỏng, tình trạng “chặt chém”, chèo kéo quay lại.
TP.HCM có mô hình lực lượng bảo vệ du khách nhưng họ không có sự hỗ trợ về mặt pháp lý, cũng không có công cụ hỗ trợ để giải quyết, trấn áp các trường hợp gây rối, hỗ trợ... Khi nhìn thấy cảnh đám đông bán hàng rong bu lấy du khách chèo kéo, thậm chí hù dọa, các anh bảo vệ du khách đứng ngay bên cạnh mà không thể làm được gì. Trong khi Thái Lan có lực lượng cảnh sát du lịch chuyên ghi nhận tình hình, triển khai các hoạt động tức thì để bảo vệ khách du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn, trợ giúp du khách... Do họ là bộ phận của ngành cảnh sát nên có quyền, có công cụ hỗ trợ để trấn áp, xử lý sai phạm.
Bộ chỉ huy của cảnh sát du lịch trực thuộc lực lượng cảnh sát hoàng gia Thái Lan, được chia thành từng nhóm: chống lừa đảo, chống cướp giật, chèn ép khách, xử lý vi phạm... triển khai ngay lập tức khi có sự cố xảy ra. Người đứng đầu lực lượng cảnh sát du lịch mới đây được bổ nhiệm phó tư lệnh cảnh sát hoàng gia. Có cơ chế rõ ràng để nếu vi phạm, cảnh sát du lịch Thái Lan sẽ bắt phạt rất nặng, thậm chí bắt giam, đưa ra tòa án xét xử những trường hợp người ăn xin, chèo kéo du khách... Họ cũng được phạt nặng cả những hướng dẫn viên không đeo thẻ.
Theo tôi, VN phải có cảnh sát du lịch mới có thể giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và “chặt chém” du khách. Lực lượng này có thể hình thành từ cảnh sát hình sự của từng địa phương, số lượng tùy vào quy mô dân số, lượng khách đến, tình hình phức tạp của du lịch địa phương. Ngoài lương ngành cảnh sát, họ có thể nhận thêm thu nhập từ các công ty du lịch (đóng góp trên cơ sở doanh số, lượng khách...) theo dạng quỹ phát triển du lịch.
Tôi nghĩ đã đến hồi phải kết thúc chuyện đeo bám, chèo kéo, lừa đảo du khách. Vấn đề này phải được giải quyết dứt điểm trên phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo quốc gia về du lịch, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch... phải có trách nhiệm giải quyết từ cơ chế đến thực trạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận