27/05/2015 10:46 GMT+7

Chàng trai Mơ Nâm đặc biệt

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - A Đruế là một công dân Mơ Nâm đặc biệt: mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống cô đơn như cây chuối giữa rừng.

A Đruế trên đường đi công tác - Ảnh: T.B.D.
A Đruế trên đường đi công tác - Ảnh: T.B.D.

Rồi một ngày nọ, cán bộ huyện vào làng vận động bà con di chuyển ra nơi ở mới, A Đruế đứng lên... cãi.

Chàng thanh niên này đã gây ấn tượng đặc biệt với bí thư huyện ủy. Thế rồi A Đruế được cử đại diện cho làng ra tỉnh đi học, về làm cán bộ.

A Đruế ra tỉnh học làm cán bộ

A Đruế ngồi trước mặt chúng tôi, nhỏ người và gầy thắt như cây chuối non. Đôi mắt Mơ Nâm của anh cán bộ xã mới 23 tuổi này sáng long lanh.

A Đruế không còn buồn khi nhắc đến bố mẹ nữa, vì cũng có nhiều người hỏi anh về chuyện đó rồi và ai cũng thương A Đruế lắm, đặc biệt là người Mơ Nâm.

“Bố mẹ mình chết lâu rồi, mẹ chết khi mình lên 6 tuổi, người Mơ Nâm nghèo lắm, làm gì có tiền chụp ảnh nên mình chỉ biết mặt mẹ qua lời kể của người làng rồi tự tưởng tượng ra. Rồi lúc mình 16 tuổi, cha cũng về với ông bà tổ tiên” - A Đruế kể.

A Đruế ở với người anh rể và chị gái, rồi lớn lên như cây giữa rừng, chứng kiến nhiều đổi thay, những biến cố của người Mơ Nâm. Rồi tình cờ được lãnh đạo cử ra huyện đi học, rồi về làm cán bộ xã, nghe đâu đang được “quy hoạch” vì A Đruế nhanh nhẹn và am hiểu về người Mơ Nâm, thương người Mơ Nâm như thương người anh rể của mình.

“Hồi đó chính quyền vận động làng Kon Ke 1 của mình rời khỏi chân núi nhưng đồng bào mình không chịu. Bản thân mình cũng không chịu” - A Đruế kể. Rồi lãnh đạo huyện đến tận làng tập hợp bà con hỏi chuyện. Vì sao bà con lại không muốn đi? Mấy chục cái đầu im lặng.

A Đruế lúc đó mới 18 tuổi giơ tay phát biểu: “Bà (lãnh đạo huyện) có thuyết phục một lần chứ đến mười lần làng mình cũng không đi đâu!”.

Vị lãnh đạo huyện bất ngờ với khuôn mặt rắn rỏi, với câu trả lời rõ ràng của một chàng trai. Rồi sau đó cán bộ hỏi: Cậu tên gì? Học đến lớp mấy? A Đruế nói mình vừa học hết lớp 12.

Ngày hôm sau có cán bộ xuống bất ngờ hỏi A Đruế: “Lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ cho tôi xuống thông báo cậu được chọn đi học lớp trung cấp nghiệp vụ thanh vận, học rồi về làm cán bộ cho xã. Cậu có đi không?”.

A Đruế quá bất ngờ rồi bảo: “Để mình suy nghĩ cái đã chứ giờ cuống quá không trả lời được đâu”. Một tuần sau, đích thân A Đruế đi bộ qua núi đến tận nơi gặp vị cán bộ đó để nói về quyết định của mình: sẽ đi học!

A Đruế nói rằng kinh nghiệm thuyết phục người làng cho thấy chỉ cần có người làm thành công thì tự khắc người sau sẽ làm theo. Sau chuồng trâu của A Vông, nhiều gia đình khác trong làng Kon Ke 1, Kon Ke 2 cũng đến nói A Đruế bày cách làm chuồng trâu, rồi mua rượu về mời A Đruế qua uống, học hỏi. Những ngày sau đó, mỗi lần có nhà nào làm chuồng trâu là thanh niên lại tập trung đông đủ. Người cõng đá lót nền, người nện đất, người cùng nhau ra suối gánh cát. Cứ như thế chuồng trâu, chuồng bò mọc lên ngày một nhiều ở Kon Ke 1 và các làng lân cận.

A Đruế kể “dài dòng” về cuộc đời của mình như thế, bắt chúng tôi phải ngồi nghe để giải thích lý do anh cố gắng cho một “công trình” lớn: làm chuồng trâu bò cho bà con.

“Mình rất khổ, khổ hơn những người con trai khác ở đây nên mình hiểu cần phải thay đổi. Mà đồng bào mình thì khó nói lắm, nhiều khi phát bực vì cái tính ấy” - A Đruế nói.

“Công trình” đầu tiên

A Đruế nói với chúng tôi người Mơ Nâm đến nay vẫn duy trì cách chăn nuôi cũ là trâu bò thả cho trời. Ban đêm trâu bò được đưa về nhốt trong những chuồng truyền thống dọc các quả đồi.

Những chuồng trâu, chuồng bò này chỉ là hàng rào làm bằng cây gỗ rào thành hình chữ nhật, nền đất lầy lội và không có mái che, không có tường che chắn.

Bởi vậy chuyện con trâu con bò ốm như là một nỗi ám ảnh đối với người làng. Người Mơ Nâm nói rằng con trâu con bò ốm cũng giống như con người, là do nó không đủ sức khỏe để sống nên Yàng bắt phải chết.

Lớn lên ở làng, điều A Đruế bức xúc nhất và thấy khó thay đổi nhất vẫn là tập quán nuôi trâu bò của người Mơ Nâm.

“Con trâu con bò là tài sản quý giá, mỗi con đổi được cả mấy tạ thóc nên người làng phải chăm sóc cẩn thận. Muốn cho nó sạch bệnh phải làm cái chuồng giống như người Kinh, che chắn lại cho trâu bò ấm cúng, nó cũng đau yếu, cũng cần chữa bệnh như con người” - A Đruế bảo dân làng.

Ấp ủ bao lâu về câu chuyện đưa mô hình chuồng trâu bò áp dụng vào làng để người dân làm theo, anh tới làng đặt vấn đề. Người làng xôn xao. Lâu nay trâu bò thả giữa rừng, là con vật thì tự ốm rồi tự khỏi. Nó chết là do linh hồn không lớn để sống cùng linh hồn con người thôi!

A Đruế vẫn quả quyết: “Mình có đi học mình biết, bà con phải nghỉ làm rẫy, đi tìm thân cây to rồi ra phố mua tấm lợp về làm cái chuồng thôi. Phải làm cái chuồng che chắn cho con trâu con bò chứ không thì còn chết nữa”.

A Đruế kể lại người Mơ Nâm rất chân thành, thật thà nhưng điểm khó nhất là... nói không nghe. Phải giải thích “thế này này, thế này này”, khi nào thấy mấy cái đầu lắc lắc, bàn tán xì xầm rồi vỗ tay thì khi đó mới chịu cái bụng để nghe theo cán bộ.

Để thuyết phục dân làng đồng ý làm chuồng trâu bò, cán bộ xã Đắk Long phải mất mấy tuần liên tục, đêm nào cũng đến làng nói chuyện với bà con. Ngôi làng đầu tiên A Đruế thuyết phục được để dân làng “chịu nghe cán bộ” mà làm chuồng cho trâu bò chính là ngôi làng Kon Ke 1 của mình.

Thuyết phục dân làng

Ngôi làng Kon Ke 1 của người Mơ Nâm đẹp như một bức tranh. A Đruế nhanh nhẹn chạy xe máy dẫn chúng tôi vòng qua các ngôi làng, rồi đứng trên sườn núi nhìn xuống, rồi lại đi ngược lên tận khu rừng thông. “Đó, anh thấy không? Cái này là chuồng trâu bò đấy. Đơn giản thế này nhưng cả một công trình lớn của tập thể, một sự thay đổi lớn mà phải là cán bộ ở Đắk Long này mới hiểu hết giá trị thế nào” - A Đruế, đứng trước chuồng trâu chỉ cỡ 20m2 được đóng bằng gỗ thông, mái lợp tôn và nền lót bằng ximăng, say mê giới thiệu về “công trình” ấy có phần góp sức của mình.

Chàng cán bộ Mơ Nâm cho biết sau nhiều cuộc họp làng, bàn xuôi tai, một hộ dân tên A Vông đồng ý nghe theo cán bộ làm chuồng trâu đầu tiên nhốt trâu. Chưa bao giờ biết đến chuồng trâu là gì, A Đruế phải ngồi bệt xuống đất, lấy cành cây vẽ lên đất bột “bản thiết kế”. Nghe hay quá, A Vông gật đầu như ưng cái bụng lắm.

Một sáng đầu năm 2012, A Vông gọi rất đông thanh niên, rồi cả người nhà A Vông tập trung lại tổ chức lễ cúng. Rồi cả nhóm đi thẳng đến khu rừng thông nơi đàn trâu của A Vông hay về nghỉ ngơi hằng đêm để bắt đầu dựng chuồng trâu đầu tiên.

A Đruế không “chỉ đạo” mà xắn quần vén áo cùng bà con đào đất, chặt cây. Còn A Vông kêu con trai chạy ra huyện mua tấm lợp. Làng Kon Ke 1 ngày ấy thật lạ, như có hội, nhiều người tò mò xem chuồng trâu bò “lợi hại” thế nào mà cán bộ cứ vận động bà con làm miết.

Hai ngày sau khi cắt tiết gà làm lễ khởi công, chuồng trâu bò nhà A Vông - khu ở cho gia súc - đầu tiên của người Mơ Nâm ở Kon Ke 1 được “khánh thành”.

Tối đó, A Vông loay hoay mãi trên rừng, tới tối mịt mới lùa được đàn trâu vào hết trong chuồng mới. Sáng mai ra thăm chuồng thấy dưới chân trâu không bị dính bùn đất, phân, nước giải, A Vông kêu A Đruế rồi bảo: “Cái chuồng trâu tài thật, cái nền cứng nên con trâu ngủ yên, người không bị lấm”. A Đruế cười vui trong bụng.

_________________

Kỳ tới: Chuyện tình giữa đại ngàn

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên