Sơn và chiếc xe máy điện thuần Việt - Ảnh: XUÂN AN
Học lập trình từ lớp 6, đến năm lớp 12, Cảnh Sơn giành huy chương bạc trong kỳ thi Olympic tin học quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Ai Cập. Thành tích ấy là xuất phát điểm đưa Sơn đến Trường đại học Illinois (Mỹ). Rồi bạn về Việt Nam.
“Tôi tự đặt câu hỏi rằng Facebook chạy nhanh hơn để làm gì khi đến nhu cầu hít thở của người thân, bạn bè và quê hương mà mình còn chưa được đáp ứng.
NGUYỄN BÁ CẢNH SƠN
Bước ngoặt mới
Sơn nhớ lại quyết định của mình: "Ngày nhỏ, tôi thường đạp xe đi dạo quanh Đà Nẵng. Đà Nẵng trong ký ức tôi bình yên và trong lành. Những năm ở nước ngoài, mỗi lần về quê tôi nhận thấy sự thay đổi chóng mặt của quê nhà. Kéo theo sự phát triển là đường ngày một đông, kẹt xe, khói bụi ngày một nhiều.
Công việc ở Mỹ của tôi là làm các trang web chạy nhanh hơn bỗng không còn ý nghĩa với cuộc sống hiện tại. Tôi tự đặt câu hỏi rằng Facebook chạy nhanh hơn để làm gì khi đến nhu cầu hít thở của người thân, bạn bè và quê hương mà mình còn chưa được đáp ứng".
Cách đây hai năm, Sơn nảy ra ý tưởng nghiên cứu một dòng xe máy điện bảo vệ môi trường. Anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng nghiệp, bạn bè và các chuyên gia Mỹ về kỹ thuật. Sau khi Sơn trình bản vẽ chiếc xe máy điện đầu tiên, bạn bè, người thân khuyên anh nên quay lại làm kỹ sư phần mềm bởi chiếc xe khá xấu và rườm rà. Giữa cái giá lạnh ở San Francisco, chàng trai ấy vẫn miệt mài nghiên cứu để tạo nên đứa con tinh thần.
Sơn "cắp nách" một bản vẽ mẫu thử từ Mỹ về Đà Nẵng, lao vào hoàn chỉnh chiếc xe đầu tiên của mình với kiểu dáng thể thao, gọn nhẹ.
Cảm hứng xe đạp, công nghệ xe hơi
Sơn tâm sự yếu tố quan trọng nhất anh muốn đạt được là chiếc xe điện phải thay thế được xe máy xăng, loại bỏ quan điểm của đa phần người Việt dùng xe máy điện thay thế xe đạp. "Cảm hứng từ xe đạp nhưng công nghệ là công nghệ xe hơi" - Sơn cho biết.
Đến đầu năm 2019, Sơn cùng cộng sự lập Công ty Dat Bike và cho ra đời mẫu xe thương mại đầu tiên với tên gọi Weaver, đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Xe sử dụng nguồn năng lượng từ pin Lithium-ion có tuổi thọ 10 năm; sạc ba tiếng đi được quãng đường hơn 100km. "Công suất ngang bằng chiếc xe máy nhưng chỉ tốn 5.000 đồng tiền điện cho quãng đường 100km" - Sơn nêu.
Hiện sau hơn 20 lần hoàn thiện công năng và thiết kế, chiếc xe điện đạt tốc độ hơn 80km/h. Công ty của Sơn nhận được hơn 100 đơn đặt hàng. Nhiều du khách đến Đà Nẵng đã trải nghiệm Weaver và phản hồi tốt về khả năng leo đồi dốc ở bán đảo Sơn Trà và đèo Hải Vân.
Tháng 9 vừa qua, Sơn đã giải quyết được vấn đề về vốn để phát triển thương hiệu khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam và được Shark Phạm Thanh Hưng đầu tư 60.000 USD cho 2% cổ phần.
Từ xưởng sản xuất bên lưng chợ Hàn (Đà Nẵng), nay Sơn có 50 công nhân cùng đội ngũ kỹ thuật và thiết kế, với một xưởng sản xuất mới đặt ở Bình Dương có công suất đạt hơn 1.000 xe mỗi tháng.
Sơn bảo thị trường xe điện hai bánh trên thế giới dự tính đến năm 2025 tăng trưởng gần 10% mỗi năm. Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về đi xe hai bánh, sản xuất xe điện hai bánh sẽ có cơ hội rộng mở hơn.
Sơn nói chắc nịch rằng đi xe điện thay cho xe xăng đang là xu thế, cùng nhiều người làm xe điện, anh đang đi cùng cuộc cách mạng thế giới nên bản thân tràn đầy tự tin.
Đi vào thị trường ngách
Ông Phạm Đức Nam Trung, giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, là đơn vị hỗ trợ Sơn trong thời gian hoàn thiện chiếc xe máy điện ở quê nhà, nhìn nhận tuy bắt đầu là kỹ sư nhưng Sơn bắt kịp những kỹ năng kinh doanh khá nhanh. Sản phẩm hiện tại chứng minh được cho thị trường tiêu dùng rằng công năng của xe điện không hề kém xe máy xăng.
"Weaver là chiếc xe máy điện không nhắm tới thị trường đại chúng mà đi vào thị trường ngách. Bên cạnh đó, Sơn đang tận dụng tốt hoạt động marketing giáo dục thị trường về sử dụng xe điện thay xe máy xăng, hợp xu thế sống xanh hiện nay" - ông Trung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận