03/11/2019 11:04 GMT+7

Chàng luật sư 4 năm không nghỉ cuối tuần để đi dọn rác nhựa bãi biển

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - 4 năm ròng, luật sư Afroz Shah dành ngày nghỉ cuối tuần để đi dọn rác nhựa. Anh đã truyền cảm hứng cho hơn 200.000 tình nguyện viên cùng dọn sạch hơn 27.000 tấn rác nhựa ở các bãi biển, sông hồ Ấn Độ.

Chàng luật sư 4 năm không nghỉ cuối tuần để đi dọn rác nhựa bãi biển - Ảnh 1.

Luật sư Afroz Shah và các em nhỏ trong một chương trình chia sẻ nhận thức về rác thải nhựa - Ảnh: Twitter Afroz Shah

"Tình trạng ô nhiễm này là do chúng ta tạo ra. Nếu đại dương lớn này đang có vấn đề, chúng ta phải thay đổi điều đó"

Anh Afroz Shah

Đã 4 năm rồi anh Afroz Shah, một luật sư ở Mumbai (Ấn Độ), không có ngày nghỉ cuối tuần. Không phải vì anh bận bịu lo hồ sơ bào chữa cho thân chủ hay chuẩn bị cho một phiên tòa mà là bận rộn với việc cứu các đại dương khỏi rác nhựa.

Đó là việc anh muốn làm từ năm 2015 sau khi chuyển tới sống ở một cộng đồng dân cư thuộc thành phố Mumbai có tên là Bãi biển Versova. Từng là một đứa trẻ lớn lên ở đó nên anh Afroz Shah cảm thấy rất buồn khi chứng kiến rất nhiều thay đổi ở quê nhà.

Bọn trẻ không còn nhìn thấy cát biển nữa vì cả một lớp rác dày hơn 1,52m, chủ yếu là rác nhựa, bao phủ lên nó. "Cả bãi biển giống như một tấm thảm nhựa - anh nói - Nó khiến tôi kinh sợ".

Những thảm rác xấu xí, khó coi mà anh Shah phải bước đi trên đó mỗi ngày thực sự chỉ là một phần của cuộc khủng hoảng môi trường. Hơn 8 triệu tấn rác nhựa bị cuốn ra các đại dương trên thế giới mỗi năm, tương đương với việc cứ mỗi phút lại có một chiếc xe tải trút rác xuống biển.

Giới khoa học môi trường đã dự tính tới năm 2050, trong đại dương, rác nhựa sẽ nhiều hơn cá. Kéo theo đó sẽ là những thảm họa nghiêm trọng của môi trường, hệ sinh thái trái đất. Hơn 1 triệu con chim biển, khoảng 100.000 động vật có vú trên biển và không kể xiết số cá sẽ chết vì rác nhựa mỗi năm.

"Các loài vật ở biển không có lựa chọn nào cả - anh Shah nói - Chúng ta đang tấn công các môi trường sống của chúng, thức ăn của chúng. Nhựa trong đại dương là một sát thủ".

Kể từ tháng 10-2015, anh Shah bắt đầu nhặt rác trên bãi biển gần nhà vào mỗi sáng chủ nhật. Đầu tiên chỉ có anh và một người hàng xóm, sau đó anh bắt đầu rủ những người khác tham gia cùng.

Tiếng lành đồn xa, cộng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, ngày càng có đông hơn các tình nguyện viên đến xin được nhặt rác cùng anh.

Làm sạch rác trên bãi biển theo anh Shah không chỉ giúp làm sạch cho bãi biển, mà còn làm sạch cho các đại dương. "Các bãi biển giống như những tấm lưới. Chúng giữ lại rác nhựa. Do đó, khi bãi biển sạch, đại dương cũng sạch theo. Đó là mục đích kép", anh giải thích.

"Các tình nguyện viên tới đây nhặt rác cũng được huấn luyện về cách xử trí với rác nhựa. Bất cứ ai đã nhìn thấy đống rác nhựa ở đây đều không muốn mua đồ nhựa sau này nữa. Họ sẽ nói: "Không, chúng tôi không muốn cái này! Chúng tôi đã phải dọn dẹp quá nhiều rồi!". Đó thực sự là cách tạo ra nhận thức", anh Shah chia sẻ với Đài CNN (Mỹ).

Kể từ sau đó anh Shah không muốn dừng lại công việc này nữa. Cho tới giờ, anh đã dành 209 ngày cuối tuần cho công việc này. Anh cũng đã truyền cảm hứng cho hơn 200.000 tình nguyện viên cùng tham gia với anh trong chiến dịch làm sạch bãi biển được cho là lớn nhất thế giới.

Rốt cuộc, cho tới tháng 10-2018, bãi biển Versova đã sạch rác. Các chiến dịch làm sạch bãi biển của anh Shah được mở rộng ra những bãi biển khác, thậm chí còn tới cả một dải ven sông Mithi cùng nhiều khu vực khác ở Ấn Độ.

Nhờ huy động sức mạnh tập thể, phong trào do anh Shah phát động đã dọn được hơn 27.000 tấn rác, hầu hết là rác nhựa tại các bãi biển và sông hồ ở Mumbai.

Với anh Shah, công việc dọn rác vẫn luôn là một hành trình tự nguyện của cá nhân anh. Nhưng sức lan tỏa của nó đã thu hút sự quan tâm của thế giới.

Sau khi anh được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là Người bảo vệ trái đất năm 2016, nhiều ngôi sao Bollywood cũng như các chính trị gia Ấn Độ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sứ mệnh dọn rác của anh, họ cũng trực tiếp tham gia vào những chiến dịch đó.

Hiện tại, anh Shah đang hợp tác với các cộng đồng dân cư ven biển để giải quyết vấn đề rác thải nhựa ngay tại một trong những nguồn phát sinh của nó. Tại những khu vực thiếu các hệ thống quản lý rác hợp lý, rác thường sẽ "tìm đường" ra kênh rạch, sông ngòi và sau đó tất cả đều cuốn ra biển.

Là một luật sư, dĩ nhiên anh Shah thừa hiểu việc dọn rác chỉ là một phần, song nó chưa phải là giải pháp cho vấn đề. Anh nói: "Chúng ta đang chết chìm trong rác nhựa. Những chai nhựa, màng bọc, đồ đóng gói, bảo quản thức ăn là những thứ đang tràn ra đại dương mỗi ngày. Bạn phải giảm bớt rác nhựa và thay đổi cách đóng gói như hiện nay".

Anh Shah và các tình nguyện viên đã tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, hỗ trợ người dân các làng giảm bớt rác thải, quản lý và tái chế rác nhựa hiệu quả hơn. Cứ hai lần một tuần, anh lại tới các trường phổ thông và đại học để chia sẻ thông điệp về dọn rác nhựa tới các bạn trẻ.

"Tôi cảm thấy sự thôi thúc được đến với những người trẻ này và hướng dẫn họ hiểu về ô nhiễm rác nhựa. Tôi kỳ vọng sẽ có các nhà lãnh đạo trưởng thành từ đó. Tôi nói với các em rằng: Các em tồn tại cùng với các loài khác, các thói quen sống của các em không nên gây tổn hại cho các loài khác", anh Shah nói.

Trong suốt nhiều năm, việc gom nhặt rác của anh Shah chỉ là nỗ lực tự phát và từ lòng nhiệt tình của cá nhân anh, huy động tinh thần tình nguyện của mọi người thông qua mạng xã hội. Chỉ mãi tới gần đây anh mới bắt đầu thành lập Quỹ Afroz Shah để có điều kiện nhân rộng hơn sứ mệnh làm sạch bãi biển của mình ra khắp Ấn Độ cũng như toàn thế giới.

Dân làng Philippines đổi 2kg rác nhựa lấy 1kg gạo Dân làng Philippines đổi 2kg rác nhựa lấy 1kg gạo

TTO - Một ngôi làng ở Philippines đang nỗ lực giải quyết vấn đề rác thải nhựa bằng cách khuyến khích người dân đem rác nhựa tới đổi lấy gạo.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên