20/01/2016 08:03 GMT+7

Chàng kiến trúc sư và phim ngắn ở Berlin

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)

TT - Tin vui đầu năm, trong 
số 25 phim từ 21 nước được Liên hoan phim quốc tế Berlin chọn dự tranh giải có Another city của Phạm Ngọc Lân.

Cảnh trong Another city, đây cũng là hình ảnh duy nhất được trang web chính thức của Liên hoan phim Berlin chọn làm hình minh họa cho thông tin về hạng mục phim ngắn - Ảnh: ĐPCC
Cảnh trong Another city, đây cũng là hình ảnh duy nhất được trang web chính thức của Liên hoan phim Berlin chọn làm hình minh họa cho thông tin về hạng mục phim ngắn - Ảnh: ĐPCC

Another city - một phim 25 phút - sẽ cùng 24 phim khác tranh giải Gấu vàng, Gấu bạc cho hạng mục phim ngắn ở một trong những liên hoan phim lâu đời và lớn nhất thế giới là Berlin.

Một lần nữa, sau phim dài Cha và con và... của Phan Đăng Di được chọn dự thi chính thức năm ngoái thì năm nay có phim ngắn cũng đến từ VN. Rõ ràng đây là tín hiệu đáng phấn khởi cho điện ảnh Việt ngay từ những ngày đầu năm 2016.

* Tại sao lại là Another city? Ý tưởng này đến với Lân khi nào và từ ý tưởng đến khi thành phim, Another city đã có một hành trình ra sao?

- Tôi học về quy hoạch ở trường kiến trúc, đồng thời với việc làm phim tôi có làm cả ảnh tĩnh và video. Các công cụ để thể hiện thì khác nhau, nhưng mối quan tâm lớn thì vẫn được duy trì ổn định.

Another city là gì ư? Nó là những thứ rất con người, xoay quanh việc cựa mình của một thành phố đang dần phình to. Cuối năm 2014, tôi túc tắc phát triển dự án này cùng với hai dự án khác. Đầu năm 2015, dự án được Short Film Station của Berlinale Talents chọn, thấy được cơ hội cho dự án này bắt đầu chín, tôi gác hai dự án kia lại.

Another city đã có nhiều người giỏi tham gia trong các khâu, tôi cũng có được Thùy Anh (diễn viên trong phim Đập cánh giữa không trung) và những hai NSND là cô Minh Châu và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (tham gia một vai phụ).

* Cách nào để một phim ngắn có được chi phí đầu tư, sự giúp đỡ của bạn bè khi mà cơ hội nổi tiếng hay có doanh thu từ phim ngắn là... zero?

- Tôi nghĩ chi phí của phim ngắn không nên đặt nặng quá để tự nó biến thành áp lực cho người làm phim. Quan trọng là mình muốn làm dự án của mình đến đâu thôi, vì tuy nó không phải là số tiền nhỏ nhưng cũng không phải là số tiền mà trước đây hay về sau mình không thể tự kiếm ra được.

Với tôi, quan trọng là con người, nên tôi tập trung 80% sức lực để đi thuyết phục những người giỏi nhất chứ không phải là bằng mọi giá để đi tìm tiền. Mà muốn thuyết phục được thì chắc là dự án của mình phải đủ tốt với họ hoặc là kích thích được điều gì đó bên trong họ.

Tôi nghĩ có lẽ đây là phim đầu tiên có được sự giúp đỡ từ ba trung tâm hỗ trợ làm phim cho người trẻ là Gặp gỡ mùa thu, Hanoi Doclab và Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ TPD. Tôi đã tiêu hết 8.000 USD tiền mặt, còn máy móc, địa điểm, phục trang thì đoàn phim đi xin ở nhiều nơi khác nhau...

Xét cho cùng, dự án cũng như là bức ảnh chụp kỷ niệm đời tuổi trẻ của mình và bạn bè mình, thế nên nếu mình phải tốn kém hoặc khổ sở một chút để có một bức hình như ý thì vẫn là điều đáng phải làm.

Và tôi nghĩ phim ngắn cũng không đến nỗi vô vọng doanh thu vì có nhiều công ty phát hành quốc tế nhận phát hành phim ngắn, và cũng có một số lợi ích gián tiếp khác từ cộng đồng đối với một phim ngắn tốt...

* Và Liên hoan phim quốc tế Berlin chọn có phải là một bất ngờ? Từ bất ngờ này, đi tiếp con đường có khó không nếu Lân theo đuổi sự nghiệp như một người làm phim chuyên nghiệp?

- Phim xong trễ nên gửi đến Berlinale chậm so với hạn là 10 ngày, nhưng chỉ sau 6 ngày họ đã viết thư trả lời là phim được chọn. Cũng có thể là họ cực kỳ thích phim, hoặc cũng có thể họ chỉ đơn giản muốn ra dấu hi vọng với những người trẻ khác, là phim nằm trong Short Film Station của Berlinale Talents năm ngoái, năm nay quay lại liên hoan rồi đây!

Được Berlinale chọn “là một bất ngờ” nhưng nó chỉ đúng một nửa bởi vì trước khi làm tiền kỳ tôi cũng có tìm hiểu về gu của các liên hoan khác nhau và cố gắng tìm đường ra tốt nhất cho phim rồi.

Tôi rất không muốn mọi người và mình làm phim mất nhiều năng lượng mà sau khi làm thì nó lại bị rơi vào quên lãng. Tất cả với tôi còn rất mới lạ, có lẽ sẽ nhiều khó khăn, nhưng chắc cũng có nhiều kích thích và hiện tại tôi đang hào hứng để đón nhận cả hai điều này.

Phim đừng là cái bẫy tâm lý

Ảnh: ĐPCC
Ảnh: ĐPCC

 

Một bà góa người sũng nước, cởi bỏ bộ tóc giả màu nâu ngà rồi ngồi rầu rĩ nhìn vượt ra phía ngoài những cửa kính lớn. Một thanh niên trẻ đột nhiên bật khóc giữa căn phòng màu mè và lấp lóa đèn màu. Một thiếu nữ bần thần chùi bỏ vết nôn trên cái váy cưới mà mình đang mặc. Tất cả được xâu chuỗi lại bằng những thanh điệu châu Á quen thuộc.

Đó là hình dung của tôi về Another city. Với tôi, một phim tốt không nên tạo ra những cái bẫy về tâm lý, tình tiết hay diễn xuất để kéo người xem vào gần nhất có thể, mà đưa cho người xem sự chủ động về khoảng cách đối với phim.

Như thế thì người xem sẽ có thể tiến - lùi dễ dàng, có đủ sáng suốt để nhìn rộng ra hơn, và phim sẽ đạt được độ khái quát cao chứ không bị vướng mắc vào những tầm thường nhỏ nhặt...

Đạo diễn PHẠM NGỌC LÂN

CÁT KHUÊ (catkhue@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên