Hơn hết, triển lãm ấy có rất nhiều tình yêu.
Đó là tình yêu thương cuộc đời hồn hậu mà Nam Long mang tới cho mọi người trong những bức tranh của em.
Là lòng biết ơn cảm động mà mẹ Long dành cho thành phố đã cưu mang mẹ con chị và vô vàn sự giúp đỡ để cho con trai chị từ một cậu bé đầy khiếm khuyết có được ngày hôm nay. Và rất nhiều tình yêu và lòng mến mộ của người yêu tranh Long.
Tại buổi khai mạc vào tối 2-3, Long hồn nhiên, vui vẻ chụp ảnh cùng mọi người, ký tặng vựng tập. Bao nhiêu lời trầm trồ dành cho em, nhưng em không nghe được. Em dường như cũng không bận tâm...
Kỹ thuật "vẽ kiến trúc thượng thừa"
Họa sĩ lão thành Đỗ Đức khi xem tranh của Long phải thốt lên kinh ngạc về kỹ thuật vẽ ký họa kiến trúc của em.
Dù nhận thấy dấu ấn cảm xúc còn mờ nhạt so với dấu ấn kỹ thuật nhưng họa sĩ Đỗ Đức đánh giá kỹ năng ghi chép của Long chinh phục bất cứ ai.
Khả năng quan sát và thể hiện của em như một kiến trúc sư, khiến người học vẽ theo được cũng khó. Và hơn hết, tài năng này của Long không đơn thuần chỉ là kỹ thuật mà chính là khởi đầu của sáng tạo.
Mỗi người tìm thấy ở tranh của Long một cảm nhận riêng. Nhiều người bị chinh phục bởi kỹ thuật "vẽ kiến trúc thượng thừa" như đánh giá của họa sĩ Lê Thế Anh, có người cảm động vì những vẻ đẹp thân thuộc được Long bắt lấy đưa vào tranh...
Còn có một điều này ở tranh của Long khiến bao người yêu thích: mọi thứ đều được nâng niu trong tranh của Long.
Long tôn vinh tất cả. Những viên đá nhỏ bé trên đường tàu trong thành phố, mấy cánh hoa rơi trong ngõ vắng xôn xao, mấy quả dứa trên chiếc rổ của người bán hàng, vài khoanh giò trong tủ kính của bà bán hàng ngõ nhỏ...
Mọi thứ như phản chiếu cái hiền hòa trong nội tâm của chàng trai 18 tuổi nhưng thơ trẻ. Long tận tâm với những điều bé nhỏ - điều mà "người thường" với quá nhiều mối bận tâm, quá "loạn trí" không đủ kiên nhẫn.
Hiền hòa, thuần khiết có lẽ là thứ mà giữa cuộc đời bề bộn hôm nay ai cũng mong tìm về. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà tranh của Long lại được nhiều người yêu thích như vậy. Hoàn toàn không phải chỉ do lòng thương cảm nghị lực của tác giả.
Long thích vẽ và vẽ rất giỏi các kiến trúc cổ trong thành phố, tỉa tót chi tiết kiến trúc điêu luyện. Và đặc biệt là cây.
Cây cối, hoa lá có mặt trong mọi bức tranh của Long, dù là một cái cây trơ trụi lá trước căn nhà phố hay những cây cổ thụ tỏa bóng duyên dáng cho các biệt thự cổ, những cây bụi, hoa lá nhỏ bé giăng cài các ban công "lồng chim", "chuồng cọp" các khu tập thể cũ...
Cây cối luôn ở "tâm trạng" hoan ca trong tranh của Long. Cây như chiếc nơ xinh cài trên mái tường rêu phong.
Khi mình yêu cuộc đời...
Bố mẹ Long là dân lao động "ngoại tỉnh". Giống như bao gia đình trẻ tìm mưu sinh nơi thành phố, Long sống cùng bố mẹ ở Hà Nội, lang thang qua các khu trọ dành cho "dân lao động".
Một tuổi, Long mất thính lực hoàn toàn sau một trận ốm nặng. Vài năm sau, bố mẹ em lại nhận thêm tin sốc khi Long được chẩn đoán tăng động thể nặng. Long còn gặp khó khăn vận động, phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật chân.
Nhưng thử thách chưa dừng lại với gia đình Long. Khi Long 11 tuổi, bố Long đột ngột qua đời vì tai nạn. Mẹ Long như con chim sẻ gãy cánh gặp mưa, cố dang đôi cánh héo rũ che cho đàn con thơ.
Thời điểm "trời sập" ấy, ai cũng khuyên chị Phùng Hiếu - mẹ Long - đưa các con về quê sẽ dễ sống hơn. Nhưng nhìn vào cậu con trai không khỏe mạnh cần điều kiện nuôi dạy và chăm sóc tốt ở thành phố, người mẹ bé nhỏ ấy quyết tâm bám trụ thị thành.
Không nhà cửa phải đi thuê, chị tằn tiện nuôi hai con bằng đồng lương của người giúp việc. Đó là công việc duy nhất giúp chị có điều kiện chăm sóc con trai.
18 năm, không biết bao nhiêu khổ sở vất vả mà chị Phùng Hiếu đã vì các con mà trải. Người mẹ quê đi học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con trai mình.
Biết con ham vẽ, chị tìm thầy cho con học, mà phải tìm được thầy chịu dạy cho một học sinh khiếm thính. Những năm tháng đầu tiên khi đưa con đi học vẽ, chị học luôn cùng con để làm người "phiên dịch".
Tình thương con và nghị lực phi thường của người mẹ quê nghèo lay động bao người, nên cuộc sống khốn khó của mấy mẹ con được nâng đỡ rất nhiều.
Giọng chị nghèn nghẹn kể về người phụ nữ đã trả tiền học phí cho Long suốt mấy năm tiểu học; hay một họa sĩ trẻ đã bỏ công dạy Long mấy năm đầu mà không lấy một đồng học phí nào, dù anh không nhận dạy cho bất cứ ai, chỉ dạy cho duy nhất Long vì mến tài của em và vì nể trọng tấm lòng người mẹ. Rồi khi chị quyết tâm làm triển lãm cho con, cũng bao người từ quen tới lạ đã xắn tay vào giúp đỡ.
Chị bảo chị vui lắm khi con chị phát triển được như ngày nay. "Mọi người thương con tôi thiệt thòi nhưng thực ra tôi thấy con là người hạnh phúc. Còn gì vui cho bằng một người mãi mãi hồn nhiên, trong sáng như một đứa trẻ", chị Hiếu nói. Người mẹ ấy khi bị đặt vào hoàn cảnh thử thách đã tự học rất nhiều để vượt lên số phận.
Trong câu chuyện của Nam Long, mọi người yêu thương tài năng của em bao nhiêu thì cũng dành sự nể trọng bấy nhiêu cho người mẹ kiên cường của em. Người phụ nữ ấy đã dạy con mình bài học: khi mình yêu cuộc đời, cuộc đời cũng yêu mình đắm say.
Tri ân nhiều tấm lòng
Chị Phùng Hiếu bảo triển lãm này chị cố gắng thực hiện cho con sau mấy năm chuẩn bị, là để tri ân thành phố này đã cưu mang mẹ con chị và tri ân biết bao tấm lòng đã nghiêng xuống chia sớt những gánh đời nhọc nhằn của ba mẹ con, những bàn tay luôn đưa ra nắm lấy tay mẹ con chị kịp thời.
Giờ thì mẹ con chị đã có cuộc sống dễ chịu hơn nhiều. Long đang theo học ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập (Trường cao đẳng Sư phạm trung ương).
Tranh của Long được nhiều người yêu thích tìm mua. Chị Hiếu vẫn đi làm giúp việc gia đình buổi chiều, để có nhiều thời gian chăm lo cho các con.
Triển lãm Phố xưa hè cũ kéo dài đến ngày 6-3 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận