Một số chấn thương vùng mặt thường gặp
- Gãy xương mặt
Khi có một vật như trái bóng lao đến gương mặt của bạn với tốc độ nhanh và mạnh hoặc bạn bị té đập mặt xuống nền cứng hay vô tình bị đánh trúng vào mặt khi đang chơi thể thao. Bạn có thể bị gãy xương từ đơn giản đến phức tạp. Nếu bạn bị gãy những xương như là hốc mắt, xương mũi, hoặc các xoang cạnh mũi, bạn có thể có những triệu chứng thường gặp là:
+ Sưng và bầm tím vùng hốc mắt
+ Đau hoặc tê ở mặt, má hoặc môi
+ Nhìn đôi hoặc mờ
+ Chảy máu mũi
+ Trong một vài trường hợp gãy xương có thể ảnh hưởng đến sự mở và khép miệng.
Nếu xương hàm dưới hoặc xương gò má của bạn bị chấn thương ngoài những triệu chứng trên bạn có thể gặp khó khăn khi nhai, nuốt, đóng mở miệng; do khớp thái dương hàm hay khớp cắn đã bị tổn thương.
- Chấn thương mô mềm
Vết bầm tím nhẹ hay vết cắt hoặc vết trầy xước thường gặp trong những môn thể thao như: quyền anh, bóng đá, trượt tuyết, xe đạp. Hầu hết có thể được điều trị tại nhà, nhưng một số trường hợp cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
- Chấn thương vùng cổ
Tất cả các chấn thương vùng cổ cần được sơ cứu đúng cách và được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ chuyên về cột sống. Chấn thương ở vùng cổ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như: xương hoặc sụn cột sống cổ bị gãy, trật khớp… dẫn đến sưng nề, tắc nghẽn đường thở; hoặc tổn thương đến các cơ quan bên trong như thanh quản, thực quản, mạch máu thần kinh… có thể gây tử vong.
Khi xảy ra tổn thương bạn nên làm gì?
- Trong trường hợp nghi bệnh nhân bị chấn thương nặng hoặc chấn thương vùng cổ nghiêm trọng, bạn không nên di chuyển bệnh nhân mà hãy gọi cấp cứu bất kỳ bệnh viện nào hoặc gọi qua tổng đài 115. Không cho ăn hoặc uống đến khi mức độ chấn thương được xác định.
- Cẩn thận với dịch tiết cơ thể của người khác nếu bạn là người thực hiện sơ cấp cứu, nên sử dụng găng tay cao su hoặc túi nhựa bọc tay lại khi bạn thực hiện sơ cấp cứu, để tránh lây nhiễm những bệnh lây qua đường dịch tiết cơ thể.
- Nếu là vết thương trầy xước, chảy máu, bạn nên rửa vết thương bằng nước sạch và đặt lên vết thương miếng gạc sạch đè vào vị trí chảy máu để cầm máu. Nếu vẫn chảy máu nên đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Nếu là chấn thương vùng mắt hay vùng đầu, nên rửa sạch vết thương và che vết thương bằng miếng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
- Chườm đá hoặc túi chườm lạnh lên vị trí sưng nề do chấn thương sẽ giúp kiểm soát sưng và đau.
- Hãy nhớ đến gặp bác sĩ để được tư vấn nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của những trường hợp nghi nhiễm HIV hoặc những bệnh lây truyền khác qua dịch tiết để được làm những xét nghiệm cần thiết.
Phòng ngừa chấn thương mặt trong thể thao
Để đảm bảo một môi trường thể thao an toàn, nên tuân thủ các nguyên tắc sau đây :
- Khu vực chơi thể thao phải có diện tích lớn để người chơi không chạy va vào tường hoặc các vật cản khác.
- Nên sử dụng các vật dụng giúp bảo vệ các khớp, vùng đầu.
- Cẩn thận kiểm tra thiết bị chơi để đảm bảo hoạt động tốt.
- Thực hiện những bài tập khởi động trước khi chơi thể thao.
- Trong trường hợp các môn thể thao liên quan đến chuyển động nhanh trên đường như: đua xe đạp, trượt tuyết… phải kiểm tra chắc chắn không có chướng ngại vật trên đường di chuyển.
- Cần phải có sự giám sát của người lớn khi trẻ em tham gia các hoạt động thể thao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận