08/05/2020 10:34 GMT+7

Chặn ngay suy nghĩ lơ là nghị định 100

NGUYÊN HẢI - HỮU CHƠN  (Q.9, TP.HCM)
NGUYÊN HẢI - HỮU CHƠN (Q.9, TP.HCM)

TTO - Khi nghị định 100 vừa ban hành và có hiệu lực, mọi người đều thấy rõ việc chấp hành quy định "đã uống rượu bia, không lái xe" của đa số người dân.

Chặn ngay suy nghĩ lơ là nghị định 100 - Ảnh 1.

Tổ tuần tra 363, Công an quận 11 (TP.HCM) đảm bảo an ninh trật tự trên đường phố - Ảnh: LÊ PHAN

Thế nhưng, sau thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19, rất nhiều bạn đọc phản ảnh: Dường như người dân không còn "ngán" những quy định như trước kia, vô tư uống rượu bia rồi chạy xe loạng choạng trên đường.

Không thể "ôm xe" đến quán nhậu

Trước khi xảy ra đại dịch, chúng ta đều hi vọng nghị định 100 sẽ giúp giảm sâu tỉ lệ tai nạn giao thông. Và thật đáng mừng, ngay trong dịp tết vừa rồi đa số người dân đã tiết chế trong việc uống rượu bia cũng như không lái xe sau khi tiệc tùng. Thế nhưng, sau thời gian giãn cách xã hội, quán xá mở cửa, rất nhiều người quay trở lại nhịp sống thường nhật và buông lỏng kỷ luật.

Không ít người dân cho rằng lực lượng chức năng tập trung phòng chống dịch bệnh, giảm tuần tra, xử phạt, dẫn đến tâm lý tranh thủ chơi thả cửa, nhậu thả ga rồi lái xe. Nhìn hàng trăm chiếc xe máy ngổn ngang ở các khu vực tập trung nhiều quán nhậu sẽ thấy nguy cơ tai nạn giao thông tăng lên từ đó.

Thói quen tụ tập vui vẻ với bạn bè, bàn công việc, ký hợp đồng bên bàn nhậu để rồi sau đó gây nên những hậu quả cho chính mình và người vô tội dường như khó lòng thay đổi. Thói quen chỉ nhấp môi vài ly nên chưa say, đủ tỉnh để lái xe của công dân cần phải được pháp luật xử lý ngay, việc thực thi quy định theo nghị định 100 phải làm nghiêm trở lại.

Đừng viện cớ người ta buồn chán vì dịch mà nhân nhượng cho hành động uống rượu nhưng vẫn lái xe trên đường. Nên nhớ, số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến môtô, xe máy chiếm 60,96%. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người điều khiển phương tiện như sử dụng rượu bia, đi không đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát gây tai nạn...

Đau lòng thay, 70-80% nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông thường ở độ tuổi lao động sung mãn, mạnh khỏe, có thể đóng góp dài lâu cho xã hội, trụ cột của gia đình. Chỉ cần một người có "ma men" lái xe là có thể phá nát hạnh phúc của nhiều gia đình, làm thay đổi mãi mãi cuộc đời của không chỉ chính họ. Vậy nên, hình thức nghiêm phạt của nghị định 100 cần được duy trì như thời gian đầu mới triển khai.

Phải phạt nặng để biết sợ trở lại

Trong Tết Nguyên đán 2020, sau khi nghị định 100 được áp dụng, tình hình tai nạn giao thông, vi phạm Luật giao thông đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Cơ quan chức năng đã thực hiện rất nghiêm minh, quyết liệt và không có vùng cấm.

Tuy nhiên, thời gian qua cả nước lo chống dịch COVID-19 nên các lực lượng chức năng bị phân tán để hỗ trợ kiểm soát dịch tại các cửa ngõ. Trong giai đoạn này nhiều người dân khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng trên đường đã có biểu hiện không chấp hành Luật giao thông như vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi lái xe... khiến tình trạng tai nạn giao thông lại gia tăng.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tôi cũng từng từ chối khéo nhiều lời mời nhậu, thậm chí bị mất lòng "chiến hữu". Em tôi làm cảnh sát giao thông của một quận tại TP.HCM cho biết số vụ tai nạn giao thông tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tính chất vi phạm rất nghiêm trọng, tình trạng chống người thi hành công vụ cũng gia tăng.

Do đó, sau khi việc kiểm soát dịch đã ổn định thì các cơ quan chức năng nên thực hiện kiểm soát lại tình hình giao thông, cần phải được thắt chặt hơn. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng thì các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần tiếp tục duy trì việc tuyên truyền văn hóa giao thông. Đối với những vụ việc vi phạm Luật giao thông đặc biệt nghiêm trọng cần thiết phải tiến hành xét xử công khai, lưu động.

Hiện nay mức xử phạt theo nghị định 100 là rất thỏa đáng, có tính răn đe. Do đó chỉ cần lực lượng chức năng tiếp tục làm nghiêm như thời điểm trước Tết Nguyên đán thì tình hình trật tự giao thông sẽ ổn định lại.

Thót tim!

Tôi từng theo sau một người đàn ông sau khi sử dụng rượu bia và chạy xe máy về nhà. Tôi chạy sau anh này trên tuyến đường Phạm Văn Đồng và chứng kiến những khoảnh khắc nguy hiểm đến thót tim. Anh này vừa chạy xe vừa buồn ngủ nên chiếc xe liên tục đánh võng qua lại, có lúc chiếc xe lạng vào lề đường sau đó ngoặt ra lại phía con lươn như sắp đâm sầm vào thì lại bẻ lái chạy vào trong. Những người đi sau nhiều lần phải né để không tông phải anh ta.

Khi đó, cảm thấy tình hình không ổn nên tôi đã chạy lên kêu anh này dừng lại, tấp xe lên lề đường và nói anh ấy gọi điện cho người thân đến đón. Một lúc sau người nhà đến và chở anh này về, chiếc xe được gửi lại một quán cà phê trên đường thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Tôi thấy sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, tình trạng người dân tụ tập ăn nhậu lại gia tăng, các hàng quán mở lại nhộn nhịp. Điều đó vừa tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh vừa làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Chúng ta chưa có ca tử vong nào do dịch nhưng ngay trong dịp nghỉ lễ vừa qua đã có hàng chục người chết vì tai nạn giao thông.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, tổ chức các chuyên đề xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe để người dân không xem thường các quy định của pháp luật.

THẾ HẢI (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Có tâm lý không còn sợ phạt nặng theo nghị định 100 như trước? Có tâm lý không còn sợ phạt nặng theo nghị định 100 như trước?

TTO - Tính chung trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, số lượng người vi phạm nồng độ cồn trong mỗi ngày đều tăng, trong đó riêng ngày 2-5 lực lượng CSGT đã xử lý đến 496 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 180 trường hợp so với ngày 1-5.

NGUYÊN HẢI - HỮU CHƠN (Q.9, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên