07/05/2020 08:54 GMT+7

Có tâm lý không còn sợ phạt nặng theo nghị định 100 như trước?

THÂN HOÀNG - D.THANH - L.DÂN - B.ĐẤU - H.THƯƠNG
THÂN HOÀNG - D.THANH - L.DÂN - B.ĐẤU - H.THƯƠNG

TTO - Tính chung trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, số lượng người vi phạm nồng độ cồn trong mỗi ngày đều tăng, trong đó riêng ngày 2-5 lực lượng CSGT đã xử lý đến 496 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng hơn 180 trường hợp so với ngày 1-5.

Có tâm lý không còn sợ phạt nặng theo nghị định 100 như trước? - Ảnh 1.

Tổ công tác của Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đo nồng độ cồn tại giao lộ Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là thông tin từ đại diện Cục CSGT (Bộ Công an). 

"Nguyên nhân được cho là rất đông các gia đình đã tổ chức gặp gỡ, tập trung ăn uống trong ngày nghỉ lễ. Nhiều người sử dụng rượu bia, sau đó lái xe khiến nguy cơ tai nạn tăng cao", đại diện Cục CSGT nhận định.

Ngày 6-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng phòng tuyên truyền và điều tra tai nạn giao thông, Cục CSGT - cho biết trước những diễn biến phức tạp trở lại của tình hình trật tự an toàn giao thông, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 và nới lỏng cách ly xã hội, Cục CSGT đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ. Kế hoạch này nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật phòng chống tác hại của rượu bia và nghị định 100 của Chính phủ, kế hoạch được thực hiện từ ngày 15-5 đến 14-6.

Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tập trung kiểm soát các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tập trung vào ôtô kinh doanh vận tải hành khách, ôtô vận tải container, ôtô con và môtô.

Cục CSGT cũng yêu cầu tất cả cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ thực hiện theo đúng hướng dẫn của ngành y tế về việc đeo khẩu trang, găng tay và các dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho mình và người dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Khi kiểm tra nồng độ cồn thực hiện theo điện chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thao tác sử dụng thiết bị, bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn dụng cụ đo, sử dụng từng ống thổi riêng cho từng người, bảo quản và tiêu hủy đúng quy định của ngành y tế đối với găng tay, khẩu trang, ống thổi đã qua sử dụng.

Các địa phương tiếp tục mạnh tay

Phú Yên: không du di

Thượng tá Võ Hùng Tường - trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên - cho biết trên địa bàn tỉnh vẫn thực hiện nghiêm nghị định 100, nhất là đo nồng độ cồn đối với lái xe. "Trong thời gian cách ly xã hội, việc đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông đường bộ vẫn được lực lượng CSGT Công an tỉnh Phú Yên thực hiện nhưng đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch. Từ sau khi nới lỏng cách ly xã hội, việc đo nồng độ cồn được thực hiện bình thường như trước đây" - ông Tường nói.

Vị lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cũng khẳng định không "du di" đối với bất kỳ trường hợp lái xe nào vi phạm nồng độ cồn.

Khánh Hòa: quán xá mở, tăng cường kiểm tra

Thượng tá Ngô Văn Thảo - trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa - cho biết lực lượng CSGT ở tỉnh này vẫn thực hiện nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. "Với việc nới lỏng cách ly, quán xá bắt đầu hoạt động lại, chúng tôi càng tăng cường hơn việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm nồng độ cồn" - ông Thảo khẳng định.

Cần Thơ: dân không vi phạm vẫn đẩy mạnh tuần tra

Nói về nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông trong thời gian cách ly xã hội tại địa phương này, ông Mai Minh Ngoan - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP Cần Thơ - cho biết không có vụ nào liên quan đến rượu bia.

Thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền 320 cuộc, phát 30.000 tờ rơi "đã uống rượu bia, không lái xe" và tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại các bến xe, tàu, phà.

Ông Ngoan cho biết Ban an toàn giao thông TP tiếp tục phối hợp cùng công an, thanh tra giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm.

An Giang: tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, đua xe

Ông Lê Việt Cường - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh An Giang - cho biết dịp nghỉ lễ vừa qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm 2 người chết và 3 người bị thương. Ông Cường cho rằng có người dân có suy nghĩ cơ quan chức năng lo chống dịch COVID-19 nên họ nhậu nhẹt, phóng nhanh, xảy ra tai nạn chết người.

Có tâm lý không còn sợ phạt nặng theo nghị định 100 như trước? - Ảnh 2.

Các đối tượng đua xe trái phép tại huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) bị bắt giữ vào tháng 4-2020 - Ảnh: CAAG

Trung tá Nguyễn Đức Hậu - trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh An Giang - cho biết dù tai nạn giao thông do rượu bia giảm nhưng số vụ tai nạn lại tăng. Hết cách ly xã hội, đến kỳ nghỉ lễ nên người dân ra đường quá đông, ngoài ra còn xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép dẫn đến tai nạn. Trung tá Hậu cho biết sẽ đề xuất ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo toàn lực lượng tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, nắm chắc tình hình đua xe trái phép đang gây bức xúc dư luận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số địa phương khẳng định cùng với việc nới lỏng cách ly xã hội, giao thông trở lại gần như bình thường sẽ là việc tiếp tục mạnh tay kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn giao thông.

Tiền Giang: vi phạm nồng độ cồn tăng

Bác sĩ Võ Văn Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, cho biết số người nhập viện vì rượu bia dịp lễ 30-4 giảm so với năm ngoái với 63 ca, chiếm 71,5% so với năm ngoái.

Trung tá Lê Anh Tuấn - đội trưởng đội CSGT đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang - cho hay trong 4 ngày lễ số vụ vi phạm giao thông giảm so với năm 2019 nhưng vi phạm nồng độ cồn lại tăng, 45 vụ so với 27 vụ của năm 2019. Sắp tới, sẽ rà soát các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông để tuần tra, kiểm soát về nồng độ cồn và tốc độ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và xử phạt nặng để răn đe.

Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Cương quyết xử lý

Phải khẳng định rằng trong thời gian chống dịch COVID-19 và cả khi cách ly xã hội, các địa phương và lực lượng chức năng ngừng việc tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm an toàn giao thông. Lực lượng chức năng ưu tiên chống dịch nhưng kết hợp chặt chẽ giữa chống dịch và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm nồng độ cồn.

Đến thời điểm này, khi đã nới lỏng cách ly xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, lưu lượng giao thông, nhà hàng quán ăn mở cửa trở lại, tiêu thụ rượu bia cũng tăng theo.

Vì thế, trong công văn 437 của Chính phủ ban hành ngày 15-4 về triển khai nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 2-2020 tiếp tục yêu cầu công an địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT thực hiện đồng thời nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng và tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tiếp tục thực hiện nghiêm nghị định 100, ưu tiên kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng trên đường bộ; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, xe đạp điện, người đi ôtô không thắt dây an toàn theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự. Đây là những việc phải làm hết sức cương quyết để thực thi những quy định của pháp luật.

TUẤN PHÙNG ghi

Nới giãn cách, không nới nghị định 100 Nới giãn cách, không nới nghị định 100

TTO - Trong 4 ngày nghỉ lễ, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 29.172 trường hợp vi phạm (tăng 14.924 trường hợp so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2019), trong đó có 1.830 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

THÂN HOÀNG - D.THANH - L.DÂN - B.ĐẤU - H.THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên