..............................................
Trong bản thành tích tóm tắt in ra công khai, ở trang “Anh hùng Trần Văn Trung” (tên ông Ẩn) chỉ khoảng 20 dòng: Sinh năm 1927, quê Biên Hòa - Đồng Nai, nhập ngũ tháng 12-1952. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là trung tá, cán bộ tình báo thuộc Bộ tham mưu Miền, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1952 đến tháng 4-1975 do yêu cầu của nhiệm vụ tình báo, suốt 23 năm cùng ăn, ở, làm việc với địch, Trần Văn Trung vẫn luôn giữ vững lòng trung thành với Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng. Trong công tác, Trần Văn Trung đã khôn khéo, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bám chắc địa bàn, lập nhiều thành tích xuất sắc. Đồng chí đã cung cấp kịp thời nhiều tài liệu nguyên bản có giá trị lớn. Trần Văn Trung luôn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, có ý thức tổ chức, kỷ luật cao. Đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhất, 2 Huân chương chiến công giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba, 6 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua.
Năm 1976 ông Ẩn, tức Trần Văn Trung được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhưng cuộc đời và cuộc chiến đấu mấy chục năm của ông chắc chắn phong phú, đầy sự kiện, đã không được công bố cho báo giới hoặc in ra trên các phương tiện in ấn khác.
Những thư báo cáo tin tức về việc Mỹ đang thay dần quân Pháp ở Việt Nam là thời kỳ trước năm 1961. Sau đó là những tài liệu có tính chiến lược để chúng ta có thể nắm vững các kỹ thuật và chiến thuật mới của Mỹ - ngụy. Có những tài liệu mang giá trị cực lớn nêu rõ chiến lược quân sự, bình định theo cách chống nổi dậy được các chuyên gia Mỹ đúc kết kinh nghiệm từ các nước để áp dụng vào Miền Nam. Tài liệu về tổ chức, trang bị, các kế hoạch hành quân và các dự định hoạt động của địch, vừa mang ý nghĩa chiến lược, vừa tổng kết kinh nghiệm hoạt động quân sự và bình định. Đó là những nét khái quát lớn nhất về sự đóng góp của điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Những tài liệu cực kỳ quan trọng này được chuyển ra rất sớm, giúp cho quân dân ta tìm được các biện pháp chiến lược chiến thuật đối phó đánh giặc, lập được nhiều chiến công xuất sắc.
Những kế hoạch lập ấp chiến lược, bình định nông thôn, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ… được kịp thời chuyển tới Trung ương, là kết quả của một cuộc phấn đấu, một đời hoạt động khá độc lập của ông tại các cơ quan cao nhất của kẻ địch. Ông đã làm việc, quen thân, ra vào dễ dàng, được lòng tin cậy từ những cơ quan lớn của chính quyền Sài Gòn như cơ quan Trung ương tình báo ngụy, Tổng nha Cảnh sát, An ninh Quân đội, được Phủ Tổng thống mời với tư cách chuyên viên tham gia đánh giá, đọc các tài liệu tối mật, tham gia ý kiến vào việc hoạch định chiến lược quan trọng của chế độ.
Ông đã làm việc cùng với nhân viên của đại tá Edward G. Lansdale, chỉ huy trưởng Phái bộ quân sự Sài Gòn (Saigon Military Mission - phái bộ này hoạt động cả quân sự, tình báo CIA và chính trị), người tổ chức hàng loạt chiến dịch phá hoại chống Việt Cộng. Ông Ẩn là một trong số ít phóng viên Việt Nam được mời dự giao ban quân sự. Đã có thời kỳ ông tư vấn đề cử các sĩ quan tham gia các khóa học huấn luyện ở các trường đào tạo quân sự tại Mỹ. Chính ông là người đã làm thủ tục cho Nguyễn Văn Thiệu đến Hoa Kỳ lần đầu tiên tham gia khóa học chỉ huy và tham mưu tại Leavenworth. Đám chỉ huy hành quân Mỹ còn cho phép ông lên trực thăng HU.1A đi theo hành quân sát trận địa, chiến trường, đến các phòng thuyết trình tình hình xem những bản đồ chiến sự mới nhất.
Nhưng có phải tất cả những thành công trên đây là do ông Ẩn là phóng viên chiến tranh của tờ báo Time lớn nhất nước Mỹ? Ở vị trí đó nên ông được sự thân thiết của giới cầm quyền cao nhất như Ngô Đình Cẩn ở Huế, Trần Kim Tuyến, Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Tôn Thất Đính, Đỗ Cao Trí và rất nhiều dân biểu, bộ trưởng Phạm Kim Ngọc, giám đốc chiến tranh tâm lý Nguyễn Hữu Có, Cao Văn Viên, Lam Sơn?... Có phải tất cả các nhà báo đều có thể dễ dàng tạo dựng những mối quan hệ như vậy? - Mối quan hệ thân tới mức “lại nhà chơi cũng được”…
Có lần Trần Kim Tuyến yêu cầu ông đứng ra làm chủ bút một tờ báo, lời ăn, lỗ thì bác sĩ Tuyến chịu. Nhưng ông Ẩn đâu có tham vọng làm chủ báo, đâu có mục đích làm giàu. Đã có lần Ẩn phỏng vấn Ngô Đình Cẩn sau vụ đảo chính hụt về việc chính Cẩn đã phát hiện âm mưu đảo chính. Đã có báo cáo lên nhưng bị vứt vào sọt rác. “Thưa ôn nếu ôn chịu, con viết chi tiết đó cho Reuters”. - Ẩn thăm dò. Ngô Đình Cẩn phải bảo thôi đừng đăng: “Mi phỏng vấn tao thiếu nước lạy. Mồm ác lắm!” Ông Ẩn có một người anh họ làm giám đốc Cảnh sát Công an Trung phần. Biết Cẩn thích chơi chim, ông anh thấy Ẩn có con chim loan liền bảo: “Mi cho tao để biếu ôn”. Ẩn có cái ống nhòm, anh cũng xin “Cho anh biếu ông Cậu để ổng đi câu cá”. “Câu cá, hay là để dòm các cô?” “Cái miệng mi ra Huế chết tao”.
Sinh hoạt thời kỳ ấy có những chuyện vui bên lề. Phủ Tổng thống thấy Ngô Đình Diệm thích có người Nam mà biết Huế, biết Bắc, nói chuyện thẳng thắn và vui, họ muốn chọn Ẩn vì Ẩn đủ “tiêu chuẩn”. Diệm thích trò chuyện với những tay thẳng thắn, lại thích cây cối. Một lần Diệm xuống Vĩnh Long thăm ông anh là Ngô Đình Thục làm đức cha ở dưới miền Tây. Ngô Đình Diệm thích cây cối. Đi dọc đường, ông ta ưa thích nhìn mạ xanh bên ruộng hai bên đường thẳng cánh cò bay. Ông luôn mồm rủa những kẻ đang tâm chặt cây cối về làm cây Noel. Đang nhìn chiếc cổng làng phía xa có cây cổ thụ, dưới gốc cây nhiều nông dân đang nghỉ ăn trưa, Diệm thính lắm bèn hỏi: “Cây chi rứa mi?” Người lái xe cự lại: “Cây chi cụ nhìn cụ biết chứ, con đang chạy xe 100km/giờ sao dám nhìn cây! Tính mạng cụ nằm trong tay con đây nè”. Sau lần đi ấy, Diệm thường than mắng các cấp dưới chỉ biết a dua nịnh bợ ông mà chẳng ai thật lòng. Có người bộ trưởng vào tiếp kiến vâng, dạ lễ độ, lúc đi ra không dám quay lưng đi tử tế, lại đi giật lùi, chẳng may đụng phải đôn chậu cây vấp ngã, Diệm khoái trá cười: “Chỉ quen a dua nịnh bợ, các ông không thương tôi bằng người Sốp - phơ”.
Có lần ở sát biên giới Miên có tranh chấp. Thiếu tướng Becna Trần Tử Oai làm Tư lệnh vùng 4 sát biên giới, Ngô Trọng Hiếu lúc đó làm đại sứ, bị Xihanúc phiền trách. Diệm kiếm chuyên gia về Campuchia để hỏi ý kiến tìm cách giải quyết tình hình căng thẳng, liền xuống Cần Thơ tìm Tư lệnh vùng 3. “Cụ kêu lên” - viên tướng cấp tốc lên gặp, chào kiểu nhà binh cái rốp. “Tư lệnh vùng phải không?” “Dạ phải.” “Ở biên giới có tranh chấp, cho ý kiến giải quyết thế nào?” “Mật lắm Cụ ạ”. “Nói đi. Mật hoài.” “Phải rồi, cái này mật. Cụ cho con một ngày đi, một ngày về, tổng cộng khoảng 5 ngày con giải quyết xong”. “Năm ngày là sao?”, “Con hành quân đến Phompenh đánh một ngày”. “Đâu có được. Tưởng có mưu gì ngoại giao”. “Con quân sự chỉ có hành quân thôi. Quân sự là thế. Con nói Cụ rồi, mật lắm!”. Diệm khoái những người như “Oai” và nói thẳng như thế, có khi dám phản ứng theo cách của mình. Vì vậy người ta nhắm “chắc thằng Ẩn” đủ tiêu chuẩn để trò chuyện với Cụ. Nhưng cũng có người phát hiện “Nó ẩu lắm. Nó dám dắt ông Cụ đi dancing thì lộ hết mặt đám quan chức ăn chơi đi dancing tối ngày”. Ai chứ Ẩn thì dám dắt ông Diệm đi chơi đêm bất tử, lòi ra các bộ trưởng nhảy đầm!
Một dịp Tết, Ẩn lại chơi nhà Trần Kim Tuyến. Có mấy vị bộ trưởng mới tới chào Tuyến, Ẩn liền lại nói chuyện với bà vợ Tuyến. Thấy nhà họ được biếu quá nhiều hoa thủy tiên, Ẩn miệng nói, tay bốc: “Xài không hết. Tôi không có”. Vị bộ trưởng lấy làm lạ hỏi “Thằng nào hỗn vậy?” “À, anh Ẩn nhà báo thân đó mà” - bà Tuyến cười giải thích.
Ông Ẩn được nhiều quyền đặc biệt không chỉ do nghề nghiệp mà là do quan hệ rộng. Ông đi lại có cả giấy của an ninh Phủ Tổng thống, có súng. Ông lái xe đi Buôn Mê Thuột khi cần. Cùng với các nhà báo nước ngoài, Ẩn đi cả vĩ tuyến 17. Đi tham quan khu trù mật thì bằng xe của Phủ Tổng thống. Ẩn có chiếc xe riêng, xe taxi nhỏ hiệu Renault dùng suốt từ năm 1960 tới khi miền Nam giải phóng.
Người ta đã quen chiếc xe nhỏ của tay ký giả chuyên viết chiến sự, đi khắp nơi, tự lái và luôn chở con chó đi cùng. Ông nuôi bécgiê giống quý. Con bécgiê mua từ Đức cũng nổi tiếng vào hàng số một Sài Gòn lúc đó với giá 30 cây vàng. Những đêm ông làm báo cáo bí mật con chó nằm dưới chân. Nếu có động tĩnh gì, con chó thính lắm. Cảnh sát đi khám sổ gia đình (hộ khẩu) ban đêm giờ giới nghiêm ngoài đường cách gần cây số nó nằm yên nghe, lấy chân khều khều báo cho chủ. Ban đêm khi ông chụp lại các tài liệu, bản đồ dưới ánh đèn 500 watt che kín, nếu có tiếng chó sủa tức là có ai đó đi bên ngoài.
Sau này ông bán con chó đó để mua con khác từ Mỹ đem qua. Nó cũng tinh tường một cách đặc biệt. Những đêm Mỹ đem máy bay B.52 rải bom ở xa tận ngoài chiến khu, đất rền rung rất nhẹ nó đã sủa khi chưa ai cảm thấy. Mãi sau khi nghe nó sủa rồi, cố để ý mới thấy cửa rung. Con chó thường ngồi sau xe. “Có lần tôi trao đồ cho người liên lạc, bà khựng lại sợ quá vì thấy con chó”. Khi ông vào nhà hàng (ông thường vào các nhà hàng Brô-đa, Givràl, Continental… nơi tập trung giới báo chí, các quan chức, dân biểu) con chó được lệnh ngồi chờ ở ngoài xe. Nó có thể tuân lệnh ngồi yên như thế chờ đến một, hai tiếng tới khi ông chủ ra. Nếu được vào nhà hàng, nó chui nằm yên dưới bàn.
Hẳn là nó quá ấn tượng với đám bạn làm báo hồi đó. Đến nỗi nhiều năm sau này khi Sài Gòn giải phóng, họ trở lại thăm ông Ẩn, làm các cuộc phỏng vấn, như ta đã thấy trong miêu tả của họ, bao giờ bên ông Ẩn cũng có hình ảnh con vật thân thiết của ông. Morley đã tả lại kỷ niệm cũ khi tiếp xúc với Ẩn ngày xưa ở nhà hàng, cái mõm đen của con chó thò ra khỏi gầm bàn im lặng khi chủ của nó đang nói cười. Và hình ảnh gặp lại ông Ẩn ở Sài Gòn sau hàng chục năm cũng có “Ẩn và những con chó thân yêu của anh ta”. Kết thúc bài viết, cũng là “Ẩn giơ cánh tay xương dài vẫy vẫy từ biệt cùng với tiếng chó sủa theo chúng tôi ra ngoài con lộ”.
Ngày Tết, đám bạn bè và quan chức thường mừng rỡ nếu thấy chàng ký giả vốn “rất Mỹ” này lại khăn đóng áo dài dẫn bécgiê đến chúc Tết. “Ông nội này láo” - đám bạn bè trêu chọc bình luận. Nhưng Ẩn bảo: “Không đi với vợ mà đem chó bécgiê theo là hên”. Con chó cũng giúp Ẩn mở quan hệ thân thiết. Ông thân với Đỗ Cao Trí (tướng nắm Vùng 3 chiến thuật, vùng Sài Gòn và Đông Nam Bộ), cũng qua con chó. “Chả khoái bécgiê, đi chợ chó luôn. Cố vấn Mỹ mua cho chả 3 con: hai đực, một cái, nhưng đẻ con ra không đẹp. Ổng xin giống từ con chó của tôi. Nó nhảy, đẻ con rất đẹp. Ông nào thích thì cho giống với giá 100 đô một lần nhảy. Có khi tôi đem chó con đến biếu những người giúp đỡ mình. Họ mừng lắm”.
Lansdale phụ trách Phái bộ quân sự Sài Gòn, trong đó có hoạt động của CIA, cũng nuôi một con chó. Ông ta nhìn phản ứng của chó để dò xét người khác. Lansdale cho rằng người không có tà tâm thì chó của y nằm yên lặng. Người nào con chó nó dòm chừng thì có vấn đề gian dối tà tâm gì đó. Theo ông ta: “Con chó nó đánh giá được”. Có lần ông Ẩn bảo: “Mỗi lần tiếp tôi, anh để chó ớn lắm”. “Anh nuôi chó mà lại ớn chó sao? Nó giúp canh chừng, nó dòm cảm tình thì tâm địa tốt.” Lansdale lại giải thích. Ông Ẩn bảo: Đâu có nhất nhất như vậy. Có con nhạy có con không, sủa tầm bậy vu vơ. Chẳng có sách nào dạy cái “đồ” này.
Bây giờ ông Ẩn vẫn nhận xét thế. Nhưng theo ông, trong nhà phải nuôi ba con vật: con chó trung thành, “con có thể chê cha mẹ khó chứ chó không bao giờ chê chủ nghèo”. Con chim thì nhảy hoài. Nó tiêu biểu cho sự bận rộn làm việc suốt ngày, không làm biếng. Còn con cá thì dạy sự khôn ngoan, im lặng, không nói nhiều mà suy tư. Ông còn đùa: không nên làm nghề xuất nhập khẩu. Bệnh do khẩu nhập họa do khẩu xuất mà!
“Bệnh ăn bệnh nói dễ vô tù”.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận