15/11/2017 21:15 GMT+7

Chấn chỉnh tình trạng né tiếp dân

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TTO - "Quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm tiếp công dân của bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND, được quy định trong nhiều văn bản luật, nhưng rất nhiều nơi không thực hiện" - trưởng Ban Dân nguyện NGUYỄN THANH HẢI cho biết.

Chấn chỉnh tình trạng né tiếp dân - Ảnh 1.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải - Ảnh: LÊ KIÊN

Nạn tham nhũng vặt đang gây ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng đạo đức, văn hóa. Chuyện lót tay, phong bì để "bôi trơn" trong các thủ tục hành chính là khá phổ biến. Chúng tôi đề nghị Chính phủ có biện pháp, trong đó có chế tài nghiêm minh, giám sát khả thi để ngăn chặn tệ nạn này.

Trưởng Ban Dân nguyện NGUYỄN THANH HẢI

Ngày 16-11, bà Thanh Hải sẽ trình bày báo cáo giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri trước khi Quốc hội tiến hành phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Trả lời phỏng vấn riêng phóng viên Tuổi Trẻ, trưởng Ban Dân nguyện cho biết: 

"Công bằng mà nói thì công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri từ kỳ họp thứ 3 đến nay đã đạt được bước tiến mới, hiệu quả hơn trước. 100% ý kiến, kiến nghị được các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, trong đó 21/24 bộ, ngành do đích danh người đứng đầu ký văn bản trả lời, giải quyết. 

Đặc biệt, có việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu suốt 5 năm thì vừa qua Thủ tướng đã giải quyết. Đó là quyết định số 33 ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyến đến, trong đó Thủ tướng quy định đây là một trong các tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của các bộ trưởng, trưởng ngành".

* Vậy còn những tồn tại, hạn chế nào cần khắc phục, thưa bà?

- Các quy định về công khai, minh bạch đã được thể hiện rất rõ trong các luật. Nhưng trên thực tế người dân rất không hài lòng, cho rằng công khai, minh bạch hiện rất hình thức, nhiều cơ quan làm cho có và thậm chí là tránh né. 

Điều đáng nói là đến nay vẫn chưa có cơ quan, đơn vị, cá nhân nào bị xử lý thích đáng các vi phạm liên quan đến công khai, minh bạch; từ những việc như lập danh sách hộ nghèo, chi tiêu ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai... khiến người dân bức xúc.

Một ví dụ rất cụ thể, như công khai lịch tiếp công dân theo điều 24 của Luật tiếp công dân cũng bị vi phạm rất phổ biến. 

Luật quy định lịch tiếp dân của bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải công khai tại nơi tiếp công dân và trang tin, cổng thông tin điện tử. Thế nhưng ngày 25-9 vừa rồi, chúng tôi rà soát cổng thông tin điện tử của 63 tỉnh, TP và 22 bộ, ngành kết quả chỉ có 3 bộ, ngành và 28 tỉnh, TP công khai. 

Đấy là chỉ nói đến chuyện công khai lịch tiếp thôi, chứ chưa nói đến việc người đứng đầu có trực tiếp gặp dân không hay lại ủy quyền cho cấp phó, cho chuyên viên.

Tình trạng người đứng đầu né tiếp dân là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, lòng vòng. 

Vừa rồi, báo chí nêu câu chuyện Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cần 20 phút tiếp dân để giải quyết một vụ việc đã kéo dài 20 năm đã nói lên rất nhiều điều.

Lần này chúng tôi kiến nghị mạnh mẽ phải thực hiện tất cả các quy định về công khai, minh bạch trong công tác của Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền các cấp, lấy đó làm điều kiện cần và đủ để người dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động các cơ quan hành chính.

Công tác phòng chống tham nhũng cũng tiếp tục nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và là vấn đề chúng tôi nhấn mạnh trong báo cáo. Người dân hoan nghênh và rất đồng tình với chỉ đạo quyết liệt của Tổng bí thư, hành động của các cơ quan chức năng trong xử lý các vụ lớn vừa qua.

Nhưng có một vấn đề người dân rất lo lắng, đó là nạn tham nhũng vặt đang gây ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng đạo đức, văn hóa. Chuyện lót tay, phong bì để "bôi trơn" trong các thủ tục hành chính là khá phổ biến. 

Chúng tôi đề nghị Chính phủ có biện pháp, trong đó có chế tài nghiêm minh, giám sát khả thi để ngăn chặn tệ nạn này.

Đồng thơi đề nghị Chính phủ có giải pháp đột phá trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó chú trọng đến đội ngũ giao tiếp và giải quyết công việc hàng ngày với người dân, doanh nghiệp.

* Những vi phạm các quy định về tiếp công dân, vi phạm về công khai, minh bạch thời gian qua dường như không bị xử lý, chế tài gì. Vậy trong báo cáo này, Ban Dân nguyện có đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm các vi phạm đó không?

- Tại kỳ họp này, có thể thấy các đại biểu đề cập rất mạnh mẽ, gay gắt vấn đề này. 

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ phải xử lý đúng quy định của pháp luật, đồng thời muốn nhấn mạnh rằng hành lang pháp luật về công khai, minh bạch, về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết ý kiến, kiến nghị của dân đã đầy đủ. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo tính răn đe và làm gương.

Cuối năm 2018, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn. Chúng tôi kiến nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm hơn nữa đến hiệu quả việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch làm căn cứ đánh giá tín nhiệm các vị lãnh đạo.

Ảnh hưởng đến niềm tin của người dân

Theo trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, sự vòi vĩnh, nhũng nhiễu của những công chức trong giao tiếp, giải quyết việc dân gây ra sự bực bội, không hài lòng, mất thời gian, tốn kém tiền bạc, đã làm tổn thương niềm tin của người dân vào Nhà nước, gây trở ngại cho việc xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động và kiến tạo phát triển.

Bà dẫn chứng những vụ việc tưởng rằng rất bình thường như chuyện xin giấy chứng tử xảy ra ở phường Văn Miếu (Hà Nội), hay chuyện xin xác nhận đi học, đi làm ở một số nơi mà báo chí nêu vừa qua chính là những việc tạo ra ảnh hưởng rất xấu đến dư luận.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên