Ông Huỳnh Thanh Bằng, nhân viên tổ QLTTĐT phường Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) thu 150.000 đồng tiền “lấn chiếm lề đường” của một tiểu thương bán cá trên lề đường Gò Xoài sáng 30 - 9 - Ảnh: HOÀNG LỘC |
Ngày 3-10, ông Nguyễn Anh Cường - Chánh văn phòng UBND Q.Bình Tân cho biết, ngay khi Tuổi Trẻ đăng bài Kiểu phạt kỳ lạ của trật tự đô thị, Chủ tịch UBND quận đã chỉ đạo chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A phối hợp với Đội QLTTĐT kiểm tra, xử lý nghiêm các nhân viên sai phạm.
Đồng thời, UBND quận Bình Tân có công văn cảm ơn Ban biên tập báo Tuổi Trẻ và cùng nhóm phóng viên thực hiện bài viết.
“Như thông tin báo phản ánh thì các nhân viên QLTTĐT đã làm việc sai quy trình. Trước mắt các đơn vị đang yêu cầu các nhân viên này giải trình, sai đến đâu xử lý dứt điểm đến đó chứ không nói chung chung nữa”, ông Cường khẳng định.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 3-10 bà Lê Thị Kim Loan - Chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A cho biết, sáng cùng ngày phường đã phối hợp với Đội QLTTĐT quận tổ chức buổi họp để “nhìn nhận lại vấn đề”.
Theo bà Loan, các nhân viên này thuộc quản lý của đội QLTTĐT quận, được phân công phụ trách vấn đề trật tự ở các lòng lề đường trên địa bàn phường. Thực tế, họ không hưởng lương và không chịu sự quản lý trực tiếp của phường.
“Trước mắt chúng tôi đã thống nhất yêu cầu các nhân viên này viết kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật. Căn cứ vào mức độ sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý đúng người, đúng tội”., bà Loan nói.
Sau đó, tiếp tục thu 150.000 đồng tiền “lấn chiếm lề đường” của một tiểu thương khác trên lề đường Gò Xoài sáng 30-9 - Ảnh: HOÀNG LỘC |
Việc có hay không tiêu cực trong khoản phí thu từ các tiểu thương, bà Loan khẳng định: “Qua cuộc họp sáng nay, tôi khẳng định chuyện các nhân viên thu tiền để bỏ túi riêng là không có.
Tại vì họ vẫn xé biên lai phạt do Bộ tài chính phát hành, biên lai có 4 tờ in từ Chi cục thuế nên không có chuyện không nộp tiền vào ngân sách. Riêng việc xử phạt mà không đưa quyết định như báo nêu rõ ràng là các nhân viên này sai hoàn toàn”, bà Loan khẳng định.
Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc xử phạt không đúng quy trình như vậy sẽ rất dễ nảy sinh tiêu cực khó kiểm soát, bà Loan thừa nhận: “Đúng là rất khó kiểm soát. Từ thông tin phản ánh của báo, UBND phường sẽ tăng cường giám sát, chấn chỉnh”.
Xấp “biên lai thu tiền phạt” được các tiểu thương trên đường Gò Xoài (P.Bình Hưng Hòa A) gom lại. Biên lai này được viết rất sơ sài - Ảnh: HOÀNG LỘC |
Không đúng thẩm quyền Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - đoàn luật sư TP.HCM cho biết, nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm lấn chiếm lòng lề đường từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân (bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo). Căn cứ theo mức xử phạt trên có thể áp dụng được hình thức xử phạt không lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ, hoặc cần phải lập biên bản vi phạm theo đúng quy định pháp luật và phải giao cho người vi phạm một bản. Trong trường hợp này nhân viên QLTTĐT chỉ có thể lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm, không được trực tiếp quyết định xử phạt. Từ các căn cứ trên, có thể thấy hành vi trực tiếp nhận tiền và giao biên lai thu tiền phạt của nhân viên QLTTĐT là không đúng quy định thẩm quyền, bị pháp luật nghiêm cấm. Đặc biệt, nếu nhân viên QLTTĐT cố ý thực hiện các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ có thể bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự. Người dân có thể khiếu nại, tố cáo và khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận