
Các bác sĩ mổ cấp cứu cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC
Mổ cấp cứu cho 2 nam sinh sau cơn đau dữ dội vùng kín
Mới đây, khoa ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận hai trường hợp nam thanh niên nhập viện trong tình trạng xoắn tinh hoàn muộn, buộc phải cắt bỏ một bên tinh hoàn do hoại tử.
Trường hợp thứ nhất là em H.T.A. (16 tuổi, trú tại xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang). Theo lời kể của gia đình, trước khi vào viện khoảng 4 ngày, em đột ngột xuất hiện cơn đau dữ dội vùng bìu bên trái.
Ban đầu em nghĩ chỉ là đau thông thường, nên chủ quan không đi khám. Sau một ngày, cơn đau không thuyên giảm, bìu bắt đầu sưng to nhưng em vẫn e ngại, không nói với gia đình. Đến khi đau dữ dội kèm theo nôn, em mới được đưa vào viện.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái và chỉ định mổ cấp cứu, nhưng do tinh hoàn đã tím đen, hoại tử, không còn khả năng bảo tồn nên phải cắt bỏ để tránh biến chứng nhiễm trùng và ảnh hưởng đến tinh hoàn còn lại.
Trường hợp thứ hai là em T.Q.T. (18 tuổi, trú tại xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam). Tương tự, em bị đau bìu phải cách thời điểm nhập viện 6 ngày. Ban đầu cơn đau xuất hiện đột ngột, nhưng em nghĩ do vận động mạnh nên không để ý.
Khi thấy bìu sưng to, đau dữ dội hơn kèm theo tấy đỏ, em vẫn do dự không đi khám vì ngại vấn đề nhạy cảm. Chỉ đến khi đau không chịu được, em mới đến bệnh viện.
Các bác sĩ chẩn đoán em bị xoắn tinh hoàn phải và chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên tinh hoàn đã hoại tử nặng, không thể cứu vãn, và các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn phải.
Sau phẫu thuật, cả hai bệnh nhân đã hồi phục tốt và có thể xuất viện trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc mất đi một bên tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến tâm lý, một phần khả năng sinh sản cũng như sức khỏe sinh lý của bệnh nhân về sau.

Nếu được phẫu thuật tháo xoắn sớm, tinh hoàn có thể được bảo tồn. Tuy nhiên nếu nhập viện sau 24 giờ, nguy cơ hoại tử và phải cắt bỏ lên đến 85% - Ảnh minh họa
Xoắn tinh hoàn là gì và tại sao phải điều trị sớm?
Theo các bác sĩ, xoắn tinh hoàn (hay còn gọi là xoắn thừng tinh) là tình trạng tinh hoàn xoay bất thường quanh trục của thừng tinh, khiến mạch máu nuôi tinh hoàn bị tắc nghẽn. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tinh hoàn sẽ bị thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử và phải cắt bỏ.
Bệnh thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các triệu chứng điển hình là đau bìu đột ngột, dữ dội, cơn đau có thể lan lên bụng hoặc xuống đùi, kèm theo vã mồ hôi.
Bìu sưng to, đỏ, căng đau, sờ vào thấy tinh hoàn bị kéo lên cao hơn bình thường. Một số trường hợp có thể kèm theo triệu chứng buồn nôn hoặc nôn. Ngoài ra, người bệnh có thể không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ.
Xoắn tinh hoàn là cấp cứu ngoại khoa. Thời gian vàng để cứu tinh hoàn là trong vòng 4-6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Nếu được phẫu thuật tháo xoắn sớm, tinh hoàn có thể được bảo tồn. Tuy nhiên nếu nhập viện sau 24 giờ, nguy cơ hoại tử và phải cắt bỏ lên đến 85%.
Một trong những lý do khiến nhiều bệnh nhân đến viện muộn là do chủ quan hoặc ngại ngùng khi gặp phải vấn đề liên quan đến bộ phận sinh dục. Điều này đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc là mất một bên tinh hoàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và chất lượng cuộc sống sau này.
Do đó bác sĩ khuyến cáo phát hiện, xử trí sớm là chìa khóa để bảo tồn tinh hoàn và bảo vệ sức khỏe sinh sản của người bệnh. Khi có các triệu chứng như đau bìu dữ dội, sưng đỏ hoặc các dấu hiệu bất thường khác, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận