09/04/2022 09:06 GMT+7

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 3: Làm giàu với xe Nhật

THANH LIÊM
THANH LIÊM

TTO - Không thể biết nghề dạy nghề để ông Đặng nhanh chóng trở thành tay buôn xe hàng đầu, hay con người tháo vát đó đã làm thay đổi nghề kinh doanh ở Tân Đảo, bởi ông có tài năng kinh doanh thấm đẫm trong máu huyết.

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 3: Làm giàu với xe Nhật - Ảnh 1.

Xưởng cơ khí ông Đặng tự mở tại nhà để làm thêm ở Maganta, năm 1972 - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại

Làm việc bất kể ngày đêm

Rất nhiều người từng làm việc với André Đặng đều nhìn nhận ông mát tay, đụng vô việc nào là thành công việc đó. Nhiều người vẫn nhắc về chuyện khi còn là cậu bé con ông đã nghĩ ra những món độc đáo để bán hàng lấy tiền đô từ mấy anh lính Mỹ đổ bộ lên Tân Đảo. Ví dụ là những cành san hô dạt trên bãi biển bỏ vào lọ thủy tinh dùng lại nhưng kèm vào mấy con kiến địa phương cho sống động.

Nhưng ngoài khả năng "nhìn đâu cũng thấy có thể kinh doanh có lãi" thì các đối tác, thân hữu hay đối thủ đều phải nhìn nhận ở ông Đặng sức làm việc dẻo dai, không bao giờ chịu đầu hàng trước khó khăn hay thách thức.

"Cha tôi là thiên tài trong kinh doanh". Không ít lần trong các cuộc nói chuyện, bà Nguyệt vẫn dùng cụm từ "nhà kinh doanh thiên tài", "nhà kinh doanh đặc biệt" để kể về cha mình. Ba chị em của bà đã học rất nhiều và được thừa hưởng rất nhiều từ người cha cả đời cặm cụi làm việc.

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 3: Làm giàu với xe Nhật - Ảnh 2.

Vợ chồng tỉ phú Đặng Văn Nha trong những năm 1970. Bà Én vợ ông cũng tần tảo thời gian dài sát cánh cùng chồng tạo dựng cơ nghiệp - Ảnh SOPHIE NGUYỄN chụp lại

Người Pháp khi đó đã thống lĩnh đặc quyền thị trường xe hơi và xe tải ở Tân Đảo, nên ông Đặng chọn ngách thị trường khác cho mình. Ông đã mất 10 năm để làm được việc đó. Bắt đầu là việc vào làm công cho gia đình buôn xe Édouard Pentecost. Phải nói rằng vào làm ở đây ông được như cá gặp nước bởi sự hiểu biết và tầm nhìn của ông chủ.

Chỉ sau ba tháng vào làm việc, chàng trai trẻ Đặng đã ngồi vào bàn quản lý của gara sửa xe của nhà Pentecost. Ông chủ nhanh chóng cất nhắc bởi thấy rõ những sáng kiến nổi bật từ chàng kỹ sư người Việt học ở Pháp về.

Vừa làm việc ở công ty, ông Đặng vừa duy trì việc sửa xe ở nhà đã mở trước khi làm cho Pentecost. Sân vườn sau nhà ông trở thành một gara đúng nghĩa dành cho những xe gặp tai nạn và được bên cảnh sát báo cho biết. Vợ ông, bà Bùi Thị Én, cũng không nề hà gì chuyện nơi ở chẳng khác nhà xưởng. Thậm chí không ít lần giữa đêm khuya khoắt, bà vẫn thức dậy đi cùng chồng kéo những chiếc xe hỏng về gara nhà để sửa.

Đôi vợ chồng trẻ đồng sức, đồng lòng và đều mê say công việc. Đồng nghĩa với việc tốt là thu nhập tốt. "Cha tôi kể từng dùng bàn là để ủi tờ tiền đầu tiên hai vợ chồng kiếm sau khi mới lấy nhau", bà Nguyệt nhớ lại. Thật ra khi ông Đặng đi học, bà Én cũng đã một nách ba con và vừa mở kinh doanh nhỏ tại nhà. Khoản tiền từ hai nhà hàng nhỏ và xưởng may của bà sau này cũng đã góp phần giúp ông mạnh dạn ra kinh doanh riêng.

Khi ông Đặng chia tay gia đình Pentecost, không ít lời gièm pha cho rằng hai bên hục hặc vì ông Đặng quá khôn ngoan, qua mặt chủ để tư túi. Có thể đó sẽ là chuyện bí mật giữa hai người, nhưng một người bạn của Édouard Pentecost sau này có kể khi họ trà dư tửu hậu, có lúc Édouard nửa đùa nửa thật "Anh ta (André Đặng) dù có lừa tôi đôi chút thì tôi vẫn còn lãi chán".

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 3: Làm giàu với xe Nhật - Ảnh 3.

Ông Đặng mở đua xe vào cuối tuần để quảng bá thương hiệu xe Toyota mình đang kinh doanh. Có khi chính ông cầm lái và đã có những chiếc cúp chứng tỏ xe Nhật phù hợp ở địa phương hơn xe Pháp - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại

Bắt tay với người Nhật

Chia tay gia đình Pentecost, ông Đặng gom góp tiền của hai vợ chồng mua lại đại lý xe hơi hiệu Toyota cũng của một người Việt vừa rao bán ở Tân Đảo do gặp khó khăn. Để sống sót và vươn lên ở thị trường mà chính quyền chỉ ưu ái cho các thương hiệu xe Pháp và đã tồn tại những tên tuổi lớn kinh doanh hàng đầu như Pentecost, ông Đặng chọn thị trường ngách cho mình: những người bản địa Kanak.

"Tôi là một người bán hàng giỏi vì tôi luôn luôn đi tới đích", ông Đặng từng nói về mình như thế. Thời may cho ông làm giàu chính là việc người bản địa khi ấy cũng có nhiều tiền hơn nhờ thu nhập từ nguồn mỏ nicken. Người nào ít tiền thì ông cho bán trả góp với dòng xe bán tải. Thế là họ chịu bỏ tiền mua xe. Bà Én từng kể hai vợ chồng từng nhận được những tờ tiền như ẩm mốc và dính cát vì người dân bản địa có thói quen cất tiền để dành vào lon sữa rỗng và chôn dưới đất vườn sau nhà.

"Cha tôi tổ chức các giải đua xe ở địa phương vào cuối tuần và thậm chí đích thân ông cầm lái để mọi người thấy chất lượng của xe Nhật", bà Nguyệt tiết lộ cách cha bà quảng bá thương hiệu xe Nhật mà ông đang kinh doanh. 

Hay hơn nữa là ông nhắm đến nhóm khách hàng nữ người bản địa vốn xưa nay e dè chuyện xe cộ. Ông cho họ lái xe thử, ông mở lớp dạy lái xe miễn phí hoặc phí tượng trưng để họ có được bằng lái, kèm điều kiện họ cam kết mua xe ông Đặng. Thế là ông có được nhóm khách hàng mới mà các đại lý lâu đời ở Tân Đảo từng bỏ qua.

Khó khăn chưa hết. Do để bảo hộ hàng Pháp, nhà nước mẫu quốc áp đặt quota ngặt nghèo về số lượng xe hơi các thương hiệu khác được phép nhập vào Tân Đảo. Ông Đặng phát hiện ra cách vượt qua trở ngại này: mở các công ty khác nhau để nhập nhiều dòng xe nhằm tăng số lượng xe ngoại được nhập vào. 

Thậm chí có lúc chưa có điều kiện mở thêm mặt bằng kinh doanh thì ông biết cách thay biển quảng cáo mỗi khi có đại diện hãng xe đến điều nghiên điểm bán của mình. Chẳng hạn bình thường đại lý của ông giới thiệu 5 biển quảng cáo của 5 loại xe đang bán. Khi biết phải đón đại diện một hãng sang thì ông cho người làm hạ bớt 4 bảng quảng cáo các hãng kia.

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 3: Làm giàu với xe Nhật - Ảnh 4.

Ông André Đặng (trái) cùng một người bạn trong thời gian học ở Marseille năm 1959. Khi học rồi đi thực tập ở Pháp, với tài năng và sự cần mẫn của mình ông đã chinh phục được các lãnh đạo hãng Citroen để mở đường cho việc có ngay việc làm khi quay lại Tân Đảo - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại

Nhờ tiền lời từ kinh doanh xe, chỉ hơn một năm sau, vợ chồng ông Đặng mua lại cửa hàng xăng dầu cũng thuộc hàng lớn nhất, ngay cửa ngõ ra vào thủ phủ Nouméa. Thời đó, xe bắt đầu nhiều lên, người ta đi lại nhiều lên và đương nhiên lại ghé cửa hàng xăng nhà ông Đặng. Kề bên lại sẵn có gara xe của nhà ông Đặng sẵn sàng xem xét lại những hỏng hóc có thể có trước khi xe đi đường xa. Tiền cứ thế đẻ ra tiền.

Đến khi có điều kiện kinh doanh thuận tiện, ông mở các đại lý độc quyền cho từng dòng xe Nhật. "Sau này khi chuyển sang làm công ty mỏ, cha tôi bàn giao việc quản lý các đại lý bán xe cho ba đứa con của mình. Đến khi chúng tôi đến tuổi hưu thì cũng bắt đầu bán lại dần các đại lý. Hiện trong gia đình chỉ còn một đại lý của Toyota do cháu nội của cha tôi đang quản lý", bà Nguyệt cho biết.

Nhưng cũng chính việc kinh doanh thành công nhanh chóng ở lĩnh vực xe hơi vốn là đặc quyền của người Pháp hoặc người Caledonie mà gia đình ông Đặng gặp biến cố. Nhiều người cho rằng biến cố đó có phần xuất phát từ sự ghen tức với thành công kinh doanh của gia đình ông Đặng.

Người Việt ở Tân Đảo đều sống khá giả

Bà Nguyệt cho biết hiện có khoảng 3.000 người Việt đang sinh sống ở Tân Đảo. Đó là chưa kể số người lai có dòng máu Việt. Từ trước đã có những người Việt sau khi dứt hợp đồng làm phu cho Pháp thì chuyển sang kinh doanh và hầu hết đều thành công với nghề nuôi trồng và buôn bán.

"Hiện hầu hết gia đình người Việt ở Tân Đảo đều khá giả, nhà nào cũng có nhiều xe hơi, thuyền đi câu giải trí vì chúng tôi sinh sống ở xứ đảo", bà Nguyệt kể.

Nhiều gia đình người Việt có siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa và họ vẫn sống nghề cha truyền con nối đến ngày nay. Hiện người Việt sống ổn với nghề kinh doanh quần áo và buôn bán rau củ, mở nhà hàng ăn uống.

Kỳ tới: Đêm ngủ với khẩu súng đầu giường

Năm 1984 xảy ra biến cố lớn với việc kinh doanh của gia đình ông Đặng. Từ những tranh chấp chính trị liên quan chiến dịch đòi quyền độc lập cho Tân Đảo, xảy ra những cuộc nổi loạn, và sau đó là đốt phá cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Đặng.

Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 2: Không đầu hàng số phận Cha tôi - tỉ phú xứ Tân Đảo - Kỳ 2: Không đầu hàng số phận

TTO - Gia cảnh khó khăn đã khiến ông Đặng Văn Nha trau dồi tính cách con người mình từ bé. Luôn trong vai trò người anh lớn trong nhà, ông đứng ra gánh vác mọi việc như một người đàn ông trưởng thành.

THANH LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên