19/04/2018 14:16 GMT+7

Cha mẹ không ép nhưng cháu tôi vẫn học bất kể ngày đêm

TIÊU NHI
TIÊU NHI

TTO - 'Nếu con ở lớp mà sức học yếu, thua các bạn thì sẽ bị tẩy chay, không ai làm bạn với con cả', cháu tôi tâm sự về lý do cháu lao vào học bất kể ngày đêm.

Cha mẹ không ép nhưng cháu tôi vẫn học bất kể ngày đêm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: rowancallick.com

Vụ nam sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh do không chịu nổi áp lực thành tích từ gia đình như giọt nước tràn ly về bệnh thành tích mà lâu nay xã hội ta vẫn than vãn.

Đọc thông tin về cái chết của nam sinh, ai cũng trách em suy nghĩ nông cạn, sao lại đánh đổi tính mạng của mình vì chưa thể thực hiện ước mơ của bố mẹ, rồi dư luận lại tiếp tục trách móc từ phía gia đình em nam sinh đó, sao lại đặt gánh học tập quá nặng lên vai con em mình quá tải như thế?

Nhưng theo tôi - một giáo viên tiếp cận với các em học sinh rất nhiều, ngoài cha mẹ ra, còn có một nguyên nhân sâu xa nữa mà chúng ta quên nhắc đến, đó là guồng quay giáo dục của xã hội nước ta.

Làm cha mẹ, ai chẳng mong con cái giỏi giang, thành đạt. Con thành công thì cuộc đời con sẽ hưởng sung sướng hạnh phúc trước tiên, rồi đến làm "nở mày nở mặt" cho cha mẹ, thậm chí cho cả dòng họ. 

Nhưng chúng ta không nên đánh đồng hoàn toàn về phía gia đình học sinh, không phải gia đình nào cũng tạo gánh nặng, tạo áp lực cho con em mình như thế.

Vợ chồng chị gái tôi thuộc tầng lớp lao động chân tay bình thường. Anh làm thợ mộc còn chị buôn bán. Năm ngoái đứa con đầu của anh chị vào lớp 10 một trường có tiếng của thành phố. 

Lúc đầu cháu có ý đinh thi vào trường Quốc Học Huế - một ngôi trường danh giá, nhưng sau lại thôi. Nhưng giờ cháu cũng học một ngôi trường tốt: Trường THPT Nguyễn Huệ.

Anh chị không hề ép con học tập. Tư tưởng của anh chị rất rõ: con học giỏi thì tốt mà nếu không thì khá cũng được, còn nếu không học nổi thì chuyển sang học nghề. 

Một điều may mắn với anh chị là con bé này chăm chỉ từ nhỏ, con bé thích học đến lạ. Hồi cấp hai, nó học Trường Nguyễn Tri Phương, thỉnh thoảng cháu có gọi điện hỏi bài vở tôi và bảo: "Dì ơi, nếu con ở lớp mà sức học yếu, thua các bạn thì sẽ bị tẩy chay, không ai làm bạn với con cả. 

Trong lớp con bạn nào cũng học giỏi. Có nhiều bạn giỏi kinh khủng luôn. Con chỉ cần lơ là vài hôm là con sẽ bơi luôn trong bể kiến thức. Nên con phải học để theo kịp các bạn và để có bạn chơi với con dì ạ". 

Cháu học thêm nhiều nơi, đi học mà như chạy sô vậy. Tôi nghe mà thương và thông cảm cho cháu quá. Bây giờ cũng vậy, kết thúc học kì một của năm học lớp 11, con bé xếp vị thứ hai về thành tích học tập.

Tôi nghe mà nể phục nó quá. Nhưng lại lo cho cháu vì theo lời chị gái tôi kể thì con bé chỉ biết học và học, nó tự nhốt mình trong phòng cả ngày lẫn đêm. Ngoài những buổi đi học ở trường, học thêm đến chín mười giờ đêm mới về đến nhà. 

Có những môn học con bé phải tự chạy xe điện đi mặc dù đường rất xa, trong khi bố mẹ phải đi làm việc, không có thời gian đưa đón. Cả năm trời tôi không thấy mặt con bé đâu mặc dù tôi hay ghé thăm nhà chị gái.

Tôi bảo chị cần tâm sự và quan tâm tới cô con gái này nhiều hơn vì biết rằng đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lí và bảo chị đừng tạo áp lực học tập cho cháu, cứ để con thích ngành gì thì cứ để con lựa chọn.

Chị nói bao năm qua chị chưa một lần yêu cầu hay đòi hỏi gì này nọ với con về việc học. Thế nhưng con bé tự sinh tâm ý tứ và đã có mục đích, ước mơ hoài bão riêng cho mình. Cháu thường nói: "Sau này thành công, cuộc sống của cháu sẽ thay đổi chứ không khổ như bố mẹ nữa".

Tôi chia sẻ chuyện của cháu mình để cho thấy không phải cha mẹ nào cũng tạo áp lực cho con mà có những đứa con tự ý thức về vai trò trách nhiệm của bản thân. 

Cũng có khi do môi trường xã hội đề cao việc học một cách thái quá nên các con cũng phải như thế. Khi đã nằm trong trong guồng thì mỗi học sinh phải quay theo guồng quay đó, không thể bứt ra được.

Làm gì để giảm áp lực cho các con? Theo tôi, đã đến lúc xa hội cần thay đổi tư tưởng chỉ có học tập mới dẫn đến thành công mà hãy nhìn nhận vào khả năng vốn có của mỗi cá nhân.

Mỗi con người có một thế mạnh, có một đam mê, một hoài bão riêng. Hãy tôn trọng các con và để các con sống với chính đam mê, hoài bão đó. 

Những nhà giáo dục, cha mẹ hãy định hướng, động viên, hỗ trợ, hãy là nguồn động lực để con em đạt ước mơ chứ đừng giết chết ước mơ của các con.

'Nó học giỏi môn toán sao lại bị điểm 1 hả các cháu?'

TTO - Bao năm rồi, tôi vẫn nhớ gương mặt mếu máo và câu hỏi của mẹ bạn: "Nó học giỏi môn toán tại sao lại bị điểm 1 hả các cháu? Sao nó lại tự tử chỉ vì điểm 1?".

TIÊU NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên