15/07/2015 13:03 GMT+7

Cha mẹ hãy biết đòi hỏi con nhiều hơn

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Lâu nay dư luận thường có định kiến cho rằng những đứa trẻ con nhà khá giả thường dễ sinh hư vì được cha mẹ dung túng, nuông chiều.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Nhưng một bộ phận không nhỏ trẻ hư hiện nay lại xuất thân từ những gia đình kinh tế không hề dư dả, bởi tâm lý “muốn bù đắp” cho con của nhiều bậc phụ huynh.

H. - chị bạn làm kế toán cho một cơ quan của bộ X - từng là đứa trẻ bị mẹ đẻ hắt hủi suốt những năm tháng tuổi thơ. Cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác và có thêm hai con với cha dượng, chị một mình bươn chải học hành, ra trường rồi vào Nam lập nghiệp. Số phận nghiệt ngã không buông tha chị khi người chồng đầu tiên chẳng may gặp tai nạn qua đời. Chị một mình nuôi đứa con trai và sau đó đi bước nữa với người chồng hiện tại.

Chị bảo chẳng khổ nhục nào trên đời chưa từng trải nên giờ đây, khi cuộc sống đã bớt khó khăn, chị muốn dành mọi bù đắp của đời mình cho con. Đứa con trai với người chồng sau năm nay lên 8 tuổi được chị nuông theo mọi ý thích.

Thằng bé cứ đi học về lại lục lọi đồ ăn và dán mắt vào tivi, chơi điện tử. Bé to béo và ngày càng tăng cân. Hằng ngày chị còn cho con tiền ra chơi game ngoài quán. Có lúc chơi ở quán chưa đã, cậu bé về nhà chơi tiếp, tốc độ mạng Internet ở nhà không nhanh bằng ngoài quán, cậu nổi khùng vung tay đấm vỡ cả màn hình máy tính. Chị cũng không nói gì, chỉ im lặng bất lực.

Một đồng nghiệp tên Y. ở cơ quan tôi cũng rơi vào hoàn cảnh chồng mất sớm, khi con trai đầu lòng chưa qua lứa tuổi nằm nôi. Thương con, chị dồn mọi yêu thương chăm chút con để bù đắp nỗi mất mát thiếu cha. Chị không bắt con làm gì, chỉ một mực mong con ngoan ngoãn, học giỏi. Là nhân viên lao công ở cơ quan, chị thức khuya dậy sớm mỗi ngày, đầu tắt mặt tối để có đồng ra đồng vào lo cho ba đứa con của cả hai người chồng trước và sau.

Hôm rồi thấy chị Y. buồn bã kể con trai bị trượt mất mấy môn thi cuối năm lớp 10 và đang phải ôn tập để thi lại. Nếu thi lại vẫn không qua cháu sẽ bị đúp. Thế là cứ tầm giữa buổi, ngày nào cũng vậy, dù đang dở việc gì đi nữa chị vẫn phải tạm ngưng để gọi điện về nhà giục thằng bé thức dậy lo ăn uống rồi đi học.

Chị Y. than thở cũng là cảnh mẹ góa con côi mà sao nhà chị không được bằng nhà chị N. ở cùng cơ quan. Chị ấy có ba đứa con và cũng một thân một mình nuôi dạy con. Vậy mà chị cứ đi làm về là các con ùa ra, đứa dắt xe, đứa xách túi, đứa lấy nước đưa mẹ hỏi han... Chị Y. bảo cứ nghĩ vậy mà thèm.

Việc yêu thương con vô điều kiện với quan niệm bù đắp những thiệt thòi, khổ sở mà trẻ phải trải qua có thật sự là tình yêu thương của cha mẹ không? Hay đó chỉ là sự “tự yêu mình” của họ? Khi đáp ứng tất tật các nhu cầu của con (kể cả vô lý), phải chăng sự "tự yêu mình" của các ông bố, bà mẹ cũng được vuốt ve, thỏa mãn vì tưởng như mình đã hoàn thành trách nhiệm với con cái?

Tôi có người bạn sớm thành đạt trong hội họa. Từ những năm 1990, anh bán được khá nhiều tranh và mau chóng gầy dựng nền kinh tế gia đình vững vàng, sung túc. Những năm đó, anh thừa điều kiện để mua xe máy cho các con đi học, nhưng vẫn để chúng hằng ngày đạp xe tới lớp.

Tới nay bất kể việc cha mẹ đang có khoản gia sản sung túc, con gái anh vẫn không hề phải nhờ vả cha mẹ, cô tự tin điều hành một hãng tư vấn luật cho doanh nhân nước ngoài tại TP.HCM với lợi nhuận vài tỉ đồng mỗi năm.

Anh bảo khi giàu có thương con theo cách phải tự kiểm soát, tự kiềm chế mình trong việc đáp ứng nhu cầu của con cũng là việc cực kỳ khó. Nếu nghĩ đơn giản là mình mua được cho con xe máy, trong lúc nhiều gia đình khác thậm chí còn không có xe đạp để đi thì cũng “oai” lắm chứ, và rõ ràng là “thương con” kiểu này phù hợp theo quan điểm của nhiều người.

Nhưng đó thật sự là hại con khi ngay từ lúc chúng còn ngây thơ, trong sáng, mình đã tiêm vào đầu con những tư tưởng ích kỷ, tự đắc hơn người, và tự nhiên hưởng thụ những thành quả lao động của cha mẹ mà không hề băn khoăn vì sao chúng có.

Nên dè sẻn bớt tình yêu thương...

Có lẽ ở bất cứ gia đình nào cũng vậy, dù giàu sang hay nghèo khó, các bậc cha mẹ cũng nên dè sẻn bớt tình yêu thương vô bờ bến của mình để đòi hỏi con nhiều hơn nữa. Hãy để trẻ hiểu rằng mọi thành quả trên đời có được phải từ đôi tay lao động, phải từ sự nỗ lực phấn đấu học hành, rèn luyện.

Không có gì dễ dàng hay tự nhiên mà có, “đến xỏ một cây kim còn mất thời gian nữa là…”, như lời các cụ xưa đã dạy. Khi trẻ biết trân quý những gì chúng có được, dù là một mái nhà che mưa nắng, một cuốn vở mới, một bộ quần áo đồng phục hay to tát hơn là một cơ hội xuất phát tốt từ nền tảng gia đình vững chắc, hãy tin là chúng sẽ không hành xử thiếu trách nhiệm và vô ơn với những bậc sinh thành và rộng hơn là với xã hội, đất nước.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên