Cựu chủ tịch kiêm đồng sáng lập Intel Gordon Moore qua đời ngày 24-3 tại nhà riêng ở Hawaii (Mỹ) bên cạnh những người thân trong gia đình.
"Ông Gordon Moore đã định nghĩa ngành công nghệ thông qua tầm nhìn sâu sắc của ông ấy. Ông là người có công trong việc cho thấy sức mạnh của bóng bán dẫn, đồng thời truyền cảm hứng cho các chuyên gia công nghệ và doanh nhân trong nhiều thập kỷ qua.
Tại Intel, chúng tôi vẫn lấy cảm hứng từ Định luật Moore và sẽ theo đuổi nó cho đến khi hết bảng tuần hoàn", Giám đốc điều hành (CEO) Intel Pat Gelsinger nêu cảm tưởng trong thông cáo báo chí ngày 25-3.
Theo báo New York Times, cùng với một số đồng nghiệp, ông Moore sẽ được ghi công vì đã góp phần mang máy tính xách tay đến hàng trăm triệu người.
Ngoài ra, ông còn giúp đưa bộ vi xử lý vào mọi thứ, từ cân sức khỏe trong phòng tắm, máy nướng bánh mì và xe cứu hỏa đồ chơi cho đến điện thoại di động, ô tô và máy bay phản lực.
Ngã rẽ bất ngờ
Ông Moore, người từng muốn trở thành giáo viên nhưng không thể kiếm được việc làm trong ngành giáo dục, tự nhận mình là một doanh nhân tình cờ.
Năm 1956, ông Moore cùng bảy người khác tham gia nhóm nhà nghiên cứu từng đạt giải thưởng Nobel William Shockley với mục tiêu phát triển và sản xuất thiết bị bán dẫn mới.
Tuy nhiên, vì sự độc đoán của ông Shockley, cả tám người đã rời Công ty Shockley Semiconductor để góp vốn thành lập Fairchild Semiconductor. Tức giận vì sự ra đi này, Shockley gọi họ là "tám kẻ phản bội".
Nhờ đầu tư 500 USD vào Fairchild Semiconductor còn non trẻ, Moore trở nên giàu có và thành công. Công ty sau này mở đường cho những tập đoàn như Intel và AMD thống trị thế giới, đặt nền tảng cho sự ra đời của Thung lũng Silicon.
Sau khi rời Fairchild Semiconductor, ông Moore cùng đồng nghiệp Robert Noyce thành lập Intel. Dựa trên lý thuyết sau này gọi là "Định luật Moore", Intel đã bành trướng và trở thành tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Định luật Moore là gì?
Năm 1963, khi còn ở Fairchild Semiconductor, ông Moore đã viết một chương sách mô tả những gì sẽ trở thành tiền thân của định luật nổi tiếng cùng tên.
Trong đó, ông dự đoán rằng số lượng bóng bán dẫn có thể được đặt trên một con chip silicon sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm trong khi lượng điện tiêu thụ lại giảm. Điều đó làm tăng sức mạnh xử lý dữ liệu của máy tính theo cấp số nhân.
Sau đó, ông bổ sung thêm hai hệ quả: Công nghệ phát triển sẽ khiến việc chế tạo máy tính ngày càng đắt đỏ hơn, nhưng người tiêu dùng sẽ ngày càng phải trả ít tiền hơn cho chúng vì có rất nhiều chiếc sẽ được bán. Định luật Moore đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Với bộ vi xử lý silicon, giữa những năm 1980, Intel đã giúp các nhà sản xuất Mỹ giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xử lý dữ liệu máy tính từ tay các đối thủ Nhật Bản đáng gờm.
Đến những năm 1990, Intel đã đưa bộ vi xử lý của mình vào 80% máy tính được sản xuất trên toàn thế giới, trở thành công ty bán dẫn thành công nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên theo New York Times, Định luật Moore chắc chắn sẽ đi đến hồi kết, khi các kỹ sư gặp phải một số giới hạn vật lý cơ bản, cũng như chi phí xây dựng nhà máy cực cao để đạt được cấp độ thu nhỏ tiếp theo. Và trong những năm gần đây, tốc độ thu nhỏ đã chậm lại.
Bản thân ông Moore thỉnh thoảng cũng nhận xét về kết cục tất yếu của Định luật Moore. "Nó không thể tiếp tục mãi", ông nhận xét trong cuộc phỏng vấn năm 2005 với tạp chí Techworld.
Cho đi khi còn sống
Khi sự giàu có ngày càng tăng, ông Moore cũng trở thành một nhân vật quan trọng trong hoạt động từ thiện.
Năm 2001, ông và vợ thành lập Quỹ Gordon và Betty Moore với số tiền quyên góp 175 triệu cổ phiếu Intel.
Năm 2001, họ quyên góp 600 triệu USD cho Viện Công nghệ California. Đây là món quà lớn nhất cho một tổ chức giáo dục đại học vào thời điểm đó. Tài sản của quỹ hiện vượt quá 8 tỉ USD và đã cho đi hơn 5 tỉ USD kể từ khi thành lập.
Trong các cuộc phỏng vấn, ông Moore đặc biệt khiêm tốn về những thành tựu của mình, đặc biệt những tiến bộ kỹ thuật dựa trên Định luật Moore.
"Những gì tôi có thể thấy là các thiết bị bán dẫn sẽ là cách mà các thiết bị điện tử trở nên rẻ. Đó là thông điệp mà tôi đang cố gắng truyền đạt", ông nói với nhà báo Michael Malone vào năm 2000.
"Hóa ra đó là một dự đoán chính xác đến kinh ngạc - chính xác hơn rất nhiều so với những gì tôi từng tưởng tượng", ông khiêm tốn trả lời.
Dự đoán của ông có độ tin cậy đến mức các công ty công nghệ đã dựa trên giả định đó để xây dựng chiến lược sản phẩm của họ, rằng Định luật Moore sẽ đúng.
"Đó là di sản của ông ấy", ông Arthur Rock, một nhà đầu tư ban đầu của Intel và là bạn của ông Moore, nói. "Đó không phải là Intel. Đó không phải là Quỹ Moore. Đó là cụm từ: Định luật Moore".
"Ký ức về ông sẽ sống mãi"
Đó là chia sẻ của CEO Intel Pat Gelsinger về người đồng sáng lập tập đoàn ngày 25-3. Trong đó ông nhấn mạnh di sản của ông Moore đã thay đổi cuộc sống của mọi người trên hành tinh.
"Mặc dù ông ấy chưa bao giờ khao khát trở thành một người mà mọi gia đình đều biết đến, nhưng tầm nhìn của Moore và sự nghiệp của ông đã tạo ra sự đổi mới phi thường và những phát triển công nghệ định hình cuộc sống hằng ngày của chúng ta" - ông Harvey Fineberg, chủ tịch của Quỹ Gordon và Betty Moore, chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận