Trao đổi với Tuổi Trẻ về sự chuyển đổi hình thức thi tuyển sinh ĐH sắp tới, GS Bành Tiến Long - người được mệnh danh là “cha đẻ” của “ba chung”- chia sẻ:
Hết "ba chung" lại "ba riêng": liệu có bát nháo?“Ba chung” đáng lý phải cáo chung từ lâu
GS Bành Tiến Long - Ảnh: Việt Dũng |
- Mục tiêu ban đầu của “ba chung” là để giải quyết một số vấn đề cơ bản bất cập trong tuyển sinh riêng của các trường lúc bấy giờ, nhất là việc bảo đảm được kỷ cương trong thi cử, điều mà trước “ba chung” đang vô cùng nhức nhối. Dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực trong thi cử nổi cộm lên khi mỗi trường tuyển sinh riêng.
Thực tế, “ba chung” đã đạt được mục tiêu, đồng thời tạo nên sự công bằng, “cơ chế mở” và sự cạnh tranh sòng phẳng, một “sân chơi” bình đẳng cho mỗi thí sinh. Thi chung cũng giúp lập lại “trật tự xếp hạng” khá khách quan và tự nhiên trong hệ thống giáo dục ĐH về chất lượng đầu vào của sinh viên, vẽ nên một “bức tranh” tổng thể về hệ thống.
Theo kế hoạch ban đầu, Đề án cải tiến tuyển sinh “ba chung” được thực hiện trong giai đoạn 2002-2007. Theo thông lệ của một cơ quan quản lý nhà nước, sau giai đoạn này sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và quyết định phương án tuyển sinh tiếp theo. Song vì có nhiều ưu điểm, được xã hội chấp nhận, phương thức này vẫn được duy trì cho đến nay.
Lịch sử phát triển luôn có sự tiến hóa. Giáo dục ĐH nói chung, tuyển sinh nói riêng, cũng cần có sự đổi mới và một phương án mới thay cho một phương án cũ thì phải tốt hơn, tiến bộ hơn.
* Kinh nghiệm nào của thời “ba chung” có thể vận dụng cho tuyển sinh riêng tới đây của các trường, thưa GS?
- GS Bành Tiến Long: Ngoài việc phải thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH để các trường ĐH tự chủ tuyển sinh thì tất cả các kinh nghiệm tốt của thời kỳ “ba chung” cần được duy trì: chất lượng đề thi, tính kỷ cương trong công tác tổ chức thi, chấm thi, thanh tra, giám sát và tính minh bạch trong xét tuyển.
Vấn đề dạy thêm, học thêm, luyện thi… cũng phải được kiểm soát, không để “hỗn loạn”. Những năm 2007-2008, Bộ cũng đã xây dựng Đề án “một kỳ thi quốc gia” để làm nhiệm vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhưng vì một số lý do mà Đề án không được tiếp tục. Điều đặc biệt quan tâm vẫn là kỷ cương trong thi cử, tuyển sinh.
* Trở lại tuyển sinh riêng ở giai đoạn này, theo GS, đã thực sự phù hợp chưa? Cần thiết có những cơ chế giám sát ra sao để tránh những tiêu cực có thể xảy ra như tình trạng trước đây các trường tự tổ chức tuyển sinh, thưa GS?
- GS Bành Tiến Long: Câu hỏi “trở lại tuyển sinh riêng ở giai đoạn này đã thực sự phù hợp hay chưa” thì nên để các trường trả lời. Tôi cho rằng lúc nào cũng phù hợp, vấn đề là mục tiêu của công tác tuyển sinh phục vụ tạo nguồn đào tạo của các trường và việc quản lý giáo dục của hệ thống giáo dục có đạt được hay không.
Thuận lợi lớn nhất chính là thực hiện tính tự chủ của các trường ĐH và thực hiện được Luật Giáo dục ĐH. Sẽ có nhiều khó khăn trong bảo đảm chất lượng đề thi, lựa chọn phương án tuyển sinh thích hợp và khả thi… Vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo kỷ cương trong thi cử khi có nhiều yếu tố tiêu cực tác động vào giáo dục.
Giao các trường tự tổ chức tuyển sinh riêng thì cơ chế giám sát duy nhất của nhà nước là các văn bản pháp quy và các đoàn thanh tra, kiểm tra. Điều đặc biệt cần chú ý là tính “tự chịu trách nhiệm” của các trường. Thực ra, chỉ riêng bảo đảm chất lượng đề thi cũng đã đảm bảo được 50% hoặc trên 50% cơ chế giám sát.
Khi các trường tổ chức thi riêng, tự ra đề, tự làm công tác tuyển sinh, cũng không nên đòi hỏi “đồng mức” ở mọi yêu cầu. Tất yếu một vài năm đầu có thể khó khăn, nhưng dần dần sẽ khắc phục được.
* Khi thực hiện tuyển sinh riêng, điều khiến các trường “ngại” chính là khâu ra đề. Bản thân “ba chung” cũng có những năm có sai sót về đề thi. Theo GS, đề thi cho các trường sẽ phải đảm bảo yếu tố nào là quan trọng nhất?
- GS Bành Tiến Long: Đề thi đúng sẽ là khâu khó khăn không nhỏ đối với các trường. Chỉ những người đã làm công tác này thì mới thấy cặn kẽ thách thức của nó. Yêu cầu đầu tiên là đề thi phải đúng nội dung học sinh đã được học, đánh giá đúng năng lực thí sinh theo hướng tuyển chọn của trường, không được sai sót, phân loại tốt để chọn đúng người và đảm bảo công bằng. Đề thi phải đảm bảo bí mật tuyệt đối.
Với quy mô đào tạo lớn như hiện nay, phương án tuyển sinh kết hợp thi tuyển với phỏng vấn chỉ thích hợp cho một số chương trình tiên tiến, tài năng, chất lượng cao. Khi đó phải lưu ý lực lượng đội ngũ giảng viên tham gia phỏng vấn, tính khách quan và thang điểm đánh giá khi phỏng vấn là một vấn đề.
* Bộ GD-ĐT đưa ra phương án một nhóm trường có thể thực hiện theo một phương án tuyển sinh, chung đề, chung đợt, chung kết quả. Theo cách này, có thể hình thành nhiều nhóm ba chung. GS đánh giá thế nào về ý tưởng này?
- GS Bành Tiến Long: Đây là một ý tưởng khá hay, giống như tổ chức của một số trung tâm khảo thí độc lập chuyên trách mà một số nước tiên tiến đang làm. Một số công việc tuyển sinh trước đây Bộ đang làm thì chuyển cho các “nhóm trường” thực hiện tùy theo hướng đào tạo, vị trí địa lý, năng lực tổ chức thực hiện...
Những kinh nghiệm trước đây của “ba chung” có thể đễ dàng được tiếp tục. Các trường trong “nhóm trường” có thể hỗ trợ nhau. Tuy nhiên trường “chủ trì” của “nhóm” sẽ gánh nhiệm vụ hết sức năng nề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận