Cầu Thuận An sau khi hình thành không chỉ nối liền khoảng cách địa lý giữa hai vùng đất vốn trước đây bị chia cắt, mà còn là cây cầu động lực, giúp thành phố Huế trực thuộc trung ương phát triển kinh tế về hướng biển theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Câu chuyện của người hiến đất
Những ngày cuối năm, nắng xuân vàng ươm trải dài trên các con đường xứ Huế. Trên công trình thi công cầu Thuận An ở cửa biển, những người công nhân nai nịt bảo hộ gọn gàng vẫn đang nỗ lực thi công hai nhịp cầu cuối cùng chuẩn bị cho sự kiện hợp long vào đầu năm 2025.
Cây cầu dài hơn 2,2 km này sẽ nối liền đôi bờ xã Hải Dương và phường Thuận An của quận Thuận Hóa (thành phố Huế).
Bên dưới đoàn kè biển thuộc địa phận xã Hải Dương, từng con sóng vẫn xô bờ rả rích. Một người đàn ông trạc tuổi thất tuần, tóc bạc trắng chậm rãi bước trên con đường bên dưới chân cầu, mắt hướng lên những trụ bê tông sừng sững trước cửa biển.
Người đàn ông ấy tên là Phan Nản (người làng Thai Dương Thượng thượng giáp, xã Hải Dương, quận Thuận Hóa). Ba năm nay, gần như ngày nào ông Nản cũng ra nơi cửa biển để ngắm nhìn cây cầu đang dần thành hình. Ông trông đợi bởi chính cây cầu này đã và sẽ làm thay việc của chính ông trong nay mai.
Bắt đầu câu chuyện của chính mình, ông Nản nói rằng phải khởi nguồn từ lịch sử của ngôi làng ông - làng Thai Dương Thượng.
Theo lời ông, hàng trăm năm trước vốn dĩ Thuận An và Hải Dương là một dải đất nối liền nhau và là ngôi làng cổ, có tuổi đời cả trăm năm dưới thời Nguyễn.
Đến năm 1904, một trận lũ lớn ập xuống. Nước từ thượng nguồn đổ về xé toạc ngôi làng. Làng Thai Dương Thượng bị chia cắt từ đó, trở thành làng Thai Dương Thượng thượng giáp (phường Thuận An) và làng Thai Dương Thượng hạ giáp (xã Hải Dương).
Hơn 20 năm về trước, ông Nản cùng cha làm nghề đưa đò ngang từ Hải Dương qua Thuận An và nó là phương tiện duy nhất giúp người dân 2 làng đến được với nhau.
Sau này khi cầu Tam Giang được xây dựng, người đi đò cùng ít dần nên ông Nản gác mái chèo nghỉ ngơi, tìm về cửa Thuận nuôi trồng tôm cua đặc sản vùng đầm phá.
"Dù có cầu Tam Giang, nhưng mỗi lần về thăm quê ở bờ bên kia, dân chúng tôi phải đi đường vòng cách xa cả mười cây số. Một cây cầu bắc qua cửa biển, nối liền xã Hải Dương và phường Thuận An là niềm mong mỏi của người dân bấy lâu nay", ông Nản kể.
Chính vì vậy, khi nghe chính quyền thông báo về việc thu hồi đất để xây cầu Thuận An, ông Nản chẳng ngần ngại mà hiến tặng hơn 2.000 mét đất ao tôm của mình cho dự án.
Tiến độ gấp rút từ ngày
Trời Huế cuối năm như một cô gái mới lớn, ẩm ương lúc nắng lúc mưa. Trời vừa đang nắng ấm, thì bất chợ một đợt không khí lạnh lại ập về khiến mây đen, gió rít nổi lên cuồn cuộn nơi cửa biển.
Tôi tin chắc rằng sau khi hoàn thành, cầu Thuận An và tuyến đường bộ ven biển đã được quy hoạch, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế ven biển của Huế. Đây sẽ là cây cầu động lực giúp thành phố Huế phát triển mạnh về hướng đông theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị
Trên công trường thi công cầu Thuận An gió rít quần quật, thế nhưng những người thợ thi công cầu của Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương vẫn đội mưa để đổ bê tông nối nhịp cầu số 18.
Để hoàn thiện kịp tiến độ đề ra, những người đi "nối nhịp bờ vui" ấy đã liên tục chia ca làm xuyên suốt 24h để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước sự kiện hợp long câu vào đấu tháng 3 năm nay.
Dẫu khuôn mặt tái đi vì lạnh, nhưng anh Lê Văn Dũng (46 tuổi, cán bộ kỹ thuật) vẫn không rời mắt khỏi ống đổ bê tông tưới xuống khung sắt thép kiên cố trên mặt cầu.
Khi mẻ bê tông đã lấp đầy những khung thép, Dũng vội ra hiệu dừng lại. Lập tức một nhóm công nhân tay cầm máy đầm lao vào san đều mẻ bê tông. Mọi công việc được thực hiện thuần thục.
Dũng là một cán bộ kỹ thuật giỏi của Tập đoàn Đạt Phương, từng tham gia xây dựng cầu Trường Hải và cầu Trà Bồng (Quảng Ngãi). Thế nhưng khi biết mình được phân công về thi công cầu Thuận An, trong lòng Dũng dậy lên một cảm xúc khó tả.
Cây cầu của động lực phát triển
Anh Lê Trung Hiếu, phó giám đốc Ban điều hành dự án cầu Thuận An, cho biết hiện nay khối lượng xây dựng cầu Thuận An đã đạt gần 90%. Dự kiến cây cầu sẽ hợp long vào đầu tháng 3 năm nay và sẽ khánh thành vào đúng 50 năm ngày giải phóng quê hương 26-3.
Để xây dựng cây cầu này, hơn 130 cán bộ kỹ sư và công nhân của Tập đoàn Đạt Phương đã liên tục thi công 3 ca mỗi ngày trong suốt 3 năm qua nhằm đưa công trình về đích đúng tiến độ, bất chấp sự bất lợi của thời tiết.
"Với tinh thần vượt nắng thắng mưa, chúng tôi sẽ sớm đưa cây cầu về đích đúng tiến độ nhằm phục vụ người dân cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng ven biển của thành phố Huế - thành phố trực thuộc trung ương", anh Hiếu nói.
Cầu Thuận An thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển Thừa Thiên Huế được khởi công vào ngày 26-3-2022 với mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng.
Trong đó riêng hạng mục cầu Thuận An (giai đoạn 1) là 2.400 tỉ đồng bao gồm mặt cầu dài hơn 2,36 km.
Hạng mục khó nhất được đánh giá là hai trụ chính T27 và T26 nằm trên mặt biển, với độ cao đảm bảo khổ thông thuyền 39m để tàu trọng tải hơn 5.000 tấn ra vào cảng Thuận An an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận