![]() |
Gia tăng nhịp điệu cuộc sống hiện đại khiến cho các cấu trúc nền tảng của gia đình Việt Nam có những thay đổi chưa từng có từ truyền thống, phong cách ứng xử, tới tình trạng tăng tỷ lệ ly hôn, giảm tỷ lệ kết hôn.
Đặc biệt, phụ nữ ngày càng tỏ ra là lao động chính trong nhiều gia đình, làm đảo lộn các quan hệ bền vững hàng ngàn năm. Cảnh “gà trống nuôi con” bây giờ thường mang những nguyên nhân kinh tế.
Những thay đổi này là thách thức với mô hình gia đình truyền thống, có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống gia đình, bất chấp việc mức sống đang ngày một tăng lên.
Theo kết quả điều tra được công bố ngày 18-8-2005, 10 năm qua, quy mô gia đình Việt Nam giảm 0,4 người, từ 4,8 người xuống còn 4,4 người/gia đình. So với thành thị, quy mô gia đình nông thôn nhiều hơn 0,2 người. Trong khi đó, Tây Bắc và Tây Nguyên vẫn là hai vùng có quy mô gia đình lớn nhất, 5,1 người/hộ... |
Một trong những phát hiện đáng chú ý của điều tra được công bố tại hội thảo ngày 18/8/2005 ở Hà Nội, là tác động của nhịp sống công nghiệp đến gia đình Việt Nam.
Một gia đình Hà Nội gốc ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, có gần hai chục thành viên thuộc ba thế hệ và là tập hợp bốn tiểu gia đình của bốn anh em ruột. Họ đều có vợ, con và trên họ là bà mẹ tuổi thất thập. Cả nhà vẫn ăn chung mâm, giặt chung bể nước giữa sân tự thuở nào. Người cha qua đời cách đây mấy năm làm cho anh em cố kết với nhau hơn.
Nhưng từ khi kinh tế thị trường nở rộ cuối thập niên 90, cuộc sống thay đổi nhẹn. Cả nhà còn miếng đất 200m2 sát đường L.Q., trước đây chẳng ai muốn giành. Nay tình thế mới khiến họ đi đến quyết định cho một người bà con xa thuê.
Rồi từ chỗ cả nhà 30 năm mới có nổi một tivi tối tối quây quần bên nhau đến chỗ mỗi tiểu gia đình giờ đây có mỗi chiếc và cảnh quần tụ hầu như không còn nữa.
“Sáng kiến” phân chia được sự đồng tình gần như tuyệt đối của bốn người con dâu. Con dâu mỗi người mỗi tính khởi xướng việc “du nhập” cách nghĩ thị trường khi dãy nhà ba gian lợp ngói fibro xi măng sát ngõ cho người ngoại tỉnh thuê. Mỗi tiểu gia đình cũng bắt đầu có những toan tính riêng và điều này cũng xuất phát từ “các bà”.
Mấy anh em chủ nhà từ ngày bán một phần đất lấy tiền xây nhà, lưng vốn còn lại là nghề nghiệp không ổn định, thu nhập còi và phập phù. Quyền lực trong gia đình chuyển sang “các bà” lúc nào không hay.
Mâm cơm chung đại gia đình trở thành nơi chứng kiến của những “bằng mặt mà không bằng lòng” lúc nào không hay. Xong bữa, lấy cớ mỗi nhà có mỗi tivi, ai về nhà nấy. Bà mẹ chồng trở nên cô đơn từ sáng đến tối. “Tôi mà chết là “tan” hết. Thay đổi nhanh quá, chóng cả mặt”, bà cụ tâm sự.
Đấy là chuyện ở một gia đình “nền tính” có tiếng đất Kẻ Chợ. Nhiều gia đình khác, xu thế “phân cực” do nhịp điệu cuộc sống quá nhanh còn tệ hơn. TS Vũ Tuấn Huy, nhà xã hội học, thừa nhận một bộ phận gia đình VN hiện nay có mối quan hệ giữa các thế hệ, các thành viên ngày càng lỏng lẻo.
Sống nhanh, nhất là ở những người trẻ tuổi, khiến các thành viên trong gia đình có xu hướng cá nhân hóa, gia tăng khoảng cách giữa các thế hệ. Đặc biệt, gánh nặng gia đình dường như chuyển dần sang phụ nữ và xu hướng này thể hiện cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Sự quan tâm chia sẻ lẫn nhau, giá trị căn bản nhất của gia đình VN, bị bào mòn dần. “Không hiểu biết và chia sẻ với nhau, những mặt trái của xã hội rất dễ thâm nhập vào gia đình”, PGS.TS Vũ Dũng, Viện trưởng Viện Tâm lý Việt Nam, cảnh báo, “Thiếu sự quan tâm của gia đình, tôi thấy nhiều thanh thiếu niên bị cuốn hút vào các hoạt động mà cha mẹ không kiểm soát nổi. Tụ tập đua xe máy, hát karaoke, đến vũ trường, đánh bạc, hút sách, chè chén, nhậu nhẹt. Có em sa vào trộm cắp, cướp giật khi thiếu tiền”.
Tại diễn đàn cấp Bộ trưởng về gia đình khu vực Đông Á tổ chức ở Hà Nội mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm chỉ ra những thách thức mà VN phải đối mặt khi chuyển sang thị trường và hội nhập.
Liên quan đến gia đình, Phó Thủ tướng lo ngại, sự gia tốc các hoạt động kinh tế xã hội làm cho các gia đình hai thế hệ chiếm tỷ lệ cao và làm hạn chế khả năng gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Nhịp sống hối hả, khác xa với nhịp độ chậm chạp hàng nghìn năm qua, cũng làm xuất hiện những hình thức chung sống không theo chuẩn mực truyền thống (độc thân, sinh con ngoài ý muốn, chung sống không kết hôn, nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có con).
Rồi lối sống công nghiệp tạo nên tính độc lập cao của các thành viên trong gia đình và gây nên những mâu thuẫn, ly hôn. Thiếu sự quan tâm cha mẹ trong nhịp sống hối hả, trẻ em có nguy cơ bị tấn công bởi các tệ nạn xã hội. Đấy là chưa kể sự phân hóa giàu nghèo giữa các gia đình, giữa nông thôn với thành thị, gây bất bình đẳng về mức thụ hưởng văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội khác.
Hãy sống chậm lại
30-50 năm nữa, xã hội Việt Nam sẽ ra sao thông qua lăng kính các gia đình Việt Nam thời hội nhập? Có nên tìm ra những gia đình kiểu mẫu (cái mà lâu nay chúng ta vốn hay áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác với tên gọi “mô hình”, “điển hình tiên tiến”) để các gia đình khác noi theo hay không?
Theo TS. Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học, vấn đề không phải là đi tìm những khuôn mẫu hay mô hình mà là phải tìm mẫu số chung trong gia đình VN. “Để có được gia đình bền vững, các thành viên trong gia đình phải thực sự hiểu biết và chia sẻ với nhau”, TS Đính nói, “Sợi dây tình cảm ràng buộc các thành viên cùng nhau xây dựng nên gia đình hạnh phúc là yếu tố hàng đầu phải gìn giữ. Và việc đầu tiên là chúng ta phải học cách sống chậm lại, cố gắng giảm nhịp sống công nghiệp mà chính các nước đi trước đang cho là bài học cay đắng”.
Tư tưởng đó, TS Đính đề nghị cần được thể hiện trong quá trình bổ sung sửa đổi những bộ luật liên quan tới gia đình như Luật Hôn nhân&Gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc & giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Dân số...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận