11/10/2016 10:16 GMT+7

Câu like kiểu đi đốt trường: Đừng sống ảo rồi ra đời làm bậy

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Một thanh niên tuyên bố tự thiêu sau khi đủ 40.000 lượt like, một thanh niên khác hứa sẽ ăn...phân của chính mình, có người xin đủ like sẽ trần truồng khoe thân chạy 7 vòng sân trường, rồi đủ like sẽ đốt trường...thật đáng lên án lối sống này.

Status Việt Nam nói là làm của một thanh niên trên facebook
Status Việt Nam nói là làm của một thanh niên trên Facebook

Hàng ngàn bạn đọc phản ứng dữ dội kiểu "Việt Nam nói là làm" này. Trào lưu sống ảo trên mạng đã ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng mọi người có thể sống ảo nhưng không được phép ra đời làm bậy. "Anh sống ảo nhưng đã có hành vi gây ảnh hưởng đến xã hội thì rất cần các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Cần trừng phạt nặng những người có hành vi kiểu này vì tội gây rối trật tự công cộng hoặc phá hoại có chủ đích" - bạn đọc Linh Nga nói. 

Nhiều ý kiến cho rằng điều đáng buồn là mọi người khi đọc những bình luận dưới lời thách đố, không can ngăn, không ngăn chặn hay khuyên nhủ mà gần như chỉ thấy một đám đông ùa vào like, chờ được coi khoảnh khắc một cô bé thực hiện lời hứa câu like - đốt trường của mình. "VN nói là làm" xuất phát từ cá nhân nhưng sự cổ động của đám đông bạn trẻ mới đáng buồn làm sao.

Khi đám đông trở thành “ngòi châm lửa”

Cô gái mang xăng đến đốt trường sau khi tuyên bố trên facebook
Cô gái mang xăng đến đốt trường sau khi tuyên bố trên facebook "nói là làm" nếu được 1.000 like

Sẽ chẳng có một hành động “nói là làm” nào được thực hiện nếu không có một đám đông vào like, bình luận khích tướng và “nhiệt liệt” yêu cầu chủ nhân lời thách đố chứng minh lời mình nói.

Cách đây hơn một năm, câu chuyện hai cô gái hẹn nhau ra phố đi bộ để “nói chuyện phải trái” cũng từng gây xôn xao dư luận khi kéo theo đám đông hàng ngàn bạn trẻ tò mò, muốn chứng kiến sự việc tụ tập và gây rối trật tự khu công cộng. Sự việc hai cô gái có lẽ chẳng ồn ào đến thế nếu vắng đi đám đông huyên náo, nhiệt tình kia.

Người câu like là kẻ đáng thương, còn người đi like là kẻ vô tâm. (Ths Đào Lê Hòa An)

“Đây là hiệu ứng tâm lý đám đông, sự a dua của giới trẻ với trò đùa của bạn bè. Và có lẽ họ cũng nghĩ đơn giản là chắc bạn mình đang đùa chứ ai lại làm thế, hùa vào thách thức cho vui. Người trong cuộc thì thiếu bản lĩnh, lúc đầu có thể chỉ là sự nghĩ quẩn hay trò đùa lúc chán nản, bi quan, nhưng sau do lời khích bác của đám đông đã phải đâm lao thì theo lao”, TS Phạm Thị Thúy phân tích.

ThS Đào Lê Hoà An nhìn nhận có hai dạng like. Một là đám đông tò mò, bị thu hút bởi chính nội dung bài viết tác giả đăng tải trên Facebook, hai là những người thấy ghét nên bấm “like” (và thậm chí là kêu gọi bạn bè “like” phụ họa) để coi sự "chơi ngông" của chủ Facebook đến mức độ nào.

“Những đám đông ấy không có bất cứ trách nhiệm, chịu sự ràng buộc hoặc liên luỵ gì khi sự việc xảy ra mà lại có “phim hay để xem” nên cứ vô tư mà like. Đây là những cái like gián tiếp gây nên những hậu quả khó lường cho cộng đồng. Thiết nghĩ đã đến lúc phải thấy được trách nhiệm trong từng cái like hoặc bình luận của mình trên mạng xã hội, vì có lẽ nếu không đủ lượt like như lời tuyên bố (chứng tỏ không ai để ý đến mình) thì mục đích gây sự chú ý hoặc muốn được nổi tiếng bằng những trò gây sốc sẽ không được thực hiện”, ông An bày tỏ.

Sống ảo trên mạng, hậu quả đời thật

Luật sư Trần Ngọc Quý, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng trên mạng, thông tin trao đổi giữa các bên cũng không phải muốn nói gì là nói. Kiểu tuyên bố sẽ hành động gây sốc như đốt trường, tự thiêu hay việc bình luận khích tướng để chủ nhân thực hiện lời tuyên bố là đã có dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự xã hội.

Từ việc trao đổi thông tin không đúng luật, dẫn đến việc thực hiện hành vi đó trên thực tế đều gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người khác. Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo các quy định pháp luật. 

Thạc sĩ, chuyên gia kỹ năng sống và tham vấn học đường Lê Thị Minh Hoa lên tiếng: Nhiều bạn trẻ vì khát khao thể hiện bản thân mình, khát khao được chú ý, được nổi tiếng mà đã chọn sai cách, tạo ra những hành động gây sốc bất chấp hậu quả.

ThS Đào Lê Hoà An, Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam thì khẳng định nhu cầu khẳng định bản thân ở tuổi mới lớn thì ai cũng có nhưng không phải ai cũng có đủ tài năng để sớm khẳng định mình. Mâu thuẫn đó tích tụ qua từng ngày, khiến bạn trẻ thiếu tỉnh táo và lựa chọn những cách thức gây sốc “nói là làm” để thu hút sự chú ý của cộng đồng, nhằm thỏa mãn nhu cầu được nổi tiếng.

Theo Ths Minh Hoa, có những lời hứa rất thiết thực mà bản thân mỗi bạn trẻ có thể đặt mục tiêu cho mình như làm sao để thuần thục một môn thể thao mới, làm sao cải thiện môn tiếng Anh, làm sao không thức khuya/dậy trễ nữa...., thay vì chạy theo những giá trị ảo, xây dựng những "điểm tối" trên mạng xã hội.

Ở góc độ xã hội, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy đánh giá những hành vi “nói là làm” gây sốc không chỉ gây nguy hiểm cho chính người trong cuộc và những người xung quanh mà còn những hậu quả khác khó lường trước được.

“Câu like chỉ là mặt bề nổi của vấn đề. Điều đáng ngại chính là khi giới trẻ mất định hướng, không có phương hướng cho cuộc đời nên không có mục tiêu sống, không biết mình sống để làm gì, có ý nghĩa gì, ... Từ đó các bạn không trân trọng cuộc sống, sẵn sàng vì trò đùa, vì tâm lý đám đông, vì sĩ diện mà hủy hoại bản thân”, TS Phạm Thị Thúy nói.

Hãy trách người lớn trước

Theo các chuyên gia, để các bạn trẻ hiểu hơn về giá trị của bản thân mình và phát huy tài năng đúng chỗ, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của gia đình, nhà trường và xã hội.

Hiện nay, có thể vì quá bận rộn nên nhiều vị phụ huynh không có thời gian tâm sự cùng con nên những ẩn ức, băn khoăn, lo lắng, đau khổ... phát sinh trong tâm lý thanh thiếu niên, trong quan hệ bạn bè, thầy cô không có nơi chia sẻ, vì vậy các em bị dồn nén và đến lúc nào đó sẽ bùng phát theo cách không hay.

Mặt khác, môi trường xã hội quá nhiều thứ xấu cám dỗ: game bạo lực, phim bạo lực, khiêu dâm, sự tiêu cực, giả dối tràn lan khắp nơi… cũng khiến các em mất niềm tin, mất định hướng.

Theo TS Phạm Thị Thúy, điều quan trọng nhất là hãy dành thời gian cho con trẻ, đồng hành và giúp con sống vui vẻ mỗi ngày trong sự quan tâm và tình thương yêu.

“Nhà trường, thầy cô có thể bớt bài vở, bớt thi cử và tạo những hoạt động tập thể hữu ích, sôi động, phù hợp tâm lý để các em được thể hiện bản thân, được học kỹ năng sống, được hòa mình cùng tham gia các hoạt động với bạn bè thầy cô, để thấy mình có ích, thấy cuộc sống có ý nghĩa”, TS Phạm Thị Thúy nói.

 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục