26/03/2016 10:14 GMT+7

Cấu kết độc quyền đẩy giá thuốc lên cao

VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)

TTO - “Thực tế đang xảy ra tình trạng giữa hai địa phương gần nhau, đấu thầu cùng một loại thuốc nhưng giá chênh nhau. Lý thì rất đúng mà tình rất gian!”.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng những tầng nấc trung gian đang đẩy giá thuốc lên cao - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng những tầng nấc trung gian đang đẩy giá thuốc lên cao - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói như vậy về tình trạng đấu thầu thuốc hiện nay khi thảo luận dự án Luật dược (sửa đổi) sáng 25-3 tại Quốc hội.

2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc

“Mọi sự trong đấu thầu thuốc đều đúng quy trình, đúng pháp luật cả, chỉ có tiền là Nhà nước mất, nhân dân mất!” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên nói. Phân tích điều vô lý này, ông nói Luật đấu thầu hiện nay quy định khi có kết quả đấu thầu thì phải chấp nhận, bất kể là sai hay đúng, giá cao hay giá thấp. Ông nói khi kiểm tra thì trong Luật đấu thầu không có điều nào quy định là sau khi đấu thầu xong mà kết quả khác nhau trong cùng một mặt hàng thì phải xử lý thế nào. “Mất tiền mà phải đầu hàng thì vô lý quá!” - ông Tiên nói.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu tiếp một sự vô lý: Trong luật không có quy định nào về sự hạn chế, độc quyền nhập khẩu thuốc cả nhưng trên thực tế lại có. Việc độc quyền nhập khẩu thuốc và để thuốc qua nhiều tầng nấc trung gian đã làm giá thuốc bị đẩy lên.

“Tôi lấy ví dụ thuốc điều trị viêm gan C, giá nhập khẩu ở các nhà thuốc lớn chỉ khoảng 200 USD (4,5 triệu đồng)/hộp, trong khi người dân đang phải mua với giá 14 triệu đồng/hộp. Thật là vô lý khi dân ta còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy. Đề nghị phải rà soát như thế nào đó trong quy định để không có kẽ hở trong độc quyền nhập khẩu thuốc dẫn đến khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc” - ông Cương nói.

Là một doanh nghiệp, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng những tầng nấc trung gian chằng chịt đang làm cho người dân è cổ gánh giá thuốc cao. Ông phân tích hiện nay cả nước có tới hơn 40.000 điểm bán lẻ, hơn 100 doanh nghiệp nhập khẩu thuốc và đặc biệt là hơn 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc...

Những doanh nghiệp này chia ra thứ bậc, tạo thành hàng chục khâu trung gian đã đẩy giá viên thuốc đi lòng vòng, đẩy giá thuốc lên cao.

Trị nạn kê đơn ăn hoa hồng

Trong giờ giải lao, trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ: “Chúng ta hãy nhìn bệnh viện tư nhân để hỏi vì sao họ luôn tìm được thuốc đúng giá, còn bệnh viện công thì vướng cơ chế mua thuốc đắt?”.

Nguồn gốc của giá thuốc cao, theo bà Lan, là từ cấu kết độc quyền, thứ hai là tầng nấc trung gian, qua hàng chục công ty và thứ ba là tiêu cực trong kê đơn, một số bác sĩ nhận chiết khấu hoa hồng cao khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Với những “gốc rễ” này, bà Lan đề nghị Bộ Tài chính phải kiểm tra giá nhập khẩu thực tế, làm thế nào tính được giá hợp lý, còn doanh nghiệp kê khai thì rất khó lòng có giá thuốc đúng giá. Với các tầng nấc trung gian, bà Lan đề nghị quy định rõ một loại thuốc khi nhập khẩu chỉ được qua tối đa bao nhiêu trung gian, còn lại cứ để thị trường điều tiết.

Bà Lan cho rằng cơ quan quản lý nhà nước không chỉ thể hiện vai trò kiểm soát mà còn phải thể hiện tư thế trong việc thương lượng với các công ty dược để bảo đảm ổn định giá bán buôn bán lẻ, ổn định thị trường trong suốt năm, tránh làm cho giá thuốc “nhảy múa”.

Việc kê đơn ăn hoa hồng, thuộc phạm trù đạo đức, bà Lan cho rằng khó lòng nói về y đức một cách chung chung. Ngay tại TP.HCM, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện đặt ra phác đồ điều trị chuẩn để tránh lạm dụng thuốc trong mỗi đơn thuốc.

Nếu là thuốc đắt tiền hoặc biệt dược phải được đưa ra hội đồng thuốc và điều trị phải hội chẩn. “Điều này đi vào nề nếp sẽ góp phần hợp lý dần trong quá trình kê đơn” - bà Lan khẳng định.

Nên cấp thẻ hành nghề suốt đời

Đây là đề nghị của tất cả đại biểu khi phát biểu về vấn đề cấp thẻ hành nghề dược. Các đại biểu cho rằng việc cấp thẻ một lần (thay vì năm năm đổi thẻ) sẽ tránh việc xin cho, hạn chế tiêu cực.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị thêm nên giao cho Chính phủ cấp thẻ hành nghề riêng cho những ai có nhu cầu làm việc cho quốc tế, vì hiện nay chứng chỉ hành nghề dược của VN, ngay trong các nước Asean cũng chưa nước nào công nhận.

Bộ Công thương có quyền điều tra chống bán phá giá

Chiều 25-3, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Quy định mới được chú ý trong dự luật này là về thuế phòng vệ thương mại.

Theo đó, dự luật quy định đây là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào VN, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường VN.

Các biện pháp này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do Bộ Công thương tiến hành khi có dấu hiệu về thiệt hại đối với thị trường trong nước do hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài. Việc quyết định mức thuế suất sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của Bộ Công thương.

VIỄN SỰ (viensu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên