Trung tướng Trần Hanh - Ảnh: My Lăng |
“Trong quá trình giúp đỡ Việt Nam, tháng 3-1979, đoàn cố vấn gồm sáu phi công, huấn luyện viên và thiếu tướng không quân Malykh hi sinh khi chiếc máy bay An-24 hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đâm vào núi. Hôm đó, đường băng bị mây che phủ hoàn toàn. Mình nói với họ không hạ cánh ở Đà Nẵng được thì có thể vào sân bay Cam Ranh nhưng phi công bảo: Để tôi cố gắng hạ cánh lần nữa. Vậy là tai nạn xảy ra |
Trung tướng TRẦN HANH |
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Hanh, 85 tuổi, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết.
Tháng 2-1979, ông là phó tư lệnh Quân chủng Không quân, một trong những người trực tiếp làm việc với đoàn cố vấn cấp cao của Liên Xô.
Bay khẩn đến Hà Nội
Sáng 19-2-1979, một nhóm cố vấn quân sự cấp cao Liên Xô đã có mặt ở Hà Nội. Đoàn có 20 người, gồm các vị tướng giỏi nhất của tất cả quân binh chủng Liên Xô do đại tướng Gennady Ivanovich Obaturov làm trưởng đoàn và cũng là cố vấn trưởng.
Đại tướng Obaturov được các tướng lĩnh Liên Xô gọi là “từ điển bách khoa sống”. Vừa đến Hà Nội, đoàn đã lập tức làm việc với các chỉ huy tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Trần Hanh cho biết sau khi gặp đại tướng Văn Tiến Dũng (bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và trung tướng Lê Trọng Tấn (tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) để nắm tình hình, đại tướng Obaturov đã đích thân ra chiến trường, lên Lạng Sơn thị sát tình hình chiến đấu của quân đội Việt Nam.
“Ông ấy muốn kiểm tra hỏa lực của không quân, cao xạ, tên lửa như thế nào. Có lần đoàn rơi vào trận pháo kích của quân Trung Quốc nhưng may mắn không ai bị thương” - trung tướng Hanh kể.
Nhận thấy tương quan về vũ khí của Việt Nam lúc đó quá chênh lệch so với Trung Quốc, đại tướng Obaturov khẳng định phải lập một cầu hàng không từ Liên Xô đến Việt Nam. Việt Nam cần phải có một số lượng lớn vũ khí.
Đại tướng Obaturov đã gửi một báo cáo về Liên Xô yêu cầu khẩn cấp viện trợ cho Việt Nam một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị bằng đường hàng không. Để thiết lập cầu hàng không, một phái đoàn của Liên Xô trực tiếp làm việc với Quân chủng Không quân.
“Khi đó tôi là phó tư lệnh Quân chủng Không quân, từng học ở Nga, giao tiếp tiếng Nga tốt nên được ủy nhiệm làm việc với phái đoàn” - trung tướng Hanh nói.
Cầu hàng không quy mô
Trong thời gian ngắn nhất, quân đội Việt Nam đã nhận được tất cả mọi thứ cần thiết. Ngày 23-2-1979, Cục Vật tư - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ thuật đã tổ chức tiếp nhận viện trợ của Liên Xô theo hai tuyến: đường không (bắt đầu từ ngày 23-2) và đường biển.
Từ thời điểm này, cầu hàng không quy mô giữa Liên Xô - Việt Nam được thiết lập. Nhưng máy bay không bay thẳng từ Liên Xô sang Việt Nam mà phải hạ cánh tiếp dầu ở khu vực gần biên giới Trung Quốc rồi mới bay tiếp sang Việt Nam.
“Đó là cầu hàng không lớn nhất, ào ạt nhất, chở nhiều khí tài quan trọng nhất và hiện đại nhất mà Liên Xô thực hiện” - trung tướng Trần Hanh cho biết.
Trong ký ức của một vị tướng không quân, ông Hanh nhớ rất rõ những ngày sôi động và khẩn trương chưa từng có ấy: ở sân bay quân sự Nội Bài, cả ngày lẫn đêm máy bay vận tải quân sự cỡ lớn An-22 hết chuyến này đến chuyến khác hạ cánh cất cánh.
Liên Xô chi viện vũ khí, trang thiết bị quân sự bằng một biên đội các máy bay vận tải khổng lồ An-22. Trung tướng Trần Hanh cho biết An-22 là loại máy bay chuyên chở khổng lồ của Nga. An-22 có tới bốn động cơ kép.
“Nó to và nặng nề lắm - ông Hanh kể - Khi vũ khí khí tài được An-22 chở đến Nội Bài, các cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Không quân tiếp nhận ngay tại sân bay. Liên Xô dốc sức viện trợ cho mình các khí tài quân sự rất quý hiếm và hiện đại thời bấy giờ như: tiêm kích Mig-21, các loại tên lửa đối không, tên lửa bờ biển, các loại rađa tối tân”.
Ngay tại sân bay Nội Bài, những chiếc máy bay tiêm kích Mig-21 bị tháo rời khi vận chuyển được các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Liên Xô lắp ráp khẩn trương.
Ông Hanh nói: “Các phi công chuyên bay thử ưu tú nhất của họ sang Nội Bài bay thử máy bay sau khi lắp ráp.
Tôi nhớ nhất trung tướng Traban - phi công chuyên bay thử giỏi nhất, đẳng cấp nhất của Liên Xô. Tất cả các loại máy bay chiến đấu của Liên Xô sản xuất, tướng Traban đều bay thử. Ông ấy gật đầu thì máy bay mới được bàn giao cho phi công khác bay.
Ông ấy còn thực hiện cả các động tác kỹ thuật đặc biệt. Khi tướng Traban khẳng định máy bay tốt thì mới bàn giao cho ta. Lúc đó phi công mình mới bay”.
Sân bay Nội Bài những ngày đó không bao giờ ngủ. Máy bay An-22 cất hạ cánh cả ngày lẫn đêm. Đại tướng Obaturov cũng làm việc bất kể ngày đêm.
Tướng Hanh cho biết: “Đại tướng Obaturov rất trách nhiệm, năng nổ. Ông thường xuyên có mặt ở sân bay, ở xưởng lắp ráp quan sát, kiểm tra mọi thứ”.
Các chuyên gia và nhân viên kỹ thuật Liên Xô còn có mặt ở sân bay Đà Nẵng để hỗ trợ các cán bộ, kỹ sư Việt Nam lắp ráp 24 máy bay Mig-21 khi chúng được vận chuyển về đây. Cũng đợt này, không quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ thêm máy bay trinh sát và trực thăng chỉ huy Mi-8KP.
Chỉ trong thời gian ngắn, cầu hàng không chưa từng có giữa Liên Xô và Việt Nam đã được vận hành thần tốc với những thành quả không thể tưởng tượng được. Một khối lượng khổng lồ các loại vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu được vận chuyển từ Liên Xô sang Việt Nam.
Hàng chục máy bay tiêm kích và trực thăng, 400 xe tăng và xe bọc thép, 3.000 tấn vũ khí, trang bị, đạn dược.
Ngoài vũ khí, Liên bang Xô viết còn cung cấp các hệ thống trang thiết bị đặc chủng. Tất cả các phương tiện chiến tranh này cùng hệ thống sửa chữa, bảo hành đều được chuyển đến Việt Nam trong vòng một tháng.
Ngoài đường không, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3-1979, bằng đường thủy, Liên Xô đã đưa sang Việt Nam hàng ngàn tên lửa, 20 máy bay tiêm kích, 800 súng chống tăng RPG-7 của bộ binh, 50 tổ hợp pháo phản lực Grad BM-21, hơn 100 khẩu pháo phòng không, 400 tổ hợp tên lửa phòng không vác vai... Cũng theo lệnh của đại tướng Obaturov, một phi đội máy bay An-12 do các phi công Liên Xô lái đã chở quân chủ lực của Việt Nam từ Campuchia về Hà Nội để gấp rút bổ sung cho mặt trận biên giới. Các phi đội An-26, Mi-8... của lực lượng không quân vận tải Liên Xô cũng được huy động tham gia nhiệm vụ không vận chở 20.000 quân chủ lực Việt Nam từ Nam ra Bắc. Ít người biết trong cuộc họp giữa hai bên kéo dài ba tiếng ngày 25-2-1979, chính đại tướng Obaturov là người đã thuyết phục Việt Nam đưa toàn bộ Quân đoàn 2 - lực lượng tinh nhuệ từ Campuchia - về mặt trận phía Bắc bằng máy bay. |
Các kỳ trước: >> Kỳ 1: Những chuyến không vận từ Nam ra Bắc >> Kỳ 2: Tháo ghế Boeing 707 và đường băng thắp đèn dầu >> Kỳ 3: Hành quân bằng tàu thủy >> Kỳ 4: Những bước chân Quang Trung |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận