26/12/2013 04:15 GMT+7

Câu chuyện trăm năm

NGUYỄN THANH HÀ - THU HÀ ghi
NGUYỄN THANH HÀ - THU HÀ ghi

TT - Hôm nay 26-12, hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên - Huế” diễn ra tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đại tướng.

“Câu chuyện trăm năm” dưới đây được kể bởi bà Nguyễn Thanh Hà, con gái vị đại tướng nông dân đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.

niWVDFvg.jpgPhóng to
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng con gái Nguyễn Thanh Hà tại chiến khu Việt Bắc năm 1952 - Ảnh: tư liệu gia đình

Cha tôi, Nguyễn Vịnh, được nhiều người biết đến với tên Nguyễn Chí Thanh, quê ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cứ mỗi khi nhớ về quê hương, trong đầu tôi lại văng vẳng câu thơ của chú Tố Hữu: Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên. Nằm cách kinh thành Huế lộng lẫy không mấy xa, nhưng so với đất Thần Kinh, làng quê cha mẹ tôi khác một trời một vực. Đấy là mảnh đất khô cằn, sỏi đá nhiều hơn lúa gạo, luôn nghèo khó, hết bị thiên tai mưa bão trắng trời trắng đất lại bị nhân tai - chiến tranh bom đạn liên miên tàn phá.

Nhưng cũng chính mảnh đất khắc nghiệt ấy đã sản sinh ra những con người trong quê hương, gia đình tôi, thế hệ này qua thế hệ khác, giữ và truyền tinh thần bất khuất, ngọn lửa cách mạng không bao giờ tắt. Nhớ về quê hương, nhớ cha, chúng tôi nhớ về ngọn nguồn gia đình mình.

Mái tóc bạc trên bancông

"Con người sinh ra có thể không sống đủ 100 năm, nhưng phải sống cho hết “trăm năm” của kiếp người hữu hạn, để đi ra khỏi cõi đời này mà không có gì phải tiếc nuối. Trong con mắt của những người con, ba chúng tôi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đã sống trọn vẹn như vậy"

Ông nội tôi mất sớm, để lại cho bà nội tôi chín người con. Nhà nghèo phải đi làm thuê cuốc mướn, bà nội sớm có tinh thần chống áp bức, bất công. Không cần ai vận động, khi còn trẻ, bà nội luôn đi đầu trong những cuộc biểu tình của dân làng chống địa chủ, cường hào ác bá và bọn thực dân Pháp, đòi giảm tô giảm tức, chống thu hồi đất của nông dân.

Tôi nhớ bàn tay phải của bà nội chỉ còn có bốn ngón. Bà kể trong một cuộc biểu tình, một sĩ quan Pháp kê khẩu súng ngắn vào đầu bà dọa nếu không giải tán hắn sẽ bắn. Bà nắm lấy đầu nòng súng của tên quan Pháp và nói: “Tao thách mi bắn đó!”. Nó bắn thật, thế là bà nội tôi mất một phần bàn tay phải. Chính bà nội đã truyền lại cho lớp con cháu tinh thần bất khuất, không chấp nhận cường quyền áp bức, không lùi bước trước uy vũ, bạo lực.

Bà nội tôi hầu như không biết khái niệm cách mạng hay Việt Minh là gì. Khi ba tôi mới giác ngộ cách mạng, bà biết con mình giấu tài liệu trên mái nhà, đi hoạt động ngày đêm nhưng không một lời trách móc, vì bà luôn tin vào sự lựa chọn đúng đắn của con trai. Từ thuở thơ ấu cho đến ngày cuối cùng của ba tôi, bà nội đã ở bên cạnh ba, làm chỗ dựa tinh thần của ba trong suốt cuộc đời.

Tôi nhớ nhất hình ảnh bà nội hồi tôi còn nhỏ: bà đứng trên bancông ngôi nhà 34 phố Lý Nam Đế (Hà Nội) - phố nhà binh - nhìn ra đường đợi con trai về. Cả phố cũng quen với mái tóc bạc của bà trên bancông.

Ngày ba đi B, bà không hề khóc, chỉ nói: “Đi đi, đánh giặc xong lại về!”. Nhưng chỉ có mẹ tôi mới hiểu bà đau đớn thế nào khi ba mất, cả nhà phải giấu bà mãi mới dám nói. Không có bà nội như vậy thì đã không có ba của chúng tôi.

2Ux2Dj8y.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thanh Hà - Ảnh: Việt Dũng

Huyền thoại thật hơn sự thật

Ba tôi mất khi tôi mới 17 tuổi và các em tôi còn quá nhỏ, chưa kịp hiểu hết về ba, chưa kịp đọc những gì ba viết, chưa kịp biết những gì ba làm cho những người lính ở chiến trường, cho những người nông dân. Cuộc đời ba quá ngắn ngủi và có nhiều điều về cha mình chúng tôi chỉ được nghe các chú, các bác đồng đội của ba kể lại hoặc qua sách báo, như huyền thoại. Nhưng gần 10 năm nay, khi cùng các anh em trong gia đình đọc lại tất cả di cảo của ba, gặp lại các chú, các bác đồng đội đồng chí của ba, đi về những làng xa của phong trào “cờ Ba Nhất - gió Đại Phong”..., chúng tôi hiểu có những câu chuyện tưởng như huyền thoại về ba thật hơn cả sự thật.

Các đồng chí của ba kể lại: khi ba được phân công làm trưởng Ban nông nghiệp trung ương, trong hai tháng liền người ta không thấy ông đến cơ quan, nhiều người nghĩ chắc ông bất mãn, đại tướng mà phải chuyển sang làm nông nghiệp. Nhưng đúng hai tháng sau ông xuất hiện ở Hà Nội, mọi người mới biết trong suốt hai tháng đó ông đã đi từ địa đầu Tổ quốc đến Vĩnh Linh, tới từng làng xã xem người dân đang làm gì, cần gì. Ông về Đại Phong ở với dân suốt nửa tháng. Và chỉ một năm sau, đã có 1.000 hợp tác xã Đại Phong trên toàn miền Bắc. Những chính sách về nông dân, nông thôn mà ông đề ra từ những năm tháng ấy có thể đến nay không còn phù hợp với thời đại, nhưng vào thời điểm đó đã giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, huy động được sức người sức của từ hậu phương tập trung cho tiền tuyến. Năm 1964, trước khi đi B, ba còn để lại bản “Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam đến năm 1975”. Vị đại tướng trước khi vào chiến trường vẫn để tâm trí vào những thửa ruộng ở hậu phương, có lẽ vì thế mà mọi người thích gọi ba là “Đại tướng nông dân”?

Ai cũng biết đến ông như một vị tướng trận, một vị tướng gắn bó với những người lính áo vải dép lốp súng trường, biết ông ra đi rạng sáng ngày mà ông định vào chiến trường, khi Bác Hồ vừa tiễn đưa ông tối hôm trước. Nhưng ít ai biết ông là người ký quyết định thành lập đoàn bóng đá Thể Công, đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Ông yêu thể thao và say mê văn học nghệ thuật, nhất là nghệ thuật dân gian. Ngày từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô, ông mời thầy về dạy văn hóa (toán, lý, hóa, văn, sử, địa) và dạy kiến thức nghệ thuật. Ông vác sách bút đi học chăm chỉ như một cậu học trò ngoan. Người thầy dạy toán của ba hiện đã chuyển vào miền Trung sống, chúng tôi vẫn thường tới thăm vì ghi nhớ tình cảm và sự trân trọng của ông dành cho người thầy giáo trẻ đó.

Ông chính là Dân

Ba tôi tham gia cách mạng từ sớm, khi mới 20 tuổi, trải qua nhiều giam cầm, bắt bớ, tù đày. Những trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng có lẽ đã giúp ba tôi hiểu ra một chân lý giản dị: không có bất cứ một thành công nào của cách mạng mà lại có thể thiếu đi sự giúp đỡ của nhân dân. Với ba tôi, cách mạng là của nhân dân và chính sách của Đảng phải xuất phát từ dân thì mới mong đạt được thành tựu. Đảng, trong con mắt của ba tôi, chính là dân mà ra và mọi quyết định của Đảng đều có một nguồn cội duy nhất: mệnh lệnh và ý nguyện của nhân dân.

Sau những trận đánh Pháp ở chiến khu Bình - Trị - Thiên mà ba tôi làm bí thư phân khu ủy hồi đầu những năm 1950, Bác Hồ đã khen tặng ông là “Vị tướng du kích”. Sau này, với những phong trào quần chúng mà ba tôi phát động, ông được người ta gọi là “Vị tướng phong trào”. Ông luôn thế, gắn bó máu thịt với nhân dân, là “Đại tướng nông dân”, chúng tôi vô cùng tự hào khi nghe mọi người gọi cha mình với cái tên như vậy.

Có một điều làm cho tôi băn khoăn mãi, đó là về con người công việc của ba. Chúng tôi không được hiểu nhiều lắm, có thể vì ông mất quá sớm, cũng có thể vì ông không muốn tự thể hiện mình, mà chỉ có mong muốn duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Bác Hồ giao phó, dù là việc lớn hay việc nhỏ.

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao ba tôi lại có thể làm được những việc khác nhau như thế, từ làm bí thư tỉnh ủy, chỉ huy du kích quần nhau với giặc Pháp, chủ tịch thanh niên, sang chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi lại đi làm nông nghiệp... và rồi giai đoạn cuối cùng của cuộc đời lại khoác balô lên đường vào Nam đánh Mỹ... Vì sao, nhờ ở đâu, và làm cách nào ông có thể hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn đến như vậy? Dù biết đó là việc của tổ chức, nhưng cũng đã gần 50 năm rồi, tôi vẫn suy nghĩ mãi về những điều đó để mong hiểu thêm về người cha của mình.

Tôi cũng được nghe kể nhiều về một người cha nhân hậu và đầy tính nhân văn, nhưng tôi không hiểu làm sao mà một vị tướng nông dân lại đứng ra bảo vệ một khúc ca quan họ trên chiến trường Điện Biên, một ủy viên Bộ Chính trị chăm bẵm hạnh phúc cho một đôi thanh niên nam nữ trên cánh đồng lúa chín, một chính ủy Quân giải phóng miền Nam lại có thú vui tăng gia, chụp ảnh, bắn chim, câu cá...? Người ta hay nói đến một Nguyễn Chí Thanh cương quyết và sắt đá, chứ chưa hiểu hết một Nguyễn Chí Thanh dịu dàng, sâu lắng, sống thật đời thường và vô cùng tình cảm.

Ai cũng nói dân là gốc, nhưng ở ba tôi, việc ông gần dân, hòa trong dân, luôn đủ sức cổ vũ và lôi cuốn, dẫn đường cho dân gần như là một thuộc tính trời cho. Nó tự nhiên, nó giản dị, nó tất yếu, không cần một cố gắng nào cả. Vì Nguyễn Chí Thanh là ở trong dân mà ra, ông không cần phải học tập, phải “ba cùng” để hiểu dân, mà ông chính là dân rồi.

Cuộc sống của ba tôi không dài nhưng phong phú, đầy ắp các sự kiện, thử thách. Trăm năm qua kể từ ngày ba tôi ra đời và ông cũng đã rời khỏi cõi đời này 47 năm rồi nhưng mọi người vẫn nhớ và yêu quý ông. Đấy là điều mà những người con chúng tôi tự hào về cha mình nhất. Ông chết đi nhưng không “mất”, có nghĩa là ông đã sống thọ cùng đất trời.

Yêu đời vô cùng

Có những điều rất lạ về ba mà càng ngày tôi càng tìm hiểu càng thấy thú vị. Ba là người lạc quan, hài hước, yêu đời vô cùng. Tất cả tấm hình chụp ba không có bức nào là ba không cười. Ba có thể vừa cười vừa đọc cho chúng tôi câu thơ Bút Tre: Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh/ Anh về phân bắc phân xanh đầy chuồng mà chẳng lấy gì làm phiền lòng về sự “thiếu kính trọng”. Ba thích thơ Bút Tre và gọi ông ấy là nhà thơ nông dân tài năng, ba vui vì tên mình được gắn với ruộng đồng.

Cũng với niềm yêu đời vô hạn ấy, yêu cái gì là yêu đến cùng, say mê cái gì là cuồng nhiệt, ba tham dự tất cả những trận bóng của đội Thể Công mà ba yêu như máu thịt. Thể Công đá ở đâu ba đi xem ở đấy, thời chiến mà ba phóng xe vào tận Vinh xem các chiến sĩ đá bóng, hò hét cổ vũ như một cổ động viên chân chính. Chúng tôi thừa hưởng tất cả những nét tính cách này của ba: yêu đời, sống đơn giản và đã mê cái gì thì hết mình.

NGUYỄN THANH HÀ - THU HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên