24/12/2019 10:10 GMT+7

Câu chuyện một con đường

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - "Suốt từ cuối những năm 1940, nhà tôi sống ở xóm Chài bên con đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) ngày nay. Quang cảnh giờ không còn dấu vết gì của thuở đó nữa. Tất cả đã đổi thay hiện đại hơn nhiều...".

Câu chuyện một con đường - Ảnh 1.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đã thông thêm cửa ngõ cho thành phố - Ảnh: NHA ĐAM

Đường Nguyễn Hữu Cảnh được đặt tên nhân sự kiện kỷ niệm Sài Gòn 300 năm. Đó cũng là ngày đặt tên cho đường Hoàng Sa.

Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐÌNH TƯ

Ngắm nhìn những tòa nhà cao tầng đổ bóng xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Nguyễn Tấn Vạn man mác tâm sự về tuổi thơ mình ở xóm Chài bên bờ sông Sài Gòn này. Ông nhớ hồi đó còn có xóm Cây Me, xóm Bến, xóm Ao Rau Muống... cưu mang bao phận người khắp nơi trôi dạt về.

Một thời lụp xụp, nghèo khó

Đã tuổi 79, ông Vạn đang sống thanh thản tuổi già ở huyện Đức Hòa (Long An), nhưng thật ra phần lớn đời ông lại là cư dân Sài Gòn chính hiệu. Gốc gác tít tận xóm nghèo dưới chân cầu Long Biên đất Bắc, cha ông dắt díu vợ con đi phu cao su miền Nam. Dân sông nước không quen thổ nhưỡng đất đỏ Lộc Ninh, họ dần trôi dạt về Sài Gòn. Và từ dân bãi sông Hồng, cha mẹ ông lại là ngư dân mưu sinh trên sông Sài Gòn.

"Hồi đó, khu vực dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh bây giờ còn thưa thớt dân cư, đa số là nhà lá nhà tôn tạm bợ. Chỉ cụm hãng đóng tàu Ba Son có nhiều nhà gạch bề thế. Còn đường nhựa thì chưa như giờ đâu. Hầu hết là đường đất và lối mòn nhỏ xíu mà mưa lớn tụi tôi còn giăng lưới bắt cá được" - ông Vạn tâm sự thuở đó khoảng năm 1950, khi ông là đứa nhóc 10 tuổi. 

Thú vui lứa con nít như ông mà cũng là sinh kế của người lớn là bắt cá, bẫy chim vì hầu hết khu vực này còn um tùm lau sậy, dừa nước và ruộng vườn. Cá mú dưới sông nhiều, trên bãi cũng vô kể khi mưa dâng nước hay thủy triều lên.

Đồng cảnh như nhiều dân tứ chiếng dạt về xóm Chài, cha ông Vạn cũng đâu bỏ đồng nào để được cắm dùi ở đây. Ông chỉ cắm mấy cái cọc làm chòi, rồi dần dần lấn thêm cái sàn nhà, thế là có chỗ cho vợ con trú nắng trú mưa. 

Hồi chiến cuộc 20 năm, khu dân cư gần cầu Sài Gòn này biến động thất thường vì hay xảy ra chiến sự. Và lính Sài Gòn cũng thường xuyên tuần tra, bố ráp bảo vệ cầu Sài Gòn cùng vành đai an toàn căn cứ hải quân...

Câu chuyện một con đường - Ảnh 3.

Con đường và phố xá mới đã đổi thay rẻo đất trũng nghèo - Ảnh: NHA ĐAM

Hòa bình lập lại, cuộc sống của phần lớn dân cư bên bờ sông này yên ổn hơn nhưng vẫn nghèo khó, tạm bợ. Người vẫn bám nghề cá, đưa đò, người chạy "chợ trời" lặt vặt, kể cả trồng rau muống, thả cá, nuôi heo như ở quê. 

"Hồi đó, khu này chưa ngập nặng như giờ. Cống rãnh chưa có mấy, nhưng nước mưa theo kênh rạch chảy xuống sông hoặc ao đầm. Những chỗ trũng đọng nước cũng tiêu nhanh vì toàn là đất và cây cối, chưa bị bêtông hóa" - ông Nguyễn Văn Lâm, sống hơn 40 năm ở đây, tâm sự.

Theo ông Lâm, những năm 1980 - 1990, dân trung tâm còn thích ra đây chơi, thả diều, câu cá. Đất thấp, một số chỗ bị sình lầy mùa mưa bởi nơi này từng là nhánh cùng của sông Sài Gòn. Nước lên nhanh mà rút cũng nhanh... Và sinh cảnh chỉ thật sự đổi thay khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng hiện đại, mở thông thêm cửa ngõ lớn cho thành phố.

Nhà nghiên cứu cao tuổi Nguyễn Đình Tư kể đó là sự kiện lịch sử kỷ niệm Sài Gòn 300 năm (1698 - 1998), UBND TP.HCM mở đường mới qua đây và đặt tên Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng có công mở cõi phương Nam. Con đường nối dài đường Lê Thánh Tôn tới chân cầu Sài Gòn và thông đường Tôn Đức Thắng tạo ra trục Đông - Tây.

Nhà "Sài Gòn học" Nguyễn Đình Tư, thành viên ban đặt tên đường giai đoạn đó, tâm sự rằng hôm đặt tên đường Nguyễn Hữu Cảnh bên bờ sông Sài Gòn cũng là ngày đặt tên đường Hoàng Sa bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Từ quan chức thành phố đến người dân ai cũng vui vì có thêm con đường cửa ngõ cực kỳ quan trọng và giúp đổi thay vùng đất một thời chìm trong trũng nghèo này...

Thời gian thi công đường Nguyễn Hữu Cảnh từ năm 1997 đến 2000, nhưng tới năm 2002 mới đưa vào sử dụng và đội vốn lên gần gấp đôi so với con số được duyệt 278 tỉ đồng ban đầu. Rồi ngay sau đó đã bộc lộ một loạt sai sót, khuyết điểm của công trình. Nền địa chất yếu, thi công không đảm bảo, lại làm mặt đường, cống rãnh quá thấp đã dẫn đến tình trạng lún ngập nghiêm trọng như hiện nay...

Đổi thay và phát triển

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ngày thông đường, sự đổi thay đã đến đúng như kỳ vọng. Cảnh quan dần đổi thay. Những xóm nhà mái tôn lụp xụp được thay bằng các khu dân cư mới, đặc biệt là những tòa chung cư cao cấp. Ngay các đường sá, con hẻm nhỏ cũng được làm lại sạch đẹp hơn, không còn bùn đất lầy lội nữa. 

Ông Vạn tâm sự: "Gia đình tôi đã dời đi từ trước khi làm đường. Ngày trở lại thăm xóm cũ, thật sự tôi không nhận ra diện mạo khu vực này, đổi thay hiện đại và đẹp hơn nhiều".

Cựu dân cao tuổi bên bờ sông kể lần đầu ông bước vào phức hợp cao ốc The Manor Nguyễn Hữu Cảnh mà như đang "xem phim Tây". Tòa nhà cao tầng sang trọng làm ông già lóng ngóng không biết đường xuống thang máy. Chỉ có điều nó quá đắt đỏ so với sự hình dung của ông. Căn nhà cấp 4 cũ ông bán đi không thể với tới được các căn hộ ở đây.

Rồi bên cạnh The Manor, các khu chung cư cao cấp khác dần xuất hiện phủ bóng xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh. Khu sau cứ lớn hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn khu trước. Những Saigon Pearl, những Vinhomes... tạo nên "đẳng cấp" khác biệt cho con đường ra cửa ngõ thành phố. Được về làm thị dân bờ sông Sài Gòn này là mơ ước của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ chọn lối sống hiện đại, ngăn nắp của chung cư.

Câu chuyện một con đường - Ảnh 4.

Con đường bị gọi là "dòng sông" trong mưa ngập - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Nguyễn Diệu Linh, "cò nhà" gần 20 năm ở khu vực này, kể 70% khách hàng của mình là người trẻ, thành đạt. Họ chọn ở đây và sẵn sàng vay nợ ngân hàng nhiều năm trả góp căn hộ để được làm "cư dân Nguyễn Hữu Cảnh". 

Đặc biệt, theo bà Linh, lẽ ra giá nhà đất khu vực này còn nóng hơn nữa nếu mấy năm rồi đường Nguyễn Hữu Cảnh không bị ngập. 

"Thật sự thì chỉ bị ngập nặng một đoạn vài trăm mét khi mưa lớn, chứ không phải ngập hết cả con đường và cũng không úng nước lâu như những nơi khác, nhưng hình ảnh xuất hiện nhiều quá làm người ta ngại" - bà nói.

Nhiều dự án "giải ngập" đã được quyết liệt thực hiện cho con đường cửa ngõ này. Mấy năm trước là siêu máy bơm hút nước đổ ra sông Sài Gòn. Công suất máy bơm không thành vấn đề, mà vấn đề lại là... ngàn thứ rác linh tinh làm nghẹt họng bơm. Năm rồi, thành phố tiếp tục triển khai việc cải tạo đường, nâng cấp đoạn ngập nặng. Dự án kéo dài hơn một năm và đang được thực hiện để cố gắng đúng tiến độ.

Hi vọng khi dự án sửa đường để "giải ngập" này hoàn thành, đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ không còn bị gọi cái tên thơ mộng mà chẳng hề thơ mộng với người dân chút nào: "dòng sông Nguyễn Hữu Cảnh"...

Bây giờ, về lại chốn xưa bên bờ sông, những cựu dân như ông Vạn vẫn còn nhiều kỷ niệm không quên, nhưng họ tâm sự "đã thấy vui vui". Sự đổi thay nào không có những nỗi niềm ngổn ngang, trắc trở, nhưng sự phát triển đã thấy vững chắc trên rẻo đất lụp xụp nghèo khó, sình lầy năm xưa...

Đừng thêm tiếng oan cho đường Nguyễn Hữu Cảnh Đừng thêm tiếng oan cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

TTO - Nếu quá trình tìm giải pháp để sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được chuẩn bị công phu, khoa học, việc tổ chức giao thông cho khu vực này cũng cần chi li, tỉ mỉ, toàn diện, nếu không cả trăm ngàn người bị ảnh hưởng. Khi đó lại thêm tiếng oan...

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên