22/11/2012 08:30 GMT+7

Câu chuyện hạt gạo và nỗi nhục nước nghèo

LÊ VĂN NUÔI
LÊ VĂN NUÔI

TT - Có biết bao câu chuyện kể về ông những ngày này, có biết bao người đã bày tỏ lòng tri ân đối với những quyết sách táo bạo của ông trong giai đoạn lãnh đạo TP.HCM.

Đó là những quyết sách nhằm cởi trói khỏi cơ chế bao cấp, ngăn sông cấm chợ để bung ra sản xuất, tạo ra của cải, hàng hóa, cải thiện đời sống người lao động và công nhân viên chức.

ElkRdRdG.jpgPhóng to

Ông Võ Văn Kiệt (bìa phải) trực tiếp khảo sát địa điểm xây dựng công trình thủy điện Trị An - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Cuộc gặp gỡ cuối cùng

Câu chuyện hạt gạo

Rất nhiều lần ông đi đến các cơ sở sản xuất để tìm cách thúc đẩy phát triển sản xuất. Tôi nhớ một lần đi theo ông Kiệt xuống Cảng Sài Gòn thăm công nhân. Khi nghe báo cáo năng suất vận chuyển, bốc vác hàng hóa hơi thấp, ông Kiệt hỏi tại sao, những người công nhân chân chất nói thật: “Dạ, tại công nhân được cấp gạo ít, ăn đói quá, làm sao tăng năng suất bốc vác nổi chú Sáu ơi!”...

Ông Kiệt quay sang nhìn bà giám đốc Công ty Lương thực: “Chị về tính toán coi có thể tăng thêm vài ký gạo cho mỗi đầu người công nhân, kể từ tuần tới nhe!”.

Nhưng gạo ở đâu ra? Câu hỏi ấy bây giờ nghe thật vô lý, thế mà lúc ấy lại là chuyện lớn.

Năm 1979 - Sài Gòn chỉ với dân số 3,5 triệu người và là thành phố từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, nhưng lần đầu tiên đang rơi vào tình trạng thiếu đói gay gắt, bữa ăn của người dân phải độn bo bo, bột mì, khoai mì, khoai lang đến 70%, 80%.

Dù có tiền thì người dân Sài Gòn cũng không có gạo mà mua. Điều oái oăm là lúc này đang vào mùa thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, lúa chất đầy bồ!

Và đây là câu chuyện của nhà viết sử kinh tế Đặng Phong: Vào một buổi sáng năm 1979, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt điện mời bà Nguyễn Thị Ráo (tức bà Ba Thi) - giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM, ông Lữ Minh Châu - giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, ông Năm Ẩn - giám đốc Sở Tài chính và một vài cán bộ đầu ngành khác đến nhà ông ăn sáng.

Ông Kiệt nói: “Chúng ta là những người lãnh đạo thành phố mà để dân đói thì chúng ta có xứng là lãnh đạo không!? Bữa nay, tất cả các anh chị ngồi đây phải nghĩ kế để làm sao cho dân thoát đói. Ai không có kế thì tôi không cho về! Tôi sẽ nhốt ở đây!”.

Bà Ba Thi nói ngay: “Kế không khó, khỏi cần phải suy nghĩ anh Sáu à, vì chỉ cách đây ít chục cây số, đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều lúa. Chỉ cần xuống đó mua về rồi xay xát bán cho dân”. Ông Kiệt hỏi: “Vậy sao không mua được?”.

Bà Ba Thi nói: “Do Ủy ban Vật giá nhà nước chỉ đạo giá mua lúa 5,2 hào/kg. Giá này chỉ là giá treo, không thể mua được, vì giá ngoài chợ là 3 đồng/kg. Nếu mua với giá chợ là vi phạm”. Ông Kiệt nói: “Nếu làm cho dân hết đói thì không phải là vi phạm!”; bà Ba Thi tiếp: “Tôi cũng không sợ vi phạm kiểu đó. Nhưng muốn mua phải có tiền. Nhà nước chỉ cấp cho công ty tiền theo giá lúa 5,2 hào thôi!”.

Ông Kiệt nói: “Thế nên tôi mới mời anh Lữ Minh Châu đến đây. Vậy kế của anh Châu là gì?”; ông Châu nói: “Ngân hàng không thiếu tiền, nhưng phải có lệnh của ngành tài chính thì mới xuất được”.

Ông Kiệt lại quay sang ông Năm Ẩn - giám đốc Sở Tài chính - nói: “Kế của anh Năm là sao?”; ông Năm Ẩn trả lời: “Thưa Bí thư, nếu có lệnh của anh thì tôi sẽ viết được lệnh cho ngân hàng”. Ông Kiệt kết luận ngay: “Trong buổi sáng nay, UBND TP sẽ có văn bản yêu cầu Sở Tài chính đồng ý cho ngân hàng xuất tiền cho Công ty Lương thực.

Công ty và Sở Thương mại phải tổ chức mua lúa gạo phân phối cho nhân dân. Việc hôm nay chúng ta đang làm có thể gọi là thành lập “tổ buôn lậu gạo”. Nhưng thực chất là cứu đói cho dân. Ngày mai chị Ba Thi xuống đồng bằng sông Cửu Long mua lúa đúng giá chợ, về xay xát bán cho bà con không cần lấy lãi!”.

Hôm sau, bà Ba Thi chỉ huy nhiều đoàn xe vận tải tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do Nhà nước thời đó đang có chủ trương lạ kỳ là “ngăn sông cấm chợ” - tức cấm buôn bán, lưu thông hàng hóa từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Do vậy, cứ vài kilômet đường lại có một trạm gác và mỗi trạm gác chỉ cần một cây súng, cắm một lá cờ là có quyền ách bất cứ phương tiện vận tải nào và lập biên bản! Bà Ba Thi liền nhờ xe quân đội, biển đỏ, có binh lính mặc quân phục xanh, đeo súng dẫn đầu đoàn xe.

Nhờ vậy, đoàn xe vượt qua mọi trạm gác. Xuống tới chợ, cán bộ công ty rút tiền mua lúa công khai với giá 3 đồng/kg. Bà con nông dân mừng quá, tranh nhau cân lúa bán. Lãnh đạo các địa phương miền Tây nghe đây là kế hoạch của ông Sáu Dân nên cũng hết sức tạo điều kiện bằng cách... làm ngơ.

Lúa chở về thành phố được công ty xay xát rồi phân chia cho các cửa hàng lương thực, các chợ bán cho bà con với giá vốn nên người dân vui mừng khôn tả.

“Nghe họ nói vậy, chú thấy nhục quá!”

Theo tư liệu của GS Đặng Phong, sự việc này được báo cáo về trung ương. Trung ương triệu tập bà Ba Thi ra Hà Nội. Làm việc với bà là người lãnh đạo cao nhất của Đảng: Tổng bí thư Lê Duẩn. Tổng bí thư ngồi yên lặng nghe bà Ba Thi báo cáo đầy đủ tình hình từ đầu đến cuối.

Sau cùng, ông Lê Duẩn nói: “Cô Chín Ráo làm như vậy là đúng!”. Sau đó ít lâu, bà Ba Thi được tặng danh hiệu Anh hùng lao động; đồng thời ông chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước cũng được thuyên chuyển sang công tác khác! Vậy là “tổ buôn lậu” của ông Kiệt không chỉ cứu đói cho 3,5 triệu dân TP.HCM, mà còn cứu cho hơn 10 triệu bà con nông dân miền Tây lúc đó thoát khỏi cảnh phải bán lúa cho Nhà nước với giá lỗ vốn: 0,52 đồng/kg.

Ngoài chuyện gạo, thành phố lúc ấy cũng đang bung sản xuất ra, nhưng lại thiếu điện trầm trọng. Ông Kiệt kéo theo các chuyên gia về thủy điện, về địa chất như giáo sư Trần Kim Thạch cùng lặn lội khảo sát khắp núi rừng miền Đông Nam bộ.

Rồi ông quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An và huy động tổng lực đóng góp của người dân thành phố và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thủy điện Trị An được xem là một công trình kỷ lục về thời gian thi công và sự ra đời của Trị An đã cứu nguy cho sản xuất công nghiệp thành phố, góp phần điện khí hóa nhiều khu vực nông thôn Nam bộ.

Tháng 2-1987, ông Kiệt rời TP.HCM, ra Hà Nội nhận nhiệm vụ phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - tức Phó thủ tướng Chính phủ - kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Vào giữa năm 2005, trong cuộc gặp gỡ thân tình một số nhà báo tại báo Tuổi Trẻ, ông Kiệt đã kể chúng tôi nghe chuyện về công việc làm kế hoạch của ông lúc đó.

Ông nói: “Khi vừa lên nhận việc làm kế hoạch nhà nước, các chuyên gia ở Ủy ban Kế hoạch cứ theo thói quen cũ là kéo chú cùng đi sang các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa để xin viện trợ. Nhưng bây biết lãnh đạo các nước bạn nói sao không?

Họ nói: “VN đã có hòa bình hơn mười năm rồi, các đồng chí phải tự lực xây dựng nền kinh tế của mình đi. Chúng tôi còn phải lo cho đất nước mình, đâu có khả năng chi viện cho các đồng chí hoài được”. Nghe họ nói vậy, chú thấy nhục quá. Nên về nước, chú chỉ đạo thay đổi hoàn toàn cách làm kế hoạch nhà nước cũ, dựa vào viện trợ, mà phải lập kế hoạch khai thác mọi nguồn lực trong nước, từ tài nguyên đến con người!”.

________________

“Mong anh em coi mình như người học trò, thấy mình làm gì hoặc nói gì chưa đúng thì cứ nói: “Sáu Dân ơi, sai rồi” và phân tích cho mình biết cái sai, tốt hơn nữa là vạch cho mình biết phải sửa ra sao...,tất cả vì lợi ích của đất nước mà!”.

Ông nói vậy với đại diện giới trí thức TP.HCM và những chuyên gia tư vấn.

Kỳ tới: “Hãy cứ nói: Sáu Dân ơi, sai rồi!”

LÊ VĂN NUÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên