16/08/2017 11:59 GMT+7

Cậu bé 11 tuổi mơ làm bác sĩ, không muốn 'hình đăng báo'

NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG
NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG

TTO - Ý thức về hoàn cảnh của mình, hỏi gì T.N.G.H. (11 tuổi) chỉ mím môi vẻ mặt cam chịu. Sợ ánh mắt tội nghiệp, xót thương của người khác dành cho mình nên cậu bé nhất quyết không muốn nêu tên, chụp hình.

Ý thức về hoàn cảnh của mình, không muốn người khác tội nghiệp nên cậu bé T.N.G.H. không muốn người viết chụp hình, nêu tên của mình - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Vài ngày nữa là năm học mới đến nhưng T.N.G.H. (11 tuổi) vẫn chưa có sách, tập để đến trường. Bộ sách chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng là biết bao nhọc nhằn với người bà đã 65 tuổi. Để có tiền lo cho cháu, người bà đã 65 tuổi ngày ngày phải ngược xuôi từ TP.HCM về Long An đi làm công nhân bao bì.

 Lớn lên trong côi cút

Căn phòng trọ rộng chừng 10m2 kín mít không có cửa sổ, ban đêm bật quạt mà vẫn nóng như lò nung là nơi ở của bà cháu H.. Trên chiếc sào treo toàn những quần áo cũ mèm có hai bộ đồng phục học sinh mới tinh.

Bà Hoa - bà nội H. - cười hiền cho biết đã sắm được hai bộ đồ đi học cho cháu với giá 400.000 đồng. Còn sách thì cô giáo cũ bảo sẽ gom sách để cho nên hai bà cháu vẫn đợi. Những ngày này, bà ráng làm để kiếm tiền mua đồ dùng học tập cho H..

Ngồi cạnh bà, H. ít nói nhưng ai hỏi gì em đều lễ phép trả lời. Ở cái tuổi 11, H. đã đủ lớn để hiểu nhiều chuyện. Vì vậy, bà Hoa không bao giờ nhắc đến nỗi đau vì sợ cháu buồn tủi.

Kiếm cớ bảo cháu qua nhà hàng xóm mượn ly về uống nước, lúc này bà mới kể: “Ba nó bị tai nạn mất. Sau đó mẹ nó đi lấy chồng nhưng cũng nghèo, khổ lắm vì đông con. Từ khi mới học mẫu giáo, nó đã về sống với tui, tui nuôi đến giờ” - giọng bà Hoa nghèn nghẹn.

Bà Hoa dù đã 65 tuổi nhưng ngày ngày vẫn ngược xuôi từ Sài Gòn xuống Long An để làm công nhân bao bì. 6g30 sáng bà cháu dắt nhau ra khỏi nhà, bà đi làm, cháu đi học. Trường của H. xa nhà trọ, bà phải gửi H cho người xe ôm đưa rước.

Hỏi bà sao không kiếm công việc nào gần đây, bà Hoa trầm ngâm: “Giờ già 65 tuổi rồi, ai người ta thuê nữa. Công ty này họ cho mình làm là tốt rồi. Ở công ty tôi cũng là lớn tuổi nhất rồi.”

Từ tiền sinh hoạt, ăn uống, tiền nhà, tiền xe chở H. đi học, tất tần tật chỉ chờ vào đồng lương eo hẹp của bà. Bà cũng cố o ép, tính toán, khoản này bù khoản kia cho khít. Bà lại hay đau nhức xương khớp nên còn phải tiền thuốc men. “Tính ra mỗi tháng  lương hơn 3 triệu, đã mất tiền nhà 1,2 triệu, tiền xe chở H. đi học hơn 1 triệu” - bà nhẩm tính.

Hôm nào sớm thì 20 giờ tối bà Hoa mới về đến nhà. Sáng ra bà cắm sẵn nồi cơm, có thức ăn thì nấu lên để đó, tối về H. tự lấy cơm ăn một mình.

“Tui đi làm, bữa trưa được cho một bữa cơm. Nhiều người “chê” cơm khô không ăn, họ cho thì tui lấy đồ ăn mang về để ăn” - bà H. kể. Nhiều bữa bà đi làm về muộn, H. vẫn chờ bà về ăn cơm. Vỗ nhẹ vai đứa cháu trai, bà nói: “H. hay bảo để con nấu cơm cho bà nội về ăn. Con biết chiên cá, chiên cơm, nấu canh…”.

Nỗi lo ước mơ dang dở

Thương bà, biết bà không có tiền, lại phải đi làm từ sáng tới tối nên H. chưa bao giờ đòi hỏi gì. Bà Hoa bảo hai bà cháu chưa từng được đến khu vui chơi giải trí nào nên giờ có đi chơi, bà cũng chưa nghĩ ra sẽ đi chơi ở đâu. Cuộc sống của của H. chỉ quanh quẩn là khu nhà trọ và ở trường.

Biết cháu thiếu thốn tình cảm, thiệt thòi hơn bạn bè nhưng hoàn cảnh khó khăn, không thể mua cho cháu cái này, cái khác, bà Hoa chỉ biết yêu thương, bù đắp cho cháu bằng tình cảm của bà. Tuy nhiên, bà bảo cậu bé này sống tình cảm, lại thiếu thốn tình cảm từ nhỏ nên rất dễ tổn thương. “Nhiều bữa đi làm về mệt, gặp chuyện không vui, mình có xưng hô gọi cháu là mày. Nó nhìn mình sững sờ: “Bà nội nói gì vậy? Sao nội lại gọi con là mày”.

Khi chúng tôi đến thăm, bà Hoa thật thà cho biết ngoài những người cùng dãy trọ, chúng tôi là những người khách đầu tiên bước vào phòng trọ của hai bà cháu. Chính vì vậy H. không tiếp xúc với người lạ nhiều nên nhút nhát, ít nói. Dù học giỏi nhưng vì thân hình tròn trĩnh lại khiến em khép nép bởi những lời trêu chọc của bạn bè.

Ý thức về hoàn cảnh của mình, hỏi gì H. chỉ mím môi vẻ mặt cam chịu. Đó cũng là lý do cậu bé 11 tuổi đã ý thức được mọi chuyện, sợ bạn bè, người quen biết được sự nghèo của mình, sợ ánh mắt tội nghiệp, xót thương của người khác dành cho mình nên cậu bé nhất quyết không muốn nêu tên, chụp hình mình.

Nhìn đứa cháu nội ngồi bên, bà Hoa nén tiếng thở dài lo lắng. Bà luôn đau đáu là mai kia sức khỏe yếu, bà không đi làm được nữa thì không biết lấy gì cho cháu đi học. Bà sợ giấc mơ trở thành bác sĩ của thằng cháu dang dở. “Không đi làm được nữa thì biết lấy tiền đâu ra. Thằng bé nó ham học, chỉ thích làm bác sĩ. Nên giờ chỉ ước cho khỏe mạnh là mừng lắm rồi” - bà bộc bạch.

NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên