22/11/2018 14:02 GMT+7

Cật lực cứu người trong vụ sạt lở ở Nha Trang

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Sau trận mưa gây thiệt hại nặng nề tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã được huy động để cứu hộ, cứu nạn.

Cật lực cứu người trong vụ sạt lở ở Nha Trang - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội tìm người mất tích do sạt lở tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - Ảnh: THÁI THỊNH

Sáng 18-11, sau đợt sạt lở, thôn Thành Phát (xã Phước Đồng) ngập ngụa trong bùn đất, phía trên núi hàng chục ngôi nhà bị sập giữa dòng nước lũ. Hàng chục nạn nhân đang bị mắc kẹt trên đỉnh núi. Đất đá vẫn tiếp tục sạt lở.

Lao vào điểm nóng

Thượng úy Nguyễn Văn Giang, trạm kiểm soát biên phòng Hòn Rớ (TP Nha Trang), là một trong những người có mặt tại đây đầu tiên. Khi anh chạy đến hiện trường, nước đổ xuống còn rất mạnh. Khu vực nơi đây hiểm trở và khó khăn khi nằm chót vót ngay sát đỉnh núi nên công tác cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Khi thấy những người đứng trên đỉnh núi kêu cứu, anh Giang cùng một chiến sĩ lập tức men theo sát nhà giữa khu vực sạt lở để cứu người.

"Chúng tôi lên đến nơi, rất nhiều người dân ở đó bị các miếng tôn, đất đá đè lên. Hai anh em đã tìm võng làm cáng đưa người đi cấp cứu" - anh Giang kể.

Khoảng 15 phút sau, tổ công tác của các đồn biên phòng cùng các lực lượng cũng đã có mặt hỗ trợ. Hàng chục người già, trẻ em mắc kẹt đã được các chiến sĩ đưa xuống nơi trú ẩn an toàn.

Thời điểm đó, việc cứu người là cấp bách nên tôi không nghĩ gì nhiều.

Thượng úy NGUYỄN VĂN GIANG

Thời điểm xảy ra vụ sạt lở, 4 người mất tích do bị đất đá vùi lấp, lũ quét cuốn trôi tại thôn Thành Phát vẫn chưa tìm thấy. Chỉ đạo trực tiếp tại vùng sạt lở, thượng tá Trần Quốc Toản, phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, lập tức triển khai khẩn trương tìm người.

Hàng chục chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng học viên Học viện Hải quân đã chia nhau khuân vác đất đá tìm kiếm thi thể nạn nhân. Suốt bốn tiếng đồng hồ, mồ hôi đã ướt đẫm nhưng công tác tìm kiếm vẫn được bộ đội triển khai tiếp tục cho đến hết ngày.

Chị La Thị Nhung (thôn Thành Phát) cùng hai đứa cháu đeo tang trắng ngồi thất thần giữa đống đổ nát của căn nhà chắp tay cầu nguyện. Cha chị Nhung là ông La Hân bị đất đá vùi lấp từ sáng 18-11 chưa tìm thấy.

Khi mưa lớn, nước từ trên núi dội về, quét ngang qua ngôi làng Thành Phát rồi cuốn luôn đất đá trôi xuống trước khi xô ngã ngôi nhà của chị Nhung. Khi cả nhà vừa tháo chạy ra ngoài thì căn nhà cấp 4 bị đá tảng vùi lấp hoàn toàn. Ông Hân trong lúc di chuyển đã bị mảng tường nhà sập đè.

Chị Nhung cho biết từ sáng hôm qua đến nay, các cán bộ chiến sĩ biên phòng đã nhiệt tình giúp đỡ khuân vác đất đá lên để tìm thi thể ông Hân. "Biết nhà tôi sập hoàn toàn, bộ đội còn đưa gia đình tôi đến nơi ăn ở đàng hoàng tại một trường học. Nếu không, hai vợ chồng tôi cũng không biết xoay xở ra sao" - chị Nhung xúc động.

"Người dân cũng như ba mẹ mình"

Tại điểm sạt lở núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa) ngày 19-11, trong căn nhà ngập bùn và sình lầy, anh Lâm Văn Ngời đang cùng với các học viên Học viện Hải quân đào chiếc xe máy bị lấp dưới lớp bùn. "Với sự giúp đỡ của các chiến sĩ bộ đội, nhiều vật dụng trong nhà tôi được tìm thấy dưới lớp đất" - anh Ngời nói.

Anh Ngời kể các chiến sĩ tổ công tác của Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang, Bộ đội biên phòng Khánh Hòa đã trợ giúp ngay sau khi xảy ra lũ quét ở xã Phước Đồng.

Đại tá Ngô Quang Trung, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi nhận được công điện của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tổ chức lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả do lũ quét tại một số địa phương trong tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị của bộ, quân khu trên địa bàn nhanh chóng tổ chức lực lượng, huy động trên 500 cán bộ, chiến sĩ và hơn 1.000 dân quân tự vệ đến các địa phương bị thiệt hại để khẩn trương di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực xung yếu, ứng cứu những nạn nhân bị thương và tìm kiếm người mất tích.

Thượng úy Nguyễn Văn Giang chia sẻ: "Quê hương của anh em chiến sĩ chúng tôi đa phần đều ở vùng bão lũ, thiên tai triền miên, nên chúng tôi hiểu được vất vả và coi người dân nơi đây như ba mẹ mình. Việc giúp người dân khắc phục hậu quả sạt lở cũng như giúp chính người thân của mình".

Theo thượng tá Trần Quốc Toản, trong hai ngày 18 và 19-11, 400 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa được huy động tập trung tại bốn khu dân cư: phường Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, xã Phước Đồng cứu người, giúp dân. Lực lượng bộ đội cùng chính quyền đã hỗ trợ khẩn cấp đưa 1.400 người dân tại khu vực chùa Lâm Tỳ Ni của thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, Nha Trang đến nơi tránh trú an toàn.

"Ngay từ đầu sau khi vụ việc xảy ra, chỉ thị từ cấp trên đưa ra là bằng mọi giá phải cứu người, giúp dân tái thiết sau thiên tai tại các địa điểm sạt lở. Việc cứu giúp người dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, lương tâm thể hiện nghĩa tình quân dân trong thiên tai, bão lũ" - thượng tá Toản nói.

Mưa lớn gây hậu quả nặng nề ở Nha Trang: Nguyên nhân do đâu? Mưa lớn gây hậu quả nặng nề ở Nha Trang: Nguyên nhân do đâu?

TTO - Quy hoạch phát triển đô thị tại Nha Trang, qua thiên tai đã bộc lộ bất cập. Nguyên nhân do đâu?

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên