06/01/2012 07:33 GMT+7

Cắt khối bướu 90kg thành công: Niềm vui vỡ òa

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Sau mười giờ “chiến đấu”, lúc 19g tối 5-1, bác sĩ McKay McKinnon (Mỹ) cùng êkip phụ mổ người Việt đã thành công trong việc cắt bỏ khối bướu khổng lồ 90kg của anh Nguyễn Duy Hải.

Những ca mổ khó như thế này trên thế giới chỉ mới có vài ca, nên tất cả đều vỡ òa niềm vui...

Người mang khối u nặng gần 90kgXem tường thuật ca mổ

4GH82iWq.jpgPhóng to

Bác sĩ McKay McKinnon (giữa) thảo luận cùng các phụ tá - Ảnh: Minh Đức

sXuDpq2W.jpgPhóng to
Mẹ của bệnh nhân Nguyễn Duy Hải trải qua những giờ phút lo lắng, căng thẳng và hạnh phúc khi ca mổ thành công - Ảnh: Th.Thắng
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

“Tôi cứ tưởng không bao giờ có ngày này, nhưng ngày ấy đã đến và trở thành sự thật. Tôi có cảm giác như đang lơ lửng trên không...”. Bà Nguyễn Thị Cho Con - mẹ của anh Nguyễn Duy Hải (32 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) - vỡ òa hạnh phúc khi chứng kiến giây phút khối bướu khổng lồ 90kg được bóc tách khỏi cơ thể con.

Thời khắc đó diễn ra lúc 19g ngày 5-1, sau đúng mười giờ phẫu thuật đằng đẵng. Cả phòng hội nghị Bệnh viện FV (TP.HCM), nơi đặt màn ảnh truyền hình trực tiếp ca mổ cho anh Hải, vỡ òa niềm vui, trút bỏ được sự lo âu, hồi hộp dõi theo ca mổ của các bác sĩ. Tất cả đều vỗ tay chúc mừng êkip phẫu thuật. Nhiều bác sĩ, nhà báo, nhân viên Bệnh viện FV đã nắm tay chúc mừng, chung vui với mẹ anh Hải.

Đồng lòng “gỡ” khối u

Ca mổ “lịch sử”

Nhiều tháng nay, kể từ khi Tuổi Trẻ thông tin về tình trạng bệnh tật của anh Hải, bạn đọc khắp cả nước đã rất quan tâm, mỗi người góp một chút để anh có viện phí phẫu thuật cắt bỏ khối u phải đeo mang nhiều năm trời. Từ 6g30 ngày 5-1, anh Hải đã được các bác sĩ đưa vào phòng phẫu thuật để thực hiện các bước chuẩn bị cuộc mổ. Ca mổ “lịch sử” cho bệnh nhân có khối bướu ở chân phải lớn nhất tại Việt Nam đến thời điểm này đã được thực hiện tại Bệnh viện FV. Ca mổ thu hút sự quan tâm, đưa tin của rất nhiều cơ quan truyền thông đại chúng trong và ngoài nước.

Theo bác sĩ Viết, bác sĩ McKinnon là người có kinh nghiệm phẫu thuật trên 150 bệnh nhân có những khối u bướu khổng lồ. Ông từng phẫu thuật bóc tách khối u nặng khoảng 90kg cho một nữ bệnh nhân người Hungary. Tuy nhiên, việc phẫu thuật bệnh nhân có khối bướu cực lớn và bị tràn dịch màng phổi như anh Hải thì mới có khoảng vài ca.

Để tiến hành ca mổ này, từ ngày 27-12-2011, anh Hải đã nhập viện tại Bệnh viện FV. Ngày 3-1, bác sĩ người Mỹ McKay McKinnon đã có mặt tại TP.HCM hội chẩn với các y bác sĩ tại Bệnh viện FV để đánh giá toàn diện sức khỏe của bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Theo bác sĩ Gerard Desvignes - giám đốc y khoa Bệnh viện FV, sức khỏe bệnh nhân có thể đáp ứng được với ca phẫu thuật.

Mọi việc đã sẵn sàng và sức khỏe, tinh thần của anh Hải diễn tiến rất tốt trước khi ca mổ bắt đầu. Tuy nhiên, đây là một ca phẫu thuật lớn với rất nhiều rủi ro đi kèm và anh Hải có nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật lẫn hậu phẫu. Tỉ lệ thành công của ca mổ được đánh giá “năm ăn năm thua”. Các bác sĩ đã tư vấn, giải thích rõ với bệnh nhân và gia đình về quá trình phẫu thuật cũng như các rủi ro đi kèm, bệnh nhân và gia đình đều đồng ý phẫu thuật.

Theo Bệnh viện FV, êkip phẫu thuật cho anh Hải bao gồm ba bác sĩ gây mê và hai kỹ thuật viên gây mê của Bệnh viện FV, bác sĩ McKay McKinnon (phẫu thuật viên chính) và hai bác sĩ ngoại tổng quát của Bệnh viện FV là bác sĩ Phan Văn Thái và bác sĩ Nguyễn Quốc Thái tham gia phụ mổ. Suốt ca mổ, bác sĩ Gerard Desvignes trực tiếp có mặt để giám sát ca phẫu thuật này.

Dự kiến thời gian phẫu thuật, bóc tách bỏ khối u kéo dài 8-10 giờ, trong tình trạng bệnh nhân được gây mê và huyết áp bình thường. Anh Hải ngoài việc được truyền máu hoàn hồi của chính mình (máu của anh chảy ra khi phẫu thuật được xử lý qua bộ lọc để truyền lại cho chính anh lúc đang mổ, nhằm giảm nguy cơ rối loạn đông máu do phải truyền máu quá nhiều) còn có thể phải truyền 15-25 đơn vị máu (mỗi đơn vị 250ml).

Quá trình hội chẩn và phẫu thuật được kênh truyền hình MorningStar Entertainment của Mỹ ghi hình trực tiếp. Đồng thời Bệnh viện FV sắp xếp quay và truyền hình trực tiếp ca phẫu thuật đến phòng hội nghị ở tầng ba của bệnh viện để các bác sĩ tại FV và bệnh viện bạn có thể quan sát trực tiếp và cùng tích lũy kinh nghiệm. Theo Bệnh viện FV, tổng chi phí của ca phẫu thuật ước tính 420 triệu đồng, chưa bao gồm phí phẫu thuật viên. Tuy nhiên, Bệnh viện FV chỉ thu viện phí ca mổ của anh Hải 252 triệu đồng (Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt ủng hộ 110 triệu đồng và các nhà hảo tâm, bạn đọc báo Tuổi Trẻ ủng hộ 142 triệu đồng. Toàn bộ chi phí ăn ở và đi lại của bác sĩ McKay McKinnon trong thời gian một tuần ở Việt Nam do Bệnh viện FV tài trợ. Bác sĩ McKay McKinnon không tính tiền công phẫu thuật cho bệnh nhân).

RzJYVrS2.jpgPhóng to
Các bác sĩ trong êkip mổ chúc mừng mẹ bệnh nhân Nguyễn Duy Hải sau khi phẫu thuật cắt khối bướu thành công - Ảnh: thuận thắng

Từ nhật ký phòng mổ...

Khoảng 6g30, anh Hải được đưa vào phòng mổ để gây mê, vệ sinh vô trùng khối bướu. Các bác sĩ phải rất vất vả để xoay trở anh Hải từ tư thế nằm ngửa sang nằm sấp để phẫu thuật. Bác sĩ McKay McKinnon dùng bút lông vẽ những đường dọc ngang trên khối bướu để xác định vùng bướu sẽ được cắt bỏ. Theo đồng hồ đeo tay của chúng tôi, đúng 8g55 đường dao mổ đầu tiên của bác sĩ McKinnon đã được rạch trên khối bướu theo đường vẽ trước đó. Lớp cơ đầu tiên được bộc lộ dần từng lớp, kéo dài nhiều hơn và ngày càng sâu hơn. Đến 10g, khối bướu đã bóc tách đường dài được khoảng 50cm, sâu 5-7cm. Đến 13g, khi khối bướu được bóc tách ra đã rất lớn thì các bác sĩ không chỉ phẫu thuật khó hơn do đường mổ ngày càng nằm sâu hơn mà còn do phần khối bướu đã được bóc tách ra ngày càng nhiều, phủ tràn xuống vị trí đang được tiếp tục bóc tách.

Không như chúng tôi hình dung, ca mổ diễn ra không hề căng thẳng, lo lắng mà toàn bộ êkip phẫu thuật đều rất bình tĩnh, cẩn thận, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trong từng thao tác bóc tách khối u, khâu lại các mạch máu, dùng ống hút máu chảy, chèn gạc thấm máu... Chỉ có người ở ngoài nghe tiếng máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn, nhìn màn ảnh truyền hình trực tiếp thỉnh thoảng hiện lên số thời gian phẫu thuật đã trôi qua là hồi hộp, lo lắng.

Ngồi theo dõi ca mổ cắt khối u cho anh Hải, bác sĩ Bùi Chí Viết - trưởng khoa ngoại 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - giải thích cho chúng tôi là bác sĩ McKinnon đã bắt đầu đường mổ bóc tách khối bướu từ phía sau lưng rồi từ từ đường bóc tách từng lớp mỡ, cân, cơ đi theo hình vòng tròn dần ra phía trước. Bác sĩ Viết ước đường mổ vòng này dài khoảng 1m. Khi bóc tách khối bướu ra tới đâu thì được khâu cầm máu ngay tới đó. Đặc biệt, bác sĩ McKinnon cắt cục nidus (ổ bệnh, nguồn gốc phát sinh khối bướu) nằm dưới da ngay sau lưng anh Hải để ngăn chặn bướu tái phát sau khi phẫu thuật cắt bỏ.

Đến 17g30, cuộc phẫu thuật bước vào giai đoạn quan trọng nhất vì việc bóc tách sẽ tiến sát tới động mạch đùi bệnh nhân. Động mạch này bị giãn rộng khoảng 2cm (bình thường khoảng 1cm). Do đó nếu không cẩn thận khi cắt rời động mạch này ra khỏi khối bướu thì nguy cơ chảy máu có thể xảy ra... Nếu không khống chế được thì nguy cơ lượng máu mất sẽ rất lớn. Bác sĩ Viết cho biết ca mổ chảy máu rất nhiều nhưng bác sĩ McKinnon đã kiểm soát rất tốt.

aqPcf4O5.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Duy Hải trước khi phẫu thuật - Ảnh: H.T.Vân

... đến nghẹn ngào hạnh phúc

Theo gia đình anh Hải, anh bị khối bướu ở chân phải từ năm 4 tuổi. Theo thời gian, khối bướu ngày càng lớn dần khiến anh không thể di chuyển và rất bất tiện trong sinh hoạt. Năm 1997, anh Hải được cắt bỏ khối bướu, đồng thời cắt bỏ cả chân phải. Năm 2001, khối bướu tiếp tục phát triển và ngày càng to dần. Anh Hải đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi đến khi được bác sĩ McKay McKinnon tiếp nhận phẫu thuật.

Lúc ca mổ bắt đầu, mẹ anh Hải không dám bước vào phòng xem truyền hình trực tiếp vì không chịu nổi cảm xúc lo lắng đến nghẹt thở. Cảm giác này khiến bà bồn chồn đi ra đi vào, không ăn được gì. Đến khi nghe mọi người ra báo khối u đã được tách rời cơ thể anh Hải, bà chạy ào vào, tay ôm ngực và những giọt nước mắt hạnh phúc từ từ lăn xuống. Bà kêu trong tiếng thở dồn dập “mừng quá, mừng quá” và hai tay ôm lấy mặt nghẹn ngào.

Bác sĩ McKinnon giải thích cách phẫu thuật

Bác sĩ McKay McKinnon khẳng định thời gian phẫu thuật kéo dài vì phải cắt tận gốc khối u. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ tại TP.HCM cách đây một tháng, bác sĩ McKinnon cho biết gốc khối u nặng 90kg của anh Hải nằm phần đuôi của cột sống, nơi tập trung một số lượng cực kỳ lớn các mạch máu đã cung cấp chất dinh dưỡng và “nuôi lớn” khối u khổng lồ này trong nhiều năm.

Ông nói để giải quyết triệt để tình trạng của bệnh nhân, bắt buộc phải cắt bỏ toàn bộ phần gốc phát sinh và có “tuổi thọ” lớn nhất trong toàn bộ khối thịt này, nếu không chắc chắn khối u sẽ mọc lại sau đó, dù có loại bỏ được toàn bộ thân bướu khổng lồ hiện nay. “Các thao tác khi phẫu thuật cần phải hết sức cẩn thận và chính xác, tránh cắt nhầm vào các mạch máu vốn tập trung dày đặc tại bướu, sẽ làm chảy máu ồ ạt gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân” - ông cho biết.

Các chuyên gia gây mê cần phải theo dõi chặt chẽ để tránh khả năng bệnh nhân bị suy tim khi đang phẫu thuật.

Sau ca mổ, nguy hiểm vẫn còn chực chờ khi vết thương hở rất lớn phía lưng sau khi cắt bỏ khối u sẽ dễ bị nhiễm trùng và hoàn toàn có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các chuyên gia phẫu thuật tạo hình khi đó sẽ phải tiếp tục phẫu thuật tái tạo da để tạo ra một vùng da mới che kín vết thương hở rất lớn này.

Theo bác sĩ McKinnon, nếu ca mổ thành công, anh Hải sẽ còn phải trải qua nhiều tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt và nhiều tháng tập vật lý trị liệu để có thể quay lại cuộc sống bình thường. Bản thân khối bướu của anh Hải không phải là bướu độc, nhưng đã phát triển thành một khối ký sinh bòn rút máu và chất dinh dưỡng từ cơ thể bệnh nhân, khiến anh ngày càng suy kiệt - bác sĩ McKinnon giải thích.

TRÚC QUỲNH

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên