21/07/2011 07:54 GMT+7

Cắt giảm đầu tư công: không có ngoại lệ

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Chính phủ đã chính thức gửi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2011 và kế hoạch sáu tháng cuối năm đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII.

EWBtuyVX.jpgPhóng to
Chính phủ đã trình Quốc hội phương án miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp. Trong ảnh: các xã viên Hợp tác xã Hiệp Lực (Đồng Nai) sản xuất các sản phẩm khay, lò từ lục bình, dây rừng xuất khẩu qua châu Âu - Ảnh: LÊ SƠN

Theo báo cáo của Chính phủ, trước các thách thức của nền kinh tế, năm 2011 Chính phủ đã điều hành quyết liệt để tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Công nhận đất nước tiếp tục phải đối mặt với khó khăn lớn hơn dự báo hồi cuối năm 2010, đặc biệt lạm phát tiếp tục tăng cao, tăng trưởng có xu hướng chậm lại, lãi suất cao, dự trữ ngoại hối giảm... Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định rõ thách thức lớn nhất với nền kinh tế VN năm 2011 là lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Cắt giảm 80.550 tỉ đồng

Tổng kết sáu tháng đầu năm, Chính phủ đã nêu ra bảy mặt được và bảy hạn chế, trong đó mặt được nổi bật là tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại và yếu kém nổi lên là đời sống người nghèo khó khăn, tình trạng đình công tăng; sản xuất còn gặp khó, lãi suất cao, nợ xấu ngân hàng gia tăng...

Với lo ngại về mặt bằng lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó khăn, Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật khi công nhận lãi suất huy động bình quân của các tổ chức tín dụng hiện nay đang lên đến 15,5%/năm - cao hơn trần quy định. Khu vực nông nghiệp, xuất khẩu đang phải vay với lãi suất 17-19%/năm, khu vực phi sản xuất 22-25%/năm...

Dù kinh tế trong nước và thế giới khó khăn nhưng Chính phủ cho biết con số thống kê cho thấy sáu tháng đầu năm 2011 vẫn có 39.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 230.000 tỉ đồng (trên 10 tỉ USD). Tổng số việc làm mới tạo được trong sáu tháng qua đạt trên 720.000 người...

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-7, ông Nguyễn Đăng Bình - vụ phó Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch - đầu tư, đơn vị trực tiếp soạn thảo báo cáo - cho rằng bức tranh chung trong bản báo cáo của Chính phủ là khó khăn nhưng đã bắt đầu sáng sủa. Ông Bình nhấn mạnh kết quả quan trọng bậc nhất là cắt giảm đầu tư công của Chính phủ đã đạt con số rất lớn. Cụ thể, tổng số vốn cắt giảm Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp được để Chính phủ báo cáo Quốc hội đến nay đã lên tới 80.550 tỉ đồng.

Trước các ý kiến cho rằng số vốn cắt được không nhiều, ông Bình khẳng định tổng cắt giảm trên đã chiếm 9% tổng đầu tư toàn xã hội. “Thực tế tổng vốn đầu tư toàn xã hội sáu tháng đầu năm 2010 lên đến 45% GDP, trong khi sáu tháng đầu năm 2011 chỉ còn 38% GDP, vì vậy mức cắt giảm là thật sự có ý nghĩa, tác động mạnh lên tổng cầu và lạm phát” - ông Bình nói.

Tập trung kiềm chế lạm phát

Là cơ quan trực tiếp thống kê cắt giảm đầu tư công, ông Nguyễn Đăng Bình cho rằng sau khi Chính phủ yêu cầu cắt giảm mạnh đầu tư công, đã có nhiều địa phương, bộ ngành chần chừ và nhiều nơi đã gửi văn bản đề nghị có ngoại lệ, xin được tiếp tục khởi công mới. Tuy nhiên, Chính phủ đã kiên quyết yêu cầu thực hiện nghiêm nghị quyết 11/NQ-CP.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tiếp tục chốt lại con số cắt giảm đầu tư và báo cáo với Bộ Kế hoạch - đầu tư. Vì vậy, ông Bình cho biết những dự án “chần chừ” sẽ được dứt điểm vào danh sách đình hoãn, trừ những trường hợp hết sức đặc biệt, đã được Chính phủ nêu rõ từng dự án trong báo cáo trình Quốc hội như sửa cầu yếu, làm viện tim trẻ em...

Đã cắt giảm 3.857 tỉ đồng chi tiêu công

Theo báo cáo của Chính phủ gửi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, thực hiện chủ trương cắt giảm 10% chi thường xuyên, đến nay tổng số tiền các cơ quan cắt giảm được đã lên đến 3.857,7 tỉ đồng. Trong đó, các cơ quan trung ương cắt được 900 tỉ, địa phương cắt được 2.957,7 tỉ đồng.

Cho biết tăng trưởng GDP sáu tháng cuối năm có thể cao hơn đầu năm, Chính phủ đề ra mười giải pháp cho sáu tháng tới, trong đó nhấn mạnh các bộ ngành phải tập trung kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội. Việc điều hành giá điện, xăng dầu thời gian tới sẽ kiên trì theo cơ chế thị trường nhưng phải tính thời điểm phù hợp.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan phải rà soát bãi bỏ các khoản phí, lệ phí, thủ tục hành chính không hợp lý giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, thận trọng trong trường hợp cần điều chỉnh tỉ giá VND/USD, từng bước giảm lãi suất...

Kiên quyết chống lạm phát cũng được Chính phủ nhắc lại nhiều lần ở các giải pháp với việc xác định rõ mục tiêu chính sắp tới của Ngân hàng Nhà nước là kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Chính phủ cam kết việc cắt giảm đầu tư công sẽ được giám sát chặt chẽ, nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ được tăng cường quản lý.

Về sản xuất, Chính phủ nêu giải pháp sẽ được thực hiện thời gian tới là trình Quốc hội miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo thuận lợi giúp nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn. Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cấp cao, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào VN để tạo làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Đặc biệt, Chính phủ cho biết sắp tới sẽ tập trung tạo điều kiện cụ thể về đất đai, vốn, hỗ trợ pháp lý nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp ngoài nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Với người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ khẳng định sẽ thực hiện phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo vùng, đồng thời theo dõi, hỗ trợ người mất việc làm, lao động tự do.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ nâng cao vai trò các hiệp hội, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành với các hiệp hội nhằm thông tin, giúp đỡ kịp thời cho doanh nghiệp. Các bộ sẽ phải rà soát chức năng, nhiệm vụ nhằm hoàn thiện cơ cấu Chính phủ khóa mới. Ngay Chính phủ cũng sẽ phải tổng kết để sửa đổi quy chế làm việc và việc chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính sẽ được tăng cường.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên