Nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động xen cài trong khu dân cư ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại TP.HCM hiện có rất nhiều hộ gia đình, công ty sản xuất quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ chấp hành nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả, không chấp hành việc đình chỉ hoạt động gây bức xúc trong người dân và khó khăn trong công tác xử lý của cơ quan quản lý.
Đóng cửa, không tiếp đoàn kiểm tra
Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, trong 40 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại TP giai đoạn năm 2015-2016, đến nay có 9 cơ sở vẫn còn hoạt động mà chưa có biện pháp khắc phục ô nhiễm.
Công ty T.P.T trên đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính vào năm 2016 do khí thải vượt mức cho phép, có tình tiết tăng nặng do không chấp hành quyết định xử phạt năm 2015.
Tháng 3-2017, công ty này đã ngưng hoạt động sản xuất, nhưng đến tháng 4-2017 công ty tiếp tục hoạt động và luôn đóng cửa khu vực sản xuất, không cử người tiếp đoàn kiểm tra.
Tương tự, cơ sở giặt tẩy ở 79/16 KP5, P.Đông Hưng Thuận (Q.12) từng bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn và khí thải lò hơi có hàm lượng CO cao gấp 5,6 lần theo quy định. Hiện cơ sở này cũng đang hoạt động và luôn đóng cửa khu vực sản xuất, không cử người tiếp đoàn kiểm tra.
Ở KP4, P.Đông Hưng Thuận (Q.12) có một cơ sở sau khi bị xử phạt đã ngưng hoạt động, nhưng 4 tháng sau cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất phát hiện cơ sở hoạt động trở lại mà hệ thống xử lý nước thải không hoạt động.
Tại H.Bình Chánh, có doanh nghiệp tư nhân giặt tẩy vải, giặt ủi cũng từng bị xử phạt vi phạm hành chính do thải khí thải vượt quy chuẩn, năm 2018 khi cơ quan chức năng kiểm tra lại thì cơ sở này vẫn chưa khắc phục vi phạm.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP, theo quy định hiện nay hình thức xử phạt chính đối với cơ sở gây ô nhiễm là phạt tiền. Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả còn có: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, tạm đình chỉ hoạt động. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Tuy nhiên, Luật xử phạt vi phạm hành chính chỉ quy định biện pháp cưỡng chế đối với việc thu tiền phạt; cưỡng chế một số biện pháp khắc phục hậu quả, cưỡng chế biện pháp xử phạt bổ sung đối với tịch thu tang vật, tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề mà chưa quy định về cưỡng chế thi hành biện pháp đình chỉ hoạt động.
Đề nghị sửa luật, bổ sung cắt điện, nước
Ông Đặng Hải Bình, phó Phòng Tài nguyên - môi trường Q.12, cho biết từ năm 2017 quận đã kiến nghị biện pháp ngừng cung cấp điện, nước cho các cơ sở gây ô nhiễm mà không khắc phục hậu quả.
Sau đó, TP.HCM có kiến nghị với Bộ Tài nguyên - môi trường, nhưng việc này liên quan đến luật, nghị định nên muốn sửa không phải chuyện đơn giản. Chính vì vậy, từ đó tới nay biện pháp này tuy được đánh giá là hiệu quả thiết thực nhưng chưa thể thực hiện được.
Đến nay, Sở Tài nguyên - môi trường TP cũng nhìn nhận việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp hữu hiệu buộc cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả.
Do vậy, sở này kiến nghị UBND TP kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường trình các cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện, nước để cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khi các đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị đình chỉ hoạt động.
Chưa có cơ sở pháp lý để cắt điện, nước
Theo đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV, theo điều 45 nghị định 117/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, đơn vị cấp nước sẽ tạm ngừng cung cấp nước trong các trường hợp sau: có yêu cầu của khách hàng vì các lý do tạm vắng, tạm dừng sản xuất kinh doanh một thời gian nhưng không chấm dứt hợp đồng dịch vụ cấp nước; khách hàng không thanh toán hóa đơn tiền nước trong khoảng thời gian nhất định sau khi nhận được thông báo của đơn vị cấp nước.
Ngoài ra, đơn vị cấp nước có thể tạm ngưng cung cấp nước trong trường hợp khách hàng vi phạm các quy định của hợp đồng, trong đó có điều khoản nếu bất động sản nơi gắn đồng hồ nước bị giải tỏa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền...
Còn việc cấp điện, bà Nguyễn Ngọc Tường Vy, quyền trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP, cho biết theo thông tư 30/2013 của Bộ Công thương, khách hàng sử dụng điện không thanh toán, thanh toán quá thời gian quy định sẽ bị tạm ngừng cung cấp điện. Ngoài ra, thông tư nói trên còn quy định việc ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tổ chức, cá nhân vi phạm Luật điện lực, Luật xây dựng, pháp luật bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, năm 2017, Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn cho rằng theo nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không đề cập biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện. Do vậy, ngành điện không thể tiến hành ngừng cấp điện đối với trường hợp vi phạm Luật môi trường. Tương tự, trước đó Bộ Công thương cũng lưu ý trong Luật xây dựng (năm 2014) không có quy định biện pháp cưỡng chế ngừng cấp điện đối với trường hợp vi phạm quy định về xây dựng. Vì vậy, hiện tại ngành điện cũng không có cơ sở pháp lý áp dụng hình thức ngừng cấp điện đối với trường hợp vi phạm Luật xây dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận