23/04/2015 09:23 GMT+7

​Cắt 10% biên chế hành chính

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Dư luận từng xôn xao khi trước đây Bộ Nội vụ đưa ra dự kiến tinh giản 100.000 biên chế, ước tính tỉ lệ khoảng 3% trong tổng số khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

Thi tuyển công chức tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Lần này Bộ Chính trị trong nghị quyết về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nhiều, khi xác định tỉ lệ tinh giản biên chế trong bảy năm (2015-2021) tối thiểu là 10% trong tổng số biên chế.

Nếu chỉ tính riêng con số khoảng 2,8 triệu nêu trên (theo thống kê của Bộ Nội vụ) thì 10% tương đương với khoảng 280.000 người.

Xem xét đơn thuần theo các số liệu vừa nêu, rõ ràng con số 280.000 ấn tượng hơn so với 100.000, vì thế thách thức để thực hiện nó cũng sẽ lớn hơn nhiều. Trong đó, có ít nhất ba thách thức nhìn thấy trước.

Đầu tiên chính là thách thức của “đầu ra”, làm sao để đạt mục tiêu cắt giảm số lượng lớn như trên?

Khi nói đến chuyện tinh giản biên chế, không ít người sẽ lắc đầu nhận xét rằng đây đâu phải lần đầu tiên chúng ta hô hào.

Theo nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, từ trước đến nay chúng ta đã thực hiện 5-6 đợt tinh giản biên chế.

Đợt lớn nhất là giai đoạn 2001-2010 với mục tiêu tinh giản trên 10%, tuy nhiên khi nhìn lại đều không đạt mục tiêu ban đầu. Sau mỗi lần hô giảm biên chế thì biên chế lại tăng thêm, bộ máy ngày càng phình to.

Như vậy để giải bài toán “đầu ra”, quyết tâm và mục tiêu bao nhiêu phần trăm chưa đủ. Muốn kiểm soát được việc tinh giản biên chế trong cả bộ máy, phải kiểm soát được việc cắt giảm ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Không nên chỉ dừng lại ở quy định từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế, cần phải đòi hỏi kế hoạch đó được công khai, minh bạch để công chúng giám sát.

Làm rõ những địa chỉ cắt giảm nằm ở đâu và lộ trình thực hiện từng năm ra sao trong quá trình bảy năm.

Đơn cử như Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì việc tham mưu chủ trương về tinh giản biên chế có thể công bố tổng số cán bộ, công chức, viên chức của mình hiện nay và kế hoạch cắt giảm theo chủ trương chung của bộ?

Tiếp theo là câu chuyện “đầu vào”, nếu ra 10% mà vào 11% hoặc nhiều hơn thì coi như tinh giản biên chế thất bại.

Điều đáng mừng là với “đầu vào”, lần này Bộ Chính trị khống chế “trần” 50%, theo đó số tuyển dụng mới không được quá một nửa (không quá 50%) số đã thực hiện tinh giản biên chế cũng như số nghỉ hưu, thôi việc.

Tuy nhiên, thực tế lâu nay cho thấy phình biên chế còn nằm ở các biên chế bổ sung, giao cho các tổ chức mới thành lập hoặc để thực hiện các nhiệm vụ mới.

Chính vì vậy, việc khống chế “trần” tuyển dụng mới trong các tổ chức hiện có cần thực hiện đồng bộ với hạn chế tối đa thành lập tổ chức mới.

Làm tốt từ “đầu ra” cho đến “đầu vào” chính là để hóa giải thách thức thứ ba - “cắt được chỗ cần cắt” - để đi đến mục tiêu cốt lõi của chủ trương tinh giản biên chế là đưa những người không làm việc, những người “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” và những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi nền công vụ nước nhà.

Đồng thời dành chỗ cho người hiền tài nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên