Hôm 3-5, TS giáo dục học Lê Vinh Quốc có bài viết nhận xét “bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành” là thiếu “chính xác và nhất quán”.
Do đâu mà bộ ký tự hết sức ổn định gồm 29 chữ cái hiện hành, một công cụ vừa tiện dụng vừa khoa học để ghi lại một cách trung thực bộ mặt ngữ âm của tiếng Việt và từng được nhiều nhà ngữ học tên tuổi cả trong lẫn ngoài nước (như Cao Xuân Hạo, Laurence C. Thompson, các giáo sư Hoàng Phê, Đoàn Thiện Thuật, Nguyễn Văn Lợi...) đánh giá rất cao lại bị chê trách nặng lời đến thế?
Câu trả lời chắc tự nó sẽ đến nếu chúng ta không hiểu công dụng chủ chốt của các bảng chữ cái và giá trị của bốn ký tự “bị dùng lậu” F, J, W và Z, như TS Quốc từng hiểu.
Thật thế, theo TS Quốc thì “tính khoa học” và “tính nhất quán” của một bảng chữ cái vốn được thể hiện rõ nhất và cơ bản nhất qua khả năng đánh số thứ tự các hàng ghế trong rạp hát hay rạp chiếu bóng, trong toa xe hay trên sân vận động, cũng như qua khả năng đánh số thứ tự các đề mục/tiểu mục trong những báo cáo khoa học hay công tác, hoặc qua khả năng gọi tên hình này hình nọ ở môn hình học.
Trong khi đó giới ngữ học lại quen đánh giá tính khoa học và tính nhất quán của một bảng chữ cái qua khả năng ghi lại đủ chân thực, đủ chân xác bộ mặt ngữ âm của các từ ngữ trong một thứ tiếng, vì theo họ hình dung đây mới là công dụng chủ chốt nhất và hệ trọng nhất của các bảng chữ cái. Cách nhìn nhận vấn đề khác nhau tất đưa đến các kết quả đánh giá khác nhau. Đó là điều dễ hiểu, cho nên chắc hẳn chúng ta khỏi phải bàn nhiều. Bởi thế, tiếp theo đây có lẽ chúng ta nên dành thì giờ để bàn đến chuyện: làm cách nào để cấp “giấy chứng minh” cho bốn chữ cái “bị dùng lậu”?
Thực tế ngôn ngữ cho thấy từ mấy thập niên gần đây, trên các văn bản viết bằng chữ quốc ngữ, bốn ký tự F, J, W, Z đã được dùng công khai và ngày một nhiều để ghi các ký hiệu trong mấy môn vật lý, hóa học, toán học... (F, J, W, Hz...), để viết các dạng tắt tên riêng của các tổ chức nước ngoài (FAO, WHO...), để viết các thuật ngữ khoa học - công nghệ (kim loại wonfram, định dạng file, các trang web), để viết các nhân danh/địa danh nước ngoài (California, Zagreb, Washington...), để ghi các từ ngữ nước ngoài dùng trong giao tiếp thường nhật (quần jeans áo jacket, võ judo...).
Trong các cuộc thảo luận về việc sử dụng bốn ký tự trên trong văn bản tiếng Việt thì hầu hết ý kiến đều tán thành việc dùng những ký tự ấy cho ba trường hợp đầu, nhưng dùng cho hai trường hợp cuối lại gây nên lắm cuộc tranh luận sôi nổi mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, ngay từ bây giờ chúng ta nên cấp “giấy chứng minh” cho bốn ký tự ấy thì hơn, bởi sớm muộn nước ta cũng sẽ hội nhập ngày càng sâu thêm vào cộng đồng thế giới, và các thế hệ đi trước càng đón đầu sớm bao nhiêu thì các thế hệ đi sau càng đỡ thiệt thòi bấy nhiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận