06/04/2016 18:01 GMT+7

Cấp bách đắp đập ngăn mặn trên sông Vàm Cỏ Tây

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Chiều 6-4, ông Lê Tấn Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, đã ký văn bản giao Sở NN&PTNT cấp bách đắp 6 đập tại các cầu trên hệ thống sông Vàm Cỏ Tây nhằm ngăn mặn.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn (trái), giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và ông Lê Văn Hoàng, giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Long An gặp nhau chiều 6-4.
Ông Nguyễn Thanh Cẩn (trái), giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang và ông Lê Văn Hoàng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, gặp nhau chiều 6-4


Các đập được đắp tại cầu Bà Hai Màng, cầu Ông Nhượng, cầu Bà Định, cầu Thủ Cồn, cầu La Khoa và cầu Bến Kè.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An cũng giao Sở GTVT cấp bách triển khai thi công công trình ngăn mặn tại 13 cống khác dọc theo tuyến quốc lộ 62.

Ông Dũng cho biết việc đắp đập đến nay mới triển khai vì độ mặn tại các cầu, cống này đã cao từ 2,4g/l đến 3,6g/l.

Theo tính toán từ phía Sở Nông nghiệp tỉnh Long An, các công trình này có số vốn đầu tư khoảng gần 3 tỉ đồng.

Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Cẩn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cùng ông Lê Văn Hoàng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đã gặp nhau để bàn thêm các giải pháp ngăn xâm mặn chung cho vùng nông sản giáp ranh Long An, Tiền Giang.

Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, ông Cẩn cho biết hiện tại độ mặn phía Tiền Giang giáp ranh khu vực này cũng đã lên mức trên 2g/l. 16.000 ha khóm thuộc Tân Phước, Tiền Giang đang chịu ảnh hưởng của nguồn nước này. Do hệ thống khóm nơi đây đã được tôn tạo hệ thống đê bao từ các mùa trước nên đến nay vẫn còn đủ trữ lượng nước để sử dụng, tuy nhiên việc đắp đập từ phía Long An cũng là một phương thức để tăng thêm độ an toàn, tránh nguy hại.

“Trước đó Tiền Giang đã đề nghị Long An đắp sớm để an toàn hơn. Đến chiều 5-4, anh Hoàng có nói với tôi là phía Long An đang theo dõi độ mặn khu vực này, và việc đắp đập có thể chậm lại để theo dõi thêm xem lượng nước ngọt từ thượng nguồn có về kịp để đẩy lùi hạn mặn hay không. Tôi cũng có báo cáo rõ ràng về UBND tỉnh Tiền Giang vấn đề này”, ông Cẩn nói.

Giải thích thêm về điều này, ông Lê Văn Hoàng cho biết Sở NN&PTNT là đơn vị chuyên môn xử lý hạn mặn, nên luôn theo dõi và báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh.

“Gần đây Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn miền Nam vẫn dự báo đến khoảng ngày 6, 7-4 là nước ngọt sẽ về đẩy lùi hạn mặn. Tuy nhiên, đến ngày 6-4, cả hai Sở cùng nhận thấy độ mặn vẫn còn cao nên Sở NN&PTNT Long An đã tiếp tục xin UBND tỉnh Long An cho đắp đập ngay”, ông Hoàng nói thêm.

Trao đổi thêm về việc liên kết giữa các địa phương để chống hạn mặn trong thời gian qua, ông Lê Tấn Dũng cho biết ngay từ những ngày đầu tiên xảy ra hạn mặn, Long An đã kết hợp chặt chẽ với các tỉnh giáp ranh như Tiền Giang và Tây Ninh để cùng đối phó với hạn mặn. Hiện tại, tỉnh Tây Ninh vẫn đang xả nước với dung lượng từ 15 - 25 m3/g để giúp ngăn mặn. Tiền Giang trước đó cũng đã xả đập để giúp Long An có thêm nước ngọt đẩy lùi độ mặn.

“Các tỉnh vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt, thân tình với nhau và luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau nếu phía bên kia có yêu cầu. Có thể nói là chỉ cần phía tỉnh nào có bất cứ yêu cầu gì thì Long An cũng sẽ giúp đỡ mà không phải đắn đo suy nghĩ. Cốt yếu vì mối lợi chung cho cả đồng bằng, không hề có chuyện tỉnh này không giúp tỉnh kia ngăn hạn mặn bao giờ”, ông Dũng nói thêm.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên