Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến chính thức về phương án đề xuất của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong đó phải nêu rõ cơ sở pháp lý, tham mưu Thủ tướng theo hướng tìm phương án khả thi, kịp thời để triển khai được dự án, đáp ứng kết nối giao thông. Các ý kiến gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15-8, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là: "Chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km với quy mô 4 làn xe đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Những năm qua, tuyến cao tốc này trở nên quá tải, không đủ sức "gánh" hàng ngàn xe cộ đi lại mỗi ngày.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành dài 22km lên quy mô 8-10 làn xe, với tổng mức đầu tư 14.955 tỉ đồng. Cụ thể đoạn từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao vành đai 3 TP.HCM (từ km4+00 đến km8+770) sẽ được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn từ nút giao vành đai 3 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ km8+770 đến km25+920) được nâng cấp lên 10 làn xe.
Còn cầu Long Thành được đầu tư xây dựng thêm một đơn nguyên cầu mới với quy mô tương tự cầu hiện tại, nâng tổng quy mô lên 10 làn xe.
Trước đây trong giai đoạn 1 của dự án, cao tốc TP.HCM - Long Thành đã cơ bản giải phóng mặt bằng cho 8 làn xe, quỹ đất dự trữ nằm ở hai bên.
Để mở rộng thêm, cơ quan chức năng cần khoảng 904 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.
Việc thi công mở rộng hai bên tuyến đường được đánh giá là thuận lợi, không ảnh hưởng đến quá trình lưu thông trên đoạn đường hiện tại.
Mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Tại cửa ngõ phía tây, trục cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đang được liên danh nhà đầu tư, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM và Công ty cổ phần Tasco, đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho kế hoạch mở rộng. Quy mô mở rộng dự kiến lên 8 làn xe cùng 2 làn khẩn cấp.
Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đề nghị liên danh nhà đầu tư nghiên cứu phương án mở rộng tuyến đường nối từ Tân Tạo đến Chợ Đệm và từ Bình Thuận đến Chợ Đệm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai.
Sở cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng các nút giao thông với tỉnh lộ 10, Võ Văn Kiệt nối dài, Thế Lữ, Tân Túc, và kênh 10.
Đồng thời cần xem xét phương án đầu tư nút giao hoàn chỉnh với quốc lộ 1 tại giao lộ Tân Tạo và giao lộ Bình Thuận. Bởi đây là các điểm kết nối quan trọng tại cửa ngõ TP, thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vì lưu lượng phương tiện rất cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận