06/04/2024 12:03 GMT+7

Cao điểm nắng nóng, các trường lo cho học sinh ra sao?

Những ngày gần đây, TP.HCM bước vào đợt nắng nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ thường ở mức từ 36 - 38 độ C, thậm chí có lúc 40 độ C.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh khiêm (quận 1, TP.HCM) học thể dục dưới sảnh tòa nhà của trường để tránh nắng nóng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh khiêm (quận 1, TP.HCM) học thể dục dưới sảnh tòa nhà của trường để tránh nắng nóng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, nhiều trường đã điều chỉnh lịch hoạt động ngoài trời và thực đơn bán trú. Phía phụ huynh cũng tăng cường bồi dưỡng cho con.

Chuyển chỗ học thể dục, thêm nước mát, rau xanh

Tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình), tất cả các tiết thể dục sau giờ ra chơi buổi sáng cho đến buổi chiều đều không diễn ra ở sân trường vì quá nóng. Nhà trường cho dọn phòng ăn để các lớp học thể dục tại phòng ăn và khu vực sảnh.

"Ngoài ra, chúng tôi tăng cường treo cây xanh ở các hành lang làm giảm bớt sự nóng bức, ngột ngạt", đại diện Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn chia sẻ.

Còn ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), ThS Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng nhà trường, thông tin: "Tại các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, chúng tôi nhắc nhở học sinh hạn chế chạy nhảy ngoài sân, uống nhiều nước, khuyến khích các em mang theo bình nước cá nhân. Về thực đơn bán trú, nhà trường tăng cường các loại nước mát, giải nhiệt cho học sinh như nước mía lau, nước sâm, nước tắc, chè đậu đỏ, chè đậu xanh...".

Trong khi đó, Trường THCS Vân Đồn (quận 4) yêu cầu giáo viên thể dục không cho học sinh tập môn điền kinh và các môn vận động mạnh vào buổi chiều mặc dù sân trường có che lưới lan. "Thực đơn các bữa ăn bán trú thì chúng tôi tăng cường thêm rau xanh và các loại canh cho học sinh dễ ăn", lãnh đạo Trường THCS Vân Đồn cho hay.

Tương tự, cô Hứa Thị Diễm Trâm, hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho biết: "Trời nắng nóng nên thực phẩm rất dễ ôi thiu. Chúng tôi yêu cầu bếp ăn bán trú không làm những món như cơm chiên, dưa leo xắt lát... Thay vào đó là những món nước cho học sinh dễ ăn. Ví dụ, ngày 4-4, học sinh trường chúng tôi ăn món canh bún nấu với cua đồng cho dễ tiêu và mát. Ngay cả món tráng miệng cũng chọn những loại dễ bảo quản như chuối cau, quýt, yaourt"...

Trường chúng tôi có nhiều hoạt động ngoài trời. Nay trường vẫn tổ chức nhưng các hoạt động sẽ bắt đầu sớm hơn thường ngày 30 phút từ đầu giờ sáng để có thể kết thúc trước khi nhiệt độ tăng cao. Một số hoạt động tập thể trước đây hoàn toàn diễn ra ngoài trời thì nay đưa vào thư viện, hội trường, phòng giáo viên.
Cô Đỗ Ngọc Chi

Không để con thiếu nước

"Mấy bữa nay, ngày nào tôi cũng làm nước ép trái cây cho con trai mang đi học. Cứ tuần tự thay đổi từ nước cam, nước chanh đến nước ép dưa hấu, nước ép ổi... Mỗi ngày con tôi sẽ mang theo một bình 200ml nước ép để uống vào giờ ra chơi. 

Trời nắng nóng quá, mấy bé lứa tuổi tiểu học lại hiếu động nên tôi dặn con phải uống hết bình nước ép đồng thời thường xuyên uống nước lọc khi ở trường" - chị Nguyễn Thị Thu Huệ, phụ huynh ở phường 3 (quận Phú Nhuận), cho biết.

Chị Thu Trang, phụ huynh ở phường 12 (quận Tân Bình), thì chuẩn bị cho hai đứa con mỗi đứa một bình nước lọc 750ml.

"Trẻ con rất ham chơi mà khi chơi thì thường quên uống nước. Trước đây tôi mua bình nước cho con cỡ 250ml nhưng nay trời nắng nóng quá, tôi mua sẵn loại nước suối 750ml. Buổi sáng trước khi đi học, mỗi bạn sẽ lấy một chai nước để vào bên hông cặp. 

Mặc dù ở trường có bình nước lọc, học sinh nào uống thì mang chai, mang ly ra hứng nước nhưng giờ ra chơi thường khá đông học sinh đứng lấy nước. Con tôi là con trai, ngại đứng chờ nên trước đây bé về kể rằng con nhịn khát luôn, về nhà uống một thể. 

Trời nắng nóng thế này, tôi lo con bị sốc nhiệt nếu thiếu nước nên cứ chuẩn bị sẵn nước ở nhà mang đi, khát lúc nào là có ngay chai nước để uống", chị Trang chia sẻ.

* TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn):

Không để chênh lệch nhiệt độ quá lớn

Với thời tiết nắng và nóng như ở TP.HCM hiện nay thì việc đầu tiên là cần che nắng cho học sinh nếu các em phải ra ngoài trời. Thứ hai là không nên để nhiệt độ trong phòng học và nhiệt độ ngoài trời chênh lệch quá lớn.

Trên thực tế, khi trời quá nóng, một số lớp học đã trang bị máy lạnh thường có xu hướng giảm nhiệt độ xuống thật thấp cho mát nhanh. Việc này là không nên.

Việc tiếp theo là các em học sinh cần uống đủ nước, tăng cường rau xanh, trái cây. Mỗi học sinh nên mang theo chai nước bên mình để khát lúc nào thì uống ngay lúc đó chứ không đợi đến giờ ra chơi mới đi lấy nước uống.

Có em khi đến bình nước thấy các bạn xếp hàng đông quá thì nhịn khát luôn chứ không đứng đợi. Do đó, các bình nước tập thể trong trường học nhất thiết nên bố trí ở nhiều chỗ để học sinh dễ tiếp cận, dễ lấy.

Mùa nóng như thế này các em cần uống nước liên tục và quan sát, nếu thấy nước tiểu màu vàng sậm tức là uống chưa đủ nước, cần bổ sung thêm.

Mặt khác, các nhà trường cũng cần truyền thông để học sinh hạn chế uống nước ngọt, trà xanh đóng chai có đường... Đây là những loại thức uống có nhiều đường, tạo thỏa mãn vị giác nhưng ít giá trị dinh dưỡng, dễ gây béo phì.

Vấn đề an toàn thực phẩm cần đặc biệt lưu tâm bởi thời tiết nắng nóng thì thức ăn dễ ôi, thiu. Nhất là đối với những bếp ăn công nghiệp, công đoạn nấu nướng diễn ra ngoài nhà trường, sau đó mất thời gian vận chuyển đến trường học rồi mới chia thức ăn cho học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên hướng dẫn học sinh cách nhận biết thức ăn hư hỏng. Khi thấy thức ăn có vị lạ thì các em không ăn nữa và báo ngay cho thầy cô giáo hoặc bảo mẫu.

Hàng ngàn trường học Philippines dừng học trực tiếp vì trời quá nóngHàng ngàn trường học Philippines dừng học trực tiếp vì trời quá nóng

Cao điểm nắng nóng và ảnh hưởng của El Nino, nhiều trường học tại Philippines phải chuyển sang học từ xa để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên